* Phóng viên: Ngày 15-3, Việt Nam chính thức mở cửa du lịch. Ông có thể nói rõ hơn về hoạt động mở cửa du lịch này?
- Ông NGUYỄN TRÙNG KHÁNH: Từ 15-3, Việt Nam chính thức mở cửa du lịch ở cả đường bộ, đường biển, đường sắt, đường không, tại tất cả các cửa khẩu. Chúng ta đã khôi phục lại toàn bộ chính sách visa theo tinh thần Nghị quyết 32 ban hành ngày 15-3-2022, miễn visa đối với khách đến từ 13 quốc gia, vùng lãnh thổ như trước năm 2019. Khách du lịch nội địa sẽ không bị hạn chế bất cứ hoạt động du lịch nào. Với khách quốc tế, chúng tôi đã nỗ lực làm việc với các bộ, ngành để có những giải pháp phương án cuối cùng tạo điều kiện tối đa cho khách du lịch.
Ông NGUYỄN TRÙNG KHÁNH:
Chúng tôi đang chờ Bộ Y tế sửa đổi các quy định, yêu cầu đối với khách du lịch nhập cảnh. Theo chúng tôi được biết thì phương án của Bộ Y tế rất cởi mở, đúng tinh thần đề xuất của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
* Khi mở cửa du lịch, những thách thức nào mà ngành sẽ phải vượt qua, thưa ông?
- Nhiều quốc gia trên thế giới đã mở cửa, chúng ta cần nhanh chóng có những giải pháp phối hợp với nhau để tận dụng cơ hội này, phục hồi du lịch.
Đến thời điểm này, mới có 15 quốc gia trên thế giới công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam. Điều này sẽ khiến hoạt động du lịch outbound bị hạn chế, làm mất cân bằng trong quá trình thực hiện các chuyến bay quốc tế. Chỉ khi nào các chuyến bay đến và đi cân bằng thì mới giảm được các chi phí hàng không và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao, các đơn vị liên quan cùng thúc đẩy gia tăng thêm số lượng quốc gia công nhận giấy tiêm chủng của Việt Nam.
Ngành du lịch tổ chức đa dạng các dịch vụ để thu hút du khách quốc tế trong thời gian tới Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Một vấn đề khác là chuẩn bị các điều kiện về năng lực phục vụ cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực của ngành. Khó khăn là 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều khu du lịch đóng cửa, cơ sở vật chất bị xuống cấp. Nhân lực ngành du lịch cũng bị phân tán và chuyển sang ngành nghề khác khá nhiều.
Việc mở cửa trở lại này được xem là cuộc cạnh tranh khá khốc liệt trong bối cảnh mới. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng các địa phương hoàn thiện cơ sở vật chất, điểm đến để nâng cao năng lực cạnh tranh. Tổng cục Du lịch đã xây dựng một số kế hoạch, như tiếp tục triển khai quảng bá chương trình "Live Fully in Vietnam"; thực hiện công tác truyền thông trên các nền tảng số; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn; giới thiệu và quảng bá hình ảnh Việt Nam trên các đài truyền hình uy tín của quốc tế…
* Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022. Cơ sở nào để thực hiện mục tiêu này khi một số thị trường tiềm năng của Việt Nam như Nga, Nhật Bản, Trung Quốc vẫn đang đóng cửa hoặc gián đoạn?
- Chúng tôi không kỳ vọng khách quốc tế sẽ ồ ạt đến và chỉ tiêu này là một chỉ tiêu tương đối tham vọng. Không phải cứ mở cửa là ngày một ngày hai sẽ có khách. Chúng ta mở cửa lại thời điểm này là kết nối thị trường để đón khách từ tháng 9-2022 đến tháng 3 năm sau.
Thị trường Trung Quốc hiện vẫn đóng cửa. Nhật Bản, Hàn Quốc đang có những rào cản nhưng chúng tôi tin sẽ dần có những chính sách thuận lợi hơn, kỳ vọng tiếp cận được đối tượng này. Thị trường châu Âu, Đông Bắc Mỹ, Úc, New Zealand chúng tôi đã xác định rõ hướng tiếp cận. Còn đối với thị trường Nga và các nước Đông Âu tất nhiên sẽ có ảnh hưởng nhất định nhưng chưa phải là lớn. Qua trao đổi với các công ty lữ hành vẫn cho thấy những tín hiệu rất khả quan…
Chúng tôi tin mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm nay là có thể đạt được.
Hàng không mở thêm mạng bay
Cùng với việc ngành du lịch sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại từ ngày 15-3, các hãng hàng không cũng cấp tập mở thêm mạng bay trong nước và quốc tế, kỳ vọng đà phục hồi nhanh chóng.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết để chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch quốc tế từ sau ngày 15-3, Vietnam Airlines đã có kế hoạch mở rộng và tăng tần suất khai thác đến toàn bộ mạng bay thường lệ quốc tế. Trước mắt, từ cuối tháng 3-2022, hãng tăng tổng số chuyến bay lên 97 chuyến/tuần, khai thác tới hầu hết các sân bay thành phố lớn của các nước, mở rộng khai thác thêm các đường bay du lịch đến Singapore từ 15-4. Đến tháng 7-2022, Vietnam Airlines tiếp tục khôi phục khai thác đến thị trường Trung Quốc, Indonesia và các đường bay du lịch đến Đà Nẵng, Nha Trang từ các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, nâng tổng số chuyến bay quốc tế lên đến hơn 160 chuyến/tuần.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Vietjet, khẳng định hãng này đã "kích hoạt" nhiều biện pháp để đón khách du lịch. Dự kiến cuối tháng 4, hãng sẽ tiếp tục tăng tải và đến tháng 5 sẽ bay trở lại toàn bộ đường bay của năm 2019. Tiếp đó, trong tháng 6, sẽ khai thác lại toàn bộ đường bay quốc tế, cũng như chuẩn bị máy bay thân rộng để bay đến Úc, châu Âu...
Một hãng hàng hàng không khác là Vietravel Airlines cũng đang nỗ lực trở lại sau giai đoạn khó khăn do Covid-19. Ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám đốc Vietravel Airlines, cho biết hãng đã lập kế hoạch và xúc tiến việc mở cửa các chặng bay mới trong nước, nhằm kết nối các thành phố lớn và điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam; đồng thời đang làm việc với các cơ quan hàng không quốc tế và các tổng cục du lịch các nước để mở rộng mạng bay vào quý II/2022.
Th.Phương
Bình luận (0)