Cơ quan quản lý và các doanh nghiệp (DN) kinh doanh gas tại TP HCM vừa có văn bản góp ý Bộ Công Thương (đơn vị chủ trì soạn dự thảo Nghị định về kinh doanh khí thay thế Nghị định 107/2009 về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng hiện hành) nên xem xét lại việc rút ngắn hệ thống phân phối gas chỉ còn 2 cấp chính là thương nhân đầu mối và đại lý, bỏ qua khâu tổng đại lý.
Nỗi lo bị… khai tử
Một ngày đầu tháng 12 ở trạm chiết nạp gas Xuân Nam - Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ du lịch Xuân Nam trên đường Nguyễn Cửu Phú (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM), nhân viên bắt đầu ca chiều với việc phân loại bình gas, xịt rửa vỏ bình, chuyển sang khâu nạp.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, quản đốc trạm chiết, cho biết do xe tải chở gas có tải trọng trên 2,5 tấn chỉ được lưu thông vào nội thành trong giờ hành chính (từ 8 giờ đến 16 giờ) nên công việc hằng ngày ở đây cũng kết thúc lúc 16 giờ khi xe giao gas về trạm.
“Mọi người đang làm việc ở đây đều rất lo lắng vì sắp tới có thể trạm sẽ bị đóng cửa, toàn bộ mảng kinh doanh gas của công ty bị phá sản bởi theo dự thảo Nghị định quản lý gas, hình thức kinh doanh tổng đại lý sẽ không còn và trạm chiết bắt buộc phải thuộc sở hữu của thương nhân đầu mối” - ông Kỳ bộc bạch.
Trạm chiết nạp gas Xuân Nam đang đứng trước nỗi lo sẽ bị đóng cửa
Lãnh đạo tổng đại lý gas Xuân Nam cho biết đang phân phối 3 thương hiệu gas là Saigon Petro, Petrolimex và VT gas; trạm chiết trên đã hoạt động từ năm 1997 đến nay và trước giờ chỉ chiết nạp duy nhất cho thương hiệu gas Saigon Petro theo hợp đồng độc quyền.
“Bao nhiêu năm nay, chúng tôi hoạt động không có điều tiếng gì, cổng luôn mở để người ngoài có thể quan sát được. Nay bỗng dưng bị xếp chung vào các trạm chuyên chiết gas lậu, cổng cao, rào kín cần phải dẹp là quá bất công” - vị lãnh đạo này nói.
Đây không phải là trường hợp cá biệt vì TP HCM hiện có khoảng 45 DN đăng ký phân phối gas dưới hình thức tổng đại lý, trong đó có 30 DN đã được Sở Công Thương rà soát và cấp giấy đủ điều kiện hoạt động.
Theo đại diện tổng đại lý gas Mai Hạnh (quận Tân Bình), đơn vị này đã hoạt động phân phối gas gần 20 năm nay, giờ nếu không cho hoạt động thì sẽ phá sản, nhân viên bị thất nghiệp một cách oan uổng.
“Bỏ hình thức tổng đại lý, chúng tôi không thể đầu tư thêm vỏ bình, ra thương hiệu để lên thương nhân đầu mối vì thị trường thừa; cũng không thể xuống làm “đại lý” vì bán sỉ cho đại lý (cửa hàng) không xong mà bán lẻ cho người tiêu dùng cũng không được” - ông Hà Đình Sang, đại diện tổng đại lý Đại Minh Quang, băn khoăn.
“Chúng tôi là pháp nhân thành lập theo Luật DN, kinh doanh ngành nghề pháp luật không cấm, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định, hình thức kinh doanh có điều kiện cần đầu tư rất nhiều tiền, giờ đùng một phát xóa bỏ thì liệu có thỏa đáng?” - đại diện một tổng đại lý đặt vấn đề.
Nên xem xét lại
Như Báo Người Lao Động từng đề cập, những thay đổi trong dự thảo Nghị định quản lý gas mà Bộ Công Thương đưa ra đang đi ngược với hướng dẫn của Sở Công Thương TP HCM khiến các DN hoang mang. Lãnh đạo Sở Công Thương TP HCM khẳng định những thay đổi chỉ mới là dự thảo nên công tác quản lý vẫn tiếp tục triển khai theo các quy định hiện hành, chờ khi nghị định thay thế được ban hành thì mới đối chiếu lại.
Trong văn bản góp ý dự thảo Nghị định quản lý gas, Sở Công Thương TP HCM nêu rõ: Nghị định số 107 được thực hiện từ năm 2009 với các điều kiện quy định cụ thể đối với từng hình thức kinh doanh đã cơ bản đi vào ổn định. Tuy nhiên, dự thảo lần này lại giảm nhiều điều kiện đối với các thương nhân kinh doanh gas và bỏ hình thức tổng đại lý nên cần xem xét tác động khi có quá nhiều thương nhân kinh doanh đầu mối ra đời.
Đây cũng là lo lắng của giới kinh doanh gas nói chung khi mà thực trạng của ngành gas Việt Nam đang được đánh giá là “khủng hoảng thừa”.
Ông Trần Văn Nghị, Chủ tịch Chi hội Gas miền Nam, đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương không nên hạ chuẩn đối với thương nhân đầu mối, không bỏ hình thức tổng đại lý gas. Đồng thời, với các trạm nạp gas, tuy không thuộc sở hữu của thương nhân đầu mối vẫn có thể tiếp tục hoạt động nếu có hợp đồng gia công chiết nạp độc quyền cho một thương nhân đầu mối.
Để hạn chế tình trạng trạm nạp không đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động tại các địa phương, trở thành nơi xuất phát của gas giả, gas lậu, các công ty kinh doanh gas đề nghị việc quản lý, cấp phép trạm nạp nên điều chỉnh từ các sở công thương lên Bộ Công Thương để việc quản lý được tốt hơn.
Không tăng chi phí
Về băn khoăn việc thêm khâu tổng đại lý làm trung gian có thể làm tăng chi phí, các tổng đại lý cho rằng bản thân bình gas không thể tự lăn từ DN đầu mối xuống cửa hàng mà cần phải được vận chuyển, phân phối. Thực tế thị trường chứng minh nhiều thương hiệu gas bán qua tổng đại lý có giá bán lẻ cho người tiêu dùng thấp hơn những thương hiệu bán hàng trực tiếp.
Bình luận (0)