Đây là ý kiến được các chuyên gia đưa ra tại tọa đàm trực tuyến "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN)" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam, tổ chức ngày 16-8.
Theo dữ liệu công bố mới nhất của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 7 tháng đầu năm 2021, có 376 đợt phát hành trái phiếu DN trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 235.094 tỉ đồng, tăng gần 31% so với cùng kỳ.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhận định thị trường trái phiếu DN ở Việt Nam thời gian qua phát triển nhanh nhưng không ổn định. Trong đó, trái phiếu là kênh huy động quan trọng cho DN, nhất là những DN trong lĩnh vực bất động sản (BĐS). Tỉ trọng phát hành trái phiếu của các DN BĐS luôn chiếm ở mức khá cao 38%-44% trong tổng số lượng phát hành, theo thống kê trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, cho biết từ năm ngoái và nửa đầu năm nay thị trường trái phiếu DN sôi động góp phần đáp ứng nhu cầu vốn của DN. Như ở Đèo Cả, nếu giai đoạn trước chú trọng vốn vay ngân hàng là chủ yếu nhưng do nguồn vốn hạn chế cho lĩnh vực BĐS, hạ tầng giao thông nên DN đã chuyển sang chính sách phát hành trái phiếu DN để thực hiện dự án hạ tầng giao thông mới. "Thời gian tới, Đèo Cả cũng đang lên kế hoạch phát hành trái phiếu DN để huy động thêm hàng ngàn tỉ đồng triển khai 3 dự án đầu tư hạ tầng giao thông mới" - ông Trần Văn Thế nói.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chọn cách phát hành trái phiếu để huy động vốn cho các dự án đầu tư. Ảnh: TẤN THẠNH
Theo ghi nhận, trong bối cảnh vốn tín dụng ngân hàng tiếp tục siết chặt đối với lĩnh vực BĐS, nhiều DN đã chuyển sang tăng cường huy động vốn qua phát hành trái phiếu DN để huy động vốn triển khai dự án. Báo cáo thị trường trái phiếu DN của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy trong nửa đầu năm nay, các DN BĐS vẫn dẫn đầu về phát hành trái phiếu DN với 92.300 tỉ đồng. Riêng trong quý II/2021, có khoảng 2.000 tỉ đồng trái phiếu DN được phát hành ra công chúng của các DN BĐS là Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc và Công ty CP Glexhomes…
Trong bối cảnh lãi suất huy động của ngân hàng hiện ở mặt bằng thấp và có thể còn duy trì ở mức thấp trong năm 2021-2022, nhất là khi lãi suất huy động hiện ở mức 5%-5,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng thì kênh đầu tư trái phiếu với lãi suất 8%-10%/năm vẫn có sức hút đối với nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Dù vậy, bên cạnh những tín hiệu tích cực từ thị trường trái phiếu DN, TS Cấn Văn Lực nhận định số liệu thống kê cho thấy rủi ro với trái phiếu DN đang tăng lên. Bởi loại trừ các trái phiếu ngân hàng và định chế tài chính, hầu hết trái phiếu của DN phát hành đều không có tài sản bảo đảm. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, có tới 28% lượng trái phiếu DN được phát hành nhưng không có tài sản bảo đảm.
Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá rủi ro của thị trường trái phiếu DN thể hiện qua việc lãi suất trái phiếu bị đẩy lên rất cao hay nhiều trái phiếu được phát hành bởi các công ty BĐS và không có tài sản bảo đảm. Các nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu DN không biết là tiền huy động từ các đợt phát hành có được sử dụng đúng mục đích hay không và họ cũng có rất ít khả năng để phân tích các chỉ tiêu tài chính, qua đó nắm bắt được khả năng trả nợ của nhà phát hành. Chính vì thế rủi ro rất cao, đặc biệt là trái phiếu của các công ty BĐS.
"Gần đây, có một số trái phiếu DN mới phát hành còn được bảo đảm bằng cổ phiếu của các nhà phát hành. Rủi ro của việc này là khi DN phát hành rơi vào tình cảnh mất khả năng trả nợ, đồng nghĩa với việc tài chính của DN gặp rủi ro cao, giá cổ phiếu trên sàn sẽ giảm sâu hoặc không còn giá trị" - ông Hiếu phân tích.
Ngoài ra, theo ông Hiếu, rủi ro của thị trường trái phiếu DN đang tăng lên với những DN chưa niêm yết, DN có quy mô nhỏ và vừa, tình hình tài chính không quá tốt và nhất là không có xếp hạng tín nhiệm nhưng vẫn huy động vốn thành công.
Thực chất, trái phiếu DN là một khoản vay của DN, có thể được bảo lãnh phát hành bởi ngân hàng thương mại hoặc dựa vào uy tín của chính DN đó hoặc tài sản bảo đảm là cổ phiếu của chính DN phát hành… Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn sẽ là rủi ro với các nhà đầu tư mua trái phiếu của những DN này.
Do đó, để thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, minh bạch và trở thành kênh huy động vốn cho các DN, các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần đưa ra những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy thị trường phát triển tốt; minh bạch hóa thông tin; chuẩn mực kế toán; kiểm toán; phát triển thị trường thứ cấp và gắn với kiểm soát rủi ro...
Bình luận (0)