Dệt may, da giày, đồ gỗ… là những ngành được dự báo sẽ hưởng lợi rất lớn khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng sẽ tăng trưởng mạnh nhờ thuế suất về 0%. Thế nhưng, hiện nay, những dự định, tính toán của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam trong việc đầu tư, mở rộng sản xuất để tận dụng cơ hội khi TPP có hiệu lực phải tạm gác lại khi tổng thống Mỹ đắc cử tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp định thương mại này.
Khó khăn nhất định
Từ nhiều năm qua, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu hàng hóa số 1 của Việt Nam và tiềm năng tăng trưởng còn cao hơn rất nhiều nếu TPP có hiệu lực. Trong 11 tháng đầu năm 2016, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 34,7 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của DN Việt như dệt may, da giày, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ... đều có thị trường chính là Mỹ.
Số liệu của Tổng cục Hải quan trong 10 tháng đầu năm 2016 cho thấy kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt hơn 19,68 tỉ USD, trong đó riêng thị trường Mỹ dẫn đầu với gần 9,48 tỉ USD. Xuất khẩu thủy sản hơn 5,73 tỉ USD, Mỹ cũng là thị trường đứng đầu với kim ngạch hơn 1,2 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu thủy sản từ nhiều thị trường giảm sút thì xuất khẩu của DN Việt vào Mỹ vẫn tăng trưởng khá ở mức 2 con số. Với ngành đồ gỗ, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2016 cũng đạt gần 5,59 tỉ USD, trong đó kim ngạch với Mỹ chiếm gần một nửa - 2,52 tỉ USD...
Nếu TPP có hiệu lực, thuế xuất khẩu các ngành hàng chủ lực như dệt may, da giày giảm về 0% sẽ là cơ hội rất lớn để DN Việt tăng sức cạnh tranh, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Nay, nếu TPP không được tiếp tục triển khai, DN sẽ không được hưởng lợi từ thuế suất vào Mỹ là một trở ngại không nhỏ.
Tuy nhiên, trong báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô 11 tháng đầu năm 2016, Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định thương mại là động cơ tăng trưởng của Việt Nam. Với khả năng cạnh tranh ngày càng giảm của Trung Quốc trong việc giảm bớt sản xuất công đoạn cuối, chủ yếu là do chi phí lương tăng vọt, Việt Nam đang giành được thị phần toàn cầu, nhất là ngành điện tử và may mặc. Không phải ngẫu nhiên mà tại châu Á, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia duy trì kết quả hoạt động xuất khẩu sôi động trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu chậm chạp.
Chuyển hướng sang các FTA khác
Nhiều DN trong nước khẳng định không quá bi quan nếu TPP không được thực thi. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho biết nếu TPP có hiệu lực, ngành dệt may xuất khẩu sẽ có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, muốn tận dụng được cơ hội này, DN phải đáp ứng các yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ mà bài toán nguyên phụ liệu của Việt Nam đến giờ vẫn chưa giải quyết được. DN dệt may từng kỳ vọng nhiều vào TPP nên giờ cũng gặp ít nhiều khó khăn. Khi đặt trong bối cảnh DN dệt may năm nay đơn hàng sụt giảm, chưa có dấu hiệu hồi phục thì tình hình càng khó hơn.
Với ngành da giày, bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty Giày xuất khẩu Liên Phát, cho biết triển vọng xuất khẩu của các DN không mấy sáng sủa nếu TPP không được triển khai. Dù vậy, trước mắt, đơn hàng của DN vẫn chưa bị ảnh hưởng vì thực tế hiệp định này chưa có hiệu lực. Có điều, DN Việt đang bị cạnh tranh đơn hàng khá gay gắt từ các thị trường như Bangladesh, Lào, Campuchia, Ấn Độ...
Ngoài ra, dù Mỹ là thị trường xuất khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam nhưng bên cạnh TPP, điều DN kỳ vọng lúc này là nhà nước hỗ trợ xây dựng vùng nguyên phụ liệu để giúp DN đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng cơ hội từ nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) khác đã và sắp có hiệu lực.
Đại diện Tổng Công ty CP Phong Phú cũng cho rằng ngoài TPP còn có rất nhiều FTA khác được ký kết với những điều khoản khác nhau và nhờ đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ nên DN vẫn có tiềm năng lớn. Chẳng hạn, tận dụng FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Phong Phú đã xuất khẩu ổn định vải denim sang thị trường này.
