Bà Rebecca Pearson, Phó Giám đốc phụ trách bán lẻ CBRE châu Á, cho biết như vậy tại một hội thảo về tương lai ngành bán lẻ Việt Nam tổ chức cuối năm 2019.
Theo nhận định của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS), với tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ luôn cao từ gấp rưỡi đến gấp đôi tăng trưởng GDP cả nước và tỷ trọng lớn trên tổng GDP, đầu tư vào bán lẻ chính là đầu tư vào tương lai nền kinh tế tại Việt Nam.
Theo MBS, mô hình các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống hiện chiếm 65% thị phần nhưng với sự hiện diện thành công của các chuỗi điện máy, di động và bách hóa khi mở về nông thôn, thị phần của kênh này sẽ giảm dần nhường chỗ cho các loại hình bán lẻ hiện đại.
Mặc dù vậy, năm 2019 được đánh giá là một năm đầy biến động của phân khúc bán lẻ hiện đại, đặc biệt là mảng bán lẻ bách hoá.
Phân tích của MBS cho thấy trong toàn ngành bán lẻ trị giá 142 tỉ USD (chiếm 59% GDP), bán lẻ bách hoá chiếm giá trị lớn nhất với khoảng 60 tỉ USD, các mảng bán lẻ di động, đồng hồ, dược, trang sức, điện máy… chiếm tỉ trọng rất nhỏ và 70,65 tỉ USD là doanh thu từ bán lẻ khác.
Thêm nhiều thương hiệu bán lẻ ngoại vào Việt Nam
Đầu năm, chuỗi bán lẻ mỹ phẩm Watsons (một trong những chuỗi bán lẻ mỹ phẩm dược phẩm lớn và phát triển nhanh trên thế giới với khoảng 6.800 cửa hàng tại 12 thị trường ở châu Á và châu Âu) chuẩn bị mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Cửa hàng đặt tại một trung tâm thương mại ở quận 1, TP HCM.
Ryohin Keikaku, công ty mẹ của thương hiệu bán lẻ MUJI, cũng cho hay đã quyết định thành lập công ty TNHH MUJI Việt Nam để phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Theo kế hoạch, công ty này sẽ được thành lập vào tháng 8, có trụ sở chính tại TP HCM và do Ryohin Keikaku sở hữu 100% vốn. Cửa hàng đầu tiên của MUJI sẽ được khai trương vào đầu năm 2020 tại TP HCM.
Thương hiệu thời trang nhanh Nhật Bản Uniqlo chính thức mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 12-2019. Cửa hàng này có quy mô lớn nhất Đông Nam Á với diện tích bán hàng (sale floor) hơn 3.100m2 đặt ở trung tâm thương mại Parkson Saigon Tourist Plaza (quận 1, TP HCM).
Ngay trong ngày khai trương cửa hàng Uniqlo đã thu hút hàng ngàn người xếp hàng từ sáng sớm đến trưa để được mua hàng của thương hiệu thời trang này.
Hàng ngàn người xếp hàng trong ngày khai trương cửa hàng Uniqlo đầu tiên.
Vingroup bất ngờ rút khỏi mảng bán lẻ
Sau khi mua lại hàng loạt tên tuổi như Viễn Thông A, Fivimart, GM Việt Nam, Shop&Go, Queenland Mart … nhiều người vẫn tưởng Vingroup đang chuẩn bị kế hoạch để "thống trị" ngành bán lẻ Việt nhưng bất ngờ ngày 3-12-2019, Công ty CP Thương mại Tổng hợp VinCommerce (trực tiếp quản lý hệ thống Vinmart, Vinmart+ và là thành viên của Vingroup) chính thức công bố sáp nhập vào một công ty con của tập đoàn Masan. Theo đó, VinCommerce, VinEco và Masan Consumer Holding sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Theo chia sẻ từ cả hai doanh nghiệp, thoả thuận này nhằm tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên với tham vọng tạo nên một tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam. Ngoài mảng sản xuất, công ty mới sở hữu mạng lưới 122 siêu thị VinMart và 2.600 cửa hàng VinMart + tại 50 tỉnh thành.
Chưa hết, ngay sau đó, Vingroup tuyên bố giải thể siêu thị điện máyVinpro cùng với đó là dừng trang thương mại điện tử Adayroi.com để sáp nhập vào ứng dụng VinID.
Việc Vingroup rút khỏi mảng bán lẻ khiến nhiều người bất ngờ trong năm qua
Đại gia bán lẻ Việt tăng tốc
Nhà bán lẻ thuần Việt là Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) tiếp tục đẩy nhanh tốc độ mở chuỗi trong năm 2019 trong tất cả các mô hình: Co.opmart, Co.op Food, Co.op Smile. Tháng 6, Saigon Co.op tiếp quản toàn bộ 15 cửa hàng của siêu thị Pháp Auchan cùng các hoạt động thương mại điện tử, nền tảng online của Auchan Việt Nam.
Chuỗi siêu thị Pháp Auchan bất ngờ rút khỏi Việt Nam và bán lại hệ thống cho Saigon Co.op
Tháng 12, Saigon Co.op chính thức đưa vào hoạt động mô hình kinh doanh mới: siêu thị cao cấp Finelife. Đối tượng nhắm tới là khách hàng cao cấp (premium), có thu nhập nằm trong top A và B, và sống tại các khu chúng cư hoặc căn hộ ở những đô thị lớn.
Nhà bán lẻ này cũng đã đưa ứng dụng Scan&Go vào 1 số siêu thị, đại siêu thị; liên kết với Momo triển khai thanh toán bằng ví điện tử Momo tại các điểm bán thuộc Saigon Co.op.
Đại gia bán buôn lấn sang bán lẻ
Nhà bán lẻ đến từ Thái Lan MM Mega Market sau khi mua lại Metro Cash& Carry (được cấp phép hoạt động bán sỉ) đã chính thức khai trương siêu thị bán lẻ MM Super Market đầu tiên tại Việt Nam ở Hà Nội vào tháng 12-2019.
Big C kích hoạt lộ trình đổi tên
Tháng 7, Central Group (chủ sở hữu hệ thống Big C Việt Nam) khai trương siêu thị GO! MARKET tại Hà Nội và là siêu thị GO! MARKET đầu tiên cả nước. Trước đó, năm 2018, Central Group đã khai trương Trung tâm Thương mại GO! tại Mỹ Tho (Tiền Giang). Các mô hình này được đánh giá sẽ là bước chuyển tiếp của Big C Việt Nam trong thời gian tới.
Ông chủ Thái Lan của hệ thống Big C đang dần chuyển đổi hệ thống này sang tên mới.
Tuy nhiên, trong năm 2019, hệ thống Big C cũng vướng lùm xùm khi tạm dừng kinh doanh các hàng may mặc của hàng trăm nhà cung cấp Việt Nam. Sự việc chỉ được giải quyết khi Bộ Công Thương làm việc với nhà bán lẻ này.
Ở mảng bán lẻ điện thoại và thời trang: tháng 8 Công ty CP Thế Giới Di Động khai trương chuỗi cửa hàng "Điện thoại siêu rẻ" phục vụ các đối tượng khách hàng cần mua điện thoại giá rẻ, "đưa mức giá smartphone xuống mức giá thấp nhất bằng các cắt giảm tối đa các dịch vụ đi kèm".
Bình luận (0)