Những DN lớn như Samsung, Daeyong Harness, Inzi Vina, Namyang, TTE Electronic, GST Việt Nam, Backer Heating, Minamida VN, Hanel PT, Nipro, Panasonic, Datalogic Việt Nam cùng nhiều DN khác lĩnh vực sản xuất công nghiệp tìm kiếm nhà cung cấp 220 chi tiết linh kiện sản phẩm lĩnh vực điện tử, cơ khí, tự động hóa, máy bay, ôtô, xe máy, y tế. Trong khi đó, đa số DN công nghiệp hỗ trợ đăng ký trưng bày sản phẩm và tham gia kết nối là những DN đã đồng hành với chương trình từ năm 2018.
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tận dụng tối đa thời gian trong 2 ngày 11 và 12-9 để gặp gỡ, trao đổi với nhà sản xuất đầu cuối
Ông Nguyễn Dương Hiệu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp & Thương hiệu LIDOVIT, cho biết mặc dù đang cung ứng ổn định cho Samsung và một số nhà sản xuất khác nhưng LIDOVIT vẫn tham gia hội nghị để tìm cơ hội tiếp cận thêm khách hàng. Theo ông Nguyễn Dương Hiệu, ngoài các hoạt động kết nối với nhà cung cấp, Bộ Công Thương và Sở Công Thương TP HCM còn tích cực hỗ trợ DN cải tiến, hỗ trợ vốn đầu tư máy móc thiết bị. Đó là đòn bẩy giúp DN có sức bật trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, muốn thành công, DN phải đầu tư đồng bộ vào hệ thống công nghệ phù hợp, hệ thống quản trị tiên tiến và hệ thống nguồn nhân lực để sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý từ đó có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Trên nền tảng cơ bản là nhu cầu thị trường luôn rộng mở, DN FDI có nhu cầu lớn về việc nâng cao tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm, DN Việt phải chủ động đầu tư để ngoài vấn đề chính là năng lực sản xuất, chất lượng, giá cả sản phẩm còn có khả năng kết nối hiệu quả, bán hàng vào hệ thống của họ, cạnh tranh công bằng với các nhà cung ứng khác" - ông Nguyễn Dương Hiệu nói.
Nêu thực tế một số DN FDI tại KCN Long Hậu (tỉnh Long An) tham gia hội nghị kết nối nhà cung cấp các năm trước, tìm được vài nhà cung cấp tiềm năng nhưng khi bàn bạc sâu hơn thì không đáp ứng được yêu cầu, ông Nguyễn Thanh Tâm, phụ trách xúc tiến đầu tư thị trường quốc tế KCN Long Hậu, chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… khó tìm được nhà cung ứng là do những DN này chưa có sự hỗ trợ tốt cho nhà cung cấp. Do mỗi nhà sản xuất đầu cuối có nhu cầu, tiêu chí mua hàng khác nhau nên nhà cung cấp nội địa khó đáp ứng được 100%.
"Samsung phát triển được nhiều nhà cung cấp nội địa là do họ chủ động đào tạo, hướng dẫn DN nâng cao năng lực sản xuất theo yêu cầu của mình. Những nhà mua hàng khác chưa tập trung vào hoạt động này nên chưa kết nối hiệu quả với nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ tại chỗ" - ông Tâm giải thích.
90% tìm được khách hàng mới
Kết thúc ngày 11-9, đánh giá từ 70 DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho thấy có 82% nhà cung cấp đánh giá nhà mua hàng là khách hàng tiềm năng, 42% nhà mua hàng đề nghị nhà cung cấp gửi bảng báo giá, 74% nhà mua hàng đồng ý tiếp tục gặp gỡ trao đổi sau cuộc tiếp xúc tại ngày hội. Trên 90% nhà cung cấp cho rằng hội nghị giúp họ tìm kiếm được thêm các khách hàng mới, 93% DN mong muốn tiếp tục tổ chức các chương trình kết nối tương tự.
Bình luận (0)