Đêm 30 rạng sáng 31-7, lực lượng chức năng TP HCM gồm Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y, Ban An toàn thực phẩm TP HCM, công an, QLTT… đã bố trí lực lượng túc trực tại 2 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền và một số cơ sở giết mổ trên địa bàn để kiểm tra, giám sát việc triển khai đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo. Các phương án dự phòng, chuẩn bị thêm nguồn hàng đã được cơ quan chức năng lên kế hoạch chi tiết, sẵn sàng thay thế lượng heo không tuân thủ quy định của đề án (nếu có) bị ban quản lý chợ đầu mối từ chối nhập hàng.
Không để xáo trộn cung - cầu
Tại buổi kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện đề án ở cơ sở giết mổ An Hạ (huyện Củ Chi) và 2 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền rạng sáng 29-7, chứng kiến gần như 100% heo giết mổ, tiêu thụ không thực hiện đeo vòng nhận diện, truy xuất nguồn gốc, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, khẳng định tình trạng này sẽ được chấn chỉnh từ ngày 31-7. Theo ông, dù cận "giờ G" nhưng do chưa chính thức bắt buộc nên thương nhân vẫn còn tâm lý chờ đợi đến giờ chót, xem mức độ quyết liệt của TP trong việc thực hiện đề án rồi mới làm theo.
Với đề án mang tính chất tiên phong trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm này, TP HCM đặt quyết tâm cao nhằm bảo đảm quản lý chất lượng nguồn thực phẩm cung cấp cho người dân. Sở Công Thương đã làm việc và được một số tỉnh, thành cam kết hỗ trợ, như Long An đã có văn bản chỉ đạo lực lượng thú y phối hợp thực hiện đề án. Sở cũng đã làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn, đặc biệt là ban quản lý 2 chợ đầu mối, để xây dựng quy chế đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm…
Thịt heo không truy xuất được nguồn gốc sẽ không được đưa vào TP HCM tiêu thụ. Trong ảnh: Thịt heo tại chợ đầu mối Bình Điền Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Mặc dù vậy, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Hòa thận trọng không đề cập phương án xử lý hay chế tài cụ thể đối với những trường hợp không tuân thủ quy định của đề án. Theo ông, tinh thần là từ hôm nay, heo không truy xuất được nguồn gốc thì không được đưa vào TP tiêu thụ.
"Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo tác động đến một chuỗi rộng với nhiều chủ thể, cơ quan liên quan. Trong đó, một lượng rất lớn là các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, thương lái, thương nhân và tiểu thương có tập quán làm ăn nhỏ từ rất lâu, ăn sâu vào cách nghĩ, cách làm. Họ ngại thay đổi, chưa nhìn thấy lợi ích lâu dài từ việc chuẩn hóa quy trình sản xuất.
Do vậy, đa số chưa tự giác, có tâm lý chờ đợi xem TP quyết liệt đến mức độ nào, thậm chí một số còn vì quyền lợi cá nhân mà né tránh trách nhiệm tham gia. TP sẽ có biện pháp chế tài đối với những trường hợp vi phạm và đã có kế hoạch dự phòng các tình huống, bảo đảm đủ lượng heo cung cấp ra thị trường trong những ngày đầu áp dụng chương trình, không gây xáo trộn cung - cầu mặt hàng này. Tuy nhiên, giải pháp cụ thể thì xin giữ bí mật đến giờ chót" - ông Hòa cho biết thêm.
Khó chế tài vì thiếu cơ sở pháp lý
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP, dù rất quyết tâm nhưng việc triển khai đề án tại hệ thống phân phối truyền thống vẫn gặp nhiều khó khăn do số đối tượng chăn nuôi, thu mua, giết mổ, phân phối thịt heo… hiện rất lớn, đa số là hộ gia đình, tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ hoặc các thương lái không có đăng ký kinh doanh và có thói quen mua bán tự phát. Họ không bị ràng buộc phải tuân thủ các quy trình quản lý như hệ thống phân phối hiện đại nên thiếu hợp tác, không tích cực tham gia. Hầu hết có tâm lý chờ đợi, chỉ khi cơ quan quản lý có biện pháp chế tài mạnh, ảnh hưởng cụ thể đến việc kinh doanh thì mới thực hiện.
Công tác phối hợp với các địa phương chưa thật sự tốt, các tỉnh, thành vẫn chưa tích cực phối hợp triển khai đề án do có tâm lý không phải nhiệm vụ của mình, chờ xem sự tham gia của các nơi khác hoặc chủ trương từ trung ương để có cơ sở phối hợp thực hiện. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là đề án chưa có quy định về xử phạt, do đó cơ quan thú y chưa có cơ sở để xử lý vi phạm.
Được triển khai thí điểm từ ngày 16-12-2016 trên kênh phân phối hiện đại và từ ngày 1-3-2017 tại 2 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền cùng 11 chợ loại 1, đề án đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Sau nhiều nỗ lực triển khai, tăng cường hỗ trợ, phối hợp, trao đổi thông tin giữa TP HCM với các sở ngành chức năng, đặc biệt các địa phương, đến đầu tháng 7-2017 đã có 1.280 cơ sở chăn nuôi tại TP và các tỉnh Đông - Tây Nam Bộ, 25 cơ sở giết mổ (TP HCM 10 cơ sở, còn lại ở Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Tây Ninh) đăng ký tham gia chương trình. Ở mảng phân phối, 786 cơ sở kinh doanh thuộc hệ thống phân phối hiện đại cùng 146 sạp kinh doanh thịt heo ở 23 chợ truyền thống tham gia đề án.
Sau thời gian thử nghiệm, hệ thống phân phối hiện đại vận hành tốt, người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc thịt heo với đầy đủ thông tin liên quan đến quá trình nuôi và kinh doanh thịt heo, gồm các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, nhà sản xuất/phân phối sỉ và nhà bán lẻ (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm). Tại 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền, có khoảng 7.000 con heo/ngày được thương lái đưa về tiêu thụ, trong đó khoảng 3.700 con (53%) được kích hoạt thông tin truy xuất nguồn gốc nhưng càng về sau, lượng heo được kích hoạt thông tin giảm mạnh. Không trông chờ vào ý thức tự giác của các đối tượng tham gia, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến quyết định chính thức bắt buộc thực hiện đề án từ ngày 31-7.
Sẽ kiểm soát 95% lượng thịt heo tiêu thụ
Đề án nhận diện truy xuất nguồn gốc thịt heo thuộc dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2016-2020. Nếu việc truy xuất nguồn gốc thịt heo ở chợ đầu mối được thực hiện hiệu quả, TP HCM sẽ kiểm soát được 95% lượng thịt heo tiêu thụ mỗi ngày.
Bình luận (0)