Theo báo cáo Global Fintech Hub 2018, thế giới hiện có 7 trung tâm tài chính công nghệ (fintech) quốc tế và 23 trung tâm fintech khu vực. Riêng TP HCM được xếp vào trong danh sách 25 trung tâm fintech mới nổi. Giá trị thị trường fintech Việt Nam được ước tính đạt khoảng 8 tỉ USD đến năm 2020.
Hơn một nửa công ty fintech đặt tại TP HCM
Từ năm 2002, Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị đã xác định việc xây dựng và phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính của cả nước, từng bước thành trung tâm tài chính của khu vực. Định hướng này tiếp tục được đề cập trong Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị năm 2012. Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận để thực hiện mục tiêu này trước tiên TP HCM có cơ hội trở thành trung tâm fintech của khu vực.
Thống kê cho thấy năm 2018, cả nước có khoảng 120 công ty fintech, con số này đã tăng lên 154 công ty tính đến giữa năm 2019. Các fintech cũng gọi vốn đầu tư thành công với khoảng 1,1 tỉ USD và đang thâm nhập thị trường bán lẻ, vay tiêu dùng thông qua ví điện tử, giải pháp thanh toán ngày càng phổ biến...
Ví điện tử, thanh toán một chạm là những sản phẩm phổ biến của các fintech ở TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP HCM, đưa ra 8 lý do để TP HCM trở thành trung tâm fintech của cả nước, từ đó hướng ra khu vực. TP hiện là đầu tàu kinh tế của cả nước và các doanh nghiệp (DN) mang tính "thị trường nhất cả nước". TP đang tập hợp nhiều công ty phần mềm, công nghệ, khu công nghệ và trung tâm ươm tạo công nghệ; là nơi khởi nghiệp của nhiều fintech. Sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên và lớn nhất ở Việt Nam cũng đặt tại TP; có 15 ngân hàng thương mại, trong đó 4 ngân hàng quốc tế có trụ sở trên địa bàn và nhiều quỹ đầu tư quốc tế khác, cùng nguồn nhân lực chất lượng cao... "Đây là nơi phù hợp để các dự án khởi nghiệp về fintech chọn lựa. Đặc biệt, TP HCM có kết nối chặt chẽ với trung tâm tài chính khu vực là Singapore nhờ vị trí địa lý và như báo cáo Global Fintech Hub 2018, TP là một trong những trung tâm fintech mới nổi của khu vực" - ông Lâm Nguyễn Hải Long nói.
Khảo sát, thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng - ĐHQG TP HCM cho thấy trong tổng số 154 công ty fintech đang hoạt động tại Việt Nam, hơn 60 công ty có trụ sở tại TP. Một số đại diện nổi bật của Việt Nam trong lĩnh vực fintech như ví điện tử MoMo trong lĩnh vực thanh toán; Abivin lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng có trụ sở chính hoặc chi nhánh tại TP. Cùng với fintech, Việt Nam cũng có nhiều tập đoàn công nghệ lâu đời trong nước và nước ngoài như VNPT, Viettel, FPT, VNG; các ngân hàng và tổ chức đầu tư mạo hiểm...
Cơ chế đặc biệt để thúc đẩy
Đại diện nhóm chuyên gia từ Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, TS Trần Hùng Sơn, nhận xét Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng có một số điểm mạnh để có khả năng trở thành trung tâm fintech của khu vực.
Trong 6 yếu tố chính để trở thành trung tâm fintech, có yếu tố quan trọng cần tập trung để xây dựng trung tâm fintech tại Việt Nam mà khởi đầu là TP HCM. Cụ thể, cần thiết lập ngôi nhà chung cho cộng đồng fintech và khởi nghiệp, nơi các công ty khởi nghiệp có thể làm việc hoặc diễn ra các sự kiện liên quan đến fintech, cũng là nơi để nhà đầu tư và công ty đã thành danh có thể đến, tham gia với các DN khởi nghiệp. Thực tế, nhiều mô hình tương tự đã được chứng minh hiệu quả như ở các nước Singapore, Hà Lan, Anh... Hiện TP cũng có một vài địa điểm có thể cân nhắc cho việc xây dựng ngôi nhà chung như Khu Công nghệ cao tại quận 9.
Một yếu tố khác, theo PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, là cần sự tham gia của các công ty lâu đời và danh tiếng. Các DN đã thành danh đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện và củng cố hệ sinh thái fintech. Các công ty này có khả năng tạo ra những thay đổi lớn và thường tạo ra nhiều việc làm, tác động tới cộng đồng mạnh mẽ hơn so với công ty mới.
Thực tế ở Việt Nam, các ngân hàng đang có xu hướng đẩy mạnh hợp tác với fintech. Sự hợp tác này sẽ tạo thêm giá trị cho sản phẩm và dịch vụ hiện tại của ngân hàng, ngược lại cũng thúc đẩy sự phát triển của các fintech. Ðể góp phần xây dựng một hệ sinh thái fintech mạnh mẽ, trong tương lai các ngân hàng cần chủ động hơn trong hợp tác với nhau và với công ty khởi nghiệp...
Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng định hướng TP HCM trở thành trung tâm fintech thời điểm này là phù hợp với xu hướng kinh tế số đang bùng nổ và Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng, cần sự sáng tạo. Đặc biệt, TP trong giai đoạn mới đang cần sáng tạo để bứt phá. Đã gọi là trung tâm tài chính thì một mình TP HCM không thể làm được mà cần cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ, thúc đẩy từ trung ương.
Dù vậy, ông Lâm Nguyễn Hải Long nhìn nhận hiện tại các fintech của Việt Nam đang phát triển mạnh nhưng những chính sách hỗ trợ của nhà nước đến nay vẫn thiếu giải pháp cụ thể. Hiện tại chỉ có 2 trong 6 nước ở khu vực là Việt Nam và Philippines chưa có cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho fintech phát triển. Do vậy, cần sớm triển khai để có hành lang pháp lý, cơ sở cho cộng đồng fintech phát triển.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu đề án và trình khung pháp lý thử nghiệm đối với hoạt động fintech, một số chuyên gia đề xuất có thể thử nghiệm trước tại TP HCM rồi từ đó lấy cơ sở điều chỉnh cho phù hợp ra cả nước. Bởi, TP lâu nay vốn là nơi bắt đầu thí điểm những chính sách mới, có thể tạo ra đột phá nhất của cả nước.
Xây dựng thương hiệu trung tâm fintech
Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp để trở thành trung tâm fintech là xây dựng thương hiệu trung tâm fintech TP HCM. Có thể xây dựng một trang web nhằm quảng bá TP như một trung tâm fintech ở địa phương, khu vực và toàn cầu. Website này sẽ đóng vai trò là cửa ngõ cho những ai quan tâm đến fintech tại TP, đồng thời tổ chức những hội nghị hàng đầu về fintech trên địa bàn nhằm thu hút cộng đồng fintech toàn cầu.
Bình luận (0)