Sáng 30-12, tại hội nghị sơ kết công tác phối hợp thực hiện chương trình bình ổn thị trường giữa TP HCM và các tỉnh, thành Tây Nam Bộ năm 2019 do Sở Công Thương TP HCM tổ chức, vấn đề phối hợp điều tiết thị trường thịt heo được nhiều địa phương đặc biệt quan tâm.
Các địa phương lo ngại nguy cơ thiếu nguồn cung thịt heo trong dịp Tết nguyên đán sắp tới sẽ dẫn đến tình trạng lũng đoạn thị trường. Theo báo cáo tổng hợp của Sở Công Thương TP HCM, từ tháng 6 đến nay, giá mặt hàng thịt heo đã tăng dần và đang ở mức rất cao, có xu hướng tiếp tục tăng, nguy cơ gây bất ổn thị trường. Tại khu vực phía Nam, giá heo hơi dao động mức 84.000 - 90.000 đồng/kg; tăng gấp đôi so với đầu tháng 9-2019.
Nguyên nhân chủ yếu do dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chăn nuôi. Tổng cộng đàn heo cả nước giảm khoảng 30% so với năm 2018; trong đó riêng tỉnh Đồng Nai giảm 52,4% so với thời điểm tháng 4-2019. Ngoài ra, chi phí chống dịch tăng làm chi phí chăn nuôi tăng cũng là một nguyên nhân trực tiếp làm giá heo hơi tăng.
Thịt heo Vissan bán tại siêu thị TP HCM
Trước diễn biến phức tạp của thị trường thịt heo, đại diện ngành công thương các tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ cho rằng TP HCM và các tỉnh, thành cần phối hợp chặt chẽ hơn để bình ổn thị trường. Trong đó, các địa phương phải nắm và chia sẻ thông tin nguồn gốc, sản lượng thịt heo nhập của các doanh nghiệp (DN) để điều phối trong trường hợp thiếu thịt heo; TP HCM, Cần Thơ cần đứng ra làm đầu mối điều phối nguồn hàng.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho hay hiện có một số DN đang tăng giá thịt heo khá cao so với thị trường, gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung. Cụ thể, Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam (C.P) đang bán giá heo hơi cao hơn giá heo của nông dân 8.000 - 10.000 đồng/kg, điều này góp phần làm cho thị trường bất ổn. "Chúng tôi đã báo cáo tình hình về Bộ Công Thương. Các bộ, ngành đã nắm tình hình và vận động C.P phối hợp cùng chính quyền thực hiện bình ổn thị trường" - ông Toại cho biết và tin tưởng nếu C.P hợp tác, việc bình ổn thị trường sẽ thuận lợi hơn.
Về giải pháp bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo, thời gian tới, Cần Thơ sẽ thực hiện nhiều giải pháp để tham gia cùng với các DN, lò mổ và các siêu thị để cam kết có lượng hàng đủ phục vụ người dân; vận động các siêu thị, cửa hàng tiện ích và lò giết mổ có lượng hàng để bình ổn thị trường, trung bình mỗi đơn vị dự trữ 150 - 500 kg thịt heo. Lượng thịt dự dữ này sẽ được đưa đến những điểm nóng có dấu hiệu sốt giá, đẩy giá và bán theo giá bình ổn.
Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ nêu quan điểm các tỉnh, thành phải phối hợp liên kết với nhau để điều phối thị trường thịt heo. "Trong trường hợp thị trường thịt heo bị lũng đoạn ở một phường, xã thì chúng tôi chủ động xử lý được nhưng nếu lũng đoạn cả một quận, huyện sẽ khó khăn và phải nhờ các tỉnh lân cận như An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… hỗ trợ. Nếu tình trạng xảy ra ở tỉnh khác, chúng tôi cũng sẽ phối hợp hỗ trợ" - ông Toại đề xuất.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết vừa làm việc với các DN của TP HCM như Vissan, San Hà, Saigon Co.op… và các cơ sở giết mổ, chăn nuôi trên địa bàn về tình hình cung - cầu thịt heo dịp cuối năm và Tết nguyên đán 2020, kết quả là các DN cam kết tăng nguồn cung thịt heo cung cấp cho nhu cầu trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Công Thương tỉnh Long An, hiện lượng heo trong dân không còn nhiều, khả năng thiếu nguồn cung nên kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành làm việc với các DN chăn nuôi, cung cấp thực phẩm lớn để điều phối nguồn cung thịt heo cho địa phương với mức giá cả hợp lý, phục vụ nhu cầu của người dân.
Một số địa phương đề xuất tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin, giá cả thị trường giữa TP HCM và các tỉnh, thành; có giải pháp cụ thể nhằm tạo mối liên hệ vùng trong việc ổn định thị trường thịt heo.
C.P phủ nhận bán thịt heo giá cao hơn thị trường
Chiều 30-12, C.P Việt Nam chính thức lên tiếng về thông tin công ty bán heo với giá cao hơn thị trường. Đại diện công ty này cho rằng việc điều chỉnh giá thịt heo thời gian qua là theo tình hình thực tế thị trường. Thậm chí C.P Việt Nam đang chịu thiệt bán giá thấp hơn thị trường 8.000 - 10.000 đồng/kg nên ai cũng muốn mua. Ngày 17-12, tại Cần Thơ giá heo của C.P niêm yết chỉ có 84.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường dao động khoảng 89.000 - 90.000 đồng/kg. Ngày 30-12, thị trường Cần Thơ và Hậu Giang thiếu heo, C.P phải vận chuyển heo thịt từ kho Đồng Nai đến kho Long An để bảo đảm lượng heo thịt cung cấp cho bà con ở ĐBSCL với giá niêm yết 84.000 đồng/kg. Ng.Hải
Kết quả tích cực
Đánh giá chung về công tác phối hợp thực hiện chương trình bình ổn thị trường giữa TP HCM và các tỉnh, thành Tây Nam Bộ trong năm 2019, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho hay công tác phối hợp đã đạt hiệu quả tích cực trong việc góp phần kiềm chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, tạo nguồn hàng dồi dào, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và tạo điều kiện cho nhà sản xuất, DN phân phối, tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bình luận (0)