Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan: TP HCM, Hải Phòng, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu hoàn thành việc lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hãng tàu về hành vi đưa hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc hành vi nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật, sau đó tiến hành khắc phục hậu quả bằng cách tiêu hủy. Hoàn tất vào báo cáo trước ngày 17-5.
Kéo dài xử lý phế liệu tồn đọng
Chỉ riêng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 hiện có khoảng 680 container thuộc diện phải tiêu hủy. Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, cho biết tính đến thời điểm hiện tại đã có 419/1.099 container hàng phế liệu tồn đọng không đạt chất lượng nhập khẩu được các hãng tàu, các đơn vị nhập khẩu tự tái xuất.
Hàng phế liệu đang tồn đọng rất nhiều tại các cảng
Ngày 14-4, Tổng cục Hải quan có Công văn 1783 về việc xử lý hàng hóa là phế liệu tồn đọng tại cảng biển, yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố phải ra quyết định việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy hàng phế liệu trước ngày 25-4 và chi phí tiêu hủy do hãng tàu tự chi trả. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 điều 85 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, nếu không xác định được chủ thể vi phạm, ngân sách nhà nước phải chi trả khoản chi phí tiêu hủy này.
Trước đây, khi triển khai Công văn 333 của Tổng cục Hải quan về việc "xử lý phế liệu tồn đọng tại cảng biển" hướng dẫn việc lập biên bản vi phạm đối với các hãng tàu về việc "nhập khẩu" phế liệu không đạt quy chuẩn quốc gia, đại đa số hãng tàu không đồng tình làm chủ thể của hành vi vi phạm này. Lý do đưa ra: Hãng tàu chỉ thực hiện chuyên chở hàng hóa và theo thông lệ hàng hải quốc tế và Luật Hàng hải Việt Nam thì không có nghĩa vụ phải biết về việc hàng hóa có đạt tiêu chuẩn nhập khẩu hay không.
Phía các hãng tàu cũng cho rằng việc tái xuất hàng tồn phế liệu gặp khó khăn, kéo dài đến nay làm tốn nhiều công sức, tiền bạc của doanh nghiệp, của các đơn vị kinh doanh khai thác vận tải, cảng biển. Đặc biệt, từ khi Công văn 6632 của Tổng cục Hải quan ra đời (tháng 10-2019) với những quy định quá khắt khe, thậm chí vô lý.
Đơn cử, công văn chỉ cho phép tái xuất đối với các lô hàng phế liệu tồn đọng sau khi có kết quả giám định không đủ điều kiện nhập khẩu và phải tái xuất về nước xuất khẩu ban đầu (luật chỉ quy định là tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam); không được sang hàng sang vỏ container khác (nhiều hãng đã bỏ tuyến do ít hàng). Từ đó, sự việc kéo dài, gây rắc rối, tốn kém thời gian cho các hãng tàu.
Tiêu hủy là giải pháp tối ưu (!?)
Các hãng tàu mong muốn được chọn lựa giữa việc tái xuất hàng ra khỏi lãnh thổ theo đúng quy định pháp luật hoặc tự tiêu hủy tại Việt Nam chứ không phải bắt buộc hủy hay tái xuất. Theo đại diện một số hãng tàu, nếu áp dụng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định 127 (điều 14) đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 45 hoặc Nghị định 128 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan thì không có biện pháp khắc phục hậu quả là "tiêu hủy" mà chỉ "tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam" hoặc "tịch thu hàng hóa".
Văn bản mới đây gửi Tổng cục Hải quan do ông Nguyễn Thanh Long - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 - ký, đã kiến nghị xử lý hàng tồn đọng là phế liệu theo Nghị định 29 của Chính phủ. Theo đó, giao phòng tài vụ quản trị thuê tổ giám định, tiến hành giám định chủng loại, chất lượng, điều kiện nhập khẩu, giá trị container hàng tồn phế liệu sạch (khoảng 70%) để tăng thu ngân sách và buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tiêu hủy các container là phế thải, rác thải không đủ điều kiện nhập khẩu sau khi có kết quả kiểm định của cơ quan giám định.
Trường hợp hàng không đáp ứng đủ điều kiện thì đồng ý cho hãng tàu tái xuất và không bắt buộc tái xuất về nước xuất khẩu. Trường hợp các hãng tàu xin tiêu hủy và cam kết chịu mọi chi phí phát sinh liên quan thì hội đồng sẽ tiến hành giám sát việc tiêu hủy theo quy định. Đối với các hãng tàu đồng ý ký biên bản vi phạm, cam kết không khiếu nại, Chi cục Hải quan tiếp tục thực hiện theo Công văn 333 của Tổng cục Hải quan.
Tuy nhiên, kiến nghị trên không được quan tâm xem xét.
Trong khi đó, nếu tiêu hủy bằng tiền ngân sách, chi phí phải bỏ ra cho mỗi container trung bình trên 40 triệu đồng, như vậy nhà nước phải tốn gần 30 tỉ đồng cho riêng việc tiêu hủy số phế liệu đang nằm tại cảng Cát Lái.
Bình luận (0)