Nhờ xây dựng được chuỗi cung ứng khép kín sợi - dệt - nhuộm - may nên Phong Phú đã chủ động được nguồn nguyên liệu và sản phẩm đầu ra, không quá lệ thuộc vào những biến động của thị trường trong và ngoài nước. Khi tình hình thị trường tốt, DN có thể xuất sợi sang các nước. Khi thị trường biến động, toàn bộ số sợi đó sẽ được cung ứng cho chuỗi sản xuất nội bộ...
Theo HSBC, TPP không thành hiện thực là một trở ngại cho Việt Nam. Thế nhưng, Việt Nam vẫn còn năng lực cạnh tranh cao và tiếp tục được hưởng lợi từ việc Trung Quốc tăng chuỗi giá trị nhanh. Chi phí gia tăng khiến Trung Quốc không còn là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất đối với nhiều DN và Việt Nam trở thành một đối thủ đáng gờm. Vị trí địa lý cũng giúp Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu lý tưởng để tiếp cận các thị trường trong khối ASEAN.
Ông NGUYỄN VĂN KHÁNH, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày TP HCM:
Công nghiệp phụ trợ quan trọng hơn
Khoảng 1-2 năm trước, DN nào trong ngành da giày xuất khẩu cũng chuẩn bị chờ đón TPP. Bởi lẽ, việc ký kết hiệp định này sẽ giúp DN được giảm thuế suất từ 13%-19% xuống còn 0% vào Mỹ - một lợi thế rất lớn.
Có điều, muốn hưởng thuế 0%, DN phải đáp ứng yêu cầu về nguyên phụ liệu, quy tắc xuất xứ và thực tế, quá trình chuẩn bị của DN trong ngành chưa kỹ nên cũng lo lắng. Nay, nếu TPP không tiếp tục triển khai thì DN vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều nhưng trong tương lai thì sẽ khó có đột phá về tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.
Không có TPP, chúng ta vẫn còn hàng loạt các FTA khác đã, đang được ký kết như FTA với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu, EU… Điều DN mong mỏi là sự vào cuộc của nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng vùng nguyên phụ liệu để DN tận dụng cơ hội từ các FTA này. Công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, da giày rất quan trọng để DN nâng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu.
Ông ĐIỀN QUANG HIỆP, Tổng Giám đốc Công ty Xuất khẩu gỗ Minh Phát (Mifaco):
Ngành gỗ vẫn tăng trưởng tốt
Nếu TPP không được tiếp tục triển khai, xuất khẩu đồ gỗ vào Mỹ cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Thực tế, từ vài năm nay, thuế xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường này đã về 0%. Chỉ một số ít mặt hàng có thuế nhập khẩu nhưng không ảnh hưởng quá lớn.
Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh so với Trung Quốc (nhà xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới) nhờ chi phí lao động và chi phí sản xuất khác rẻ hơn. Trung Quốc gần đây cũng không đầu tư nhiều vào những ngành sử dụng đông lao động nên bắt đầu có làn sóng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đến giờ, xu hướng này vẫn tiếp tục. Nếu có TPP, xu hướng dịch chuyển đơn hàng sẽ nhiều hơn, nhộn nhịp hơn nhưng không vì vậy mà ngành xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam kém lợi thế khi thiếu TPP. Điển hình là đơn hàng của DN vẫn ổn định và ngành đồ gỗ tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra.
Ông PHẠM XUÂN HỒNG, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM:
Mỹ vẫn là thị trường chủ lực
Không có TPP và tình trạng đơn hàng giảm sút do nhu cầu thị trường giảm trong năm qua khiến nhiều DN xuất khẩu dệt may khó khăn. Trước tình hình này, các DN trong hội đang nỗ lực tìm giải pháp để tiếp tục duy trì ổn định hoạt động sản xuất, đầu tư vào công nghệ, cải tiến quy trình nhằm nâng cao năng suất lao động.
So với các nước cạnh tranh thì Việt Nam có lợi thế và uy tín về mặt kỹ thuật, thời gian giao hàng… nhưng vẫn đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn. Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực và lớn nhất của ngành dệt may nên các DN đang cố gắng liên kết để nhận đơn hàng lớn hơn, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong quản lý, cải thiện năng suất.
Linh Anh ghi
Bình luận (0)