Chậm cải thiện môi trường kinh doanh
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh TP HCM, cho biết sau 1 năm triển khai Nghị quyết 35, các tỉnh, thành phía Nam gồm: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bình Phước, Tây Ninh và Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt, hoạt động tranh chấp và tố tụng đã có nhiều cải thiện khi năm 2016, cơ quan tòa án đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015, các trung tâm trọng tài cũng thúc đẩy hoạt động giải quyết tranh chấp của mình.
Theo ông Liêm, chuyển động của một số bộ, ngành, địa phương trong hỗ trợ DN còn chậm dù có chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng. Một số bộ, ngành vì lợi ích cục bộ, chưa thực sự thay đổi về nhận thức, cơ chế chính sách phục vụ và hỗ trợ DN trong việc xây dựng các đề án về cải cách hành chính theo sự phân công của Thủ tướng.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội DN các KCN TP HCM, nhận xét dù Chính phủ liên tục yêu cầu cải cách hành chính trong 2 năm qua nhưng thủ tục về thuế, hải quan vẫn chưa được cải thiện nhiều. Qua khảo sát 1.000 DN trong hiệp hội, có tới 42% cho biết điều kiện, môi trường kinh doanh khó khăn hơn.
“DN cho rằng thủ tục hành chính còn rườm rà, nộp thuế điện tử có nhanh hơn nhưng 22% DN nhận xét thuế chưa minh bạch. Khâu hậu kiểm của thuế và sau thông quan của hải quan vẫn hành DN” - ông Bé nói.
Vẫn khổ vì thủ tục chồng chéo
DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang làm ăn tại Việt Nam cũng than phiền quy định, thủ tục đi ngược với yêu cầu của Nghị quyết 35. Đại diện Ủy ban Thực phẩm đồ uống - Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng quy định trong các nghị định về an toàn thực phẩm có nhiều điểm chồng chéo, gây khó cho DN. “Nghị quyết 35 nhằm giảm thủ tục hành chính, giảm tiền kiểm và tăng hậu kiểm để tạo thuận lợi nhưng các quy định hiện hành về kiểm tra an toàn thực phẩm vẫn gây khó cho DN. Với DN có chứng chỉ và theo chuẩn quốc tế về thực phẩm, không có lý do gì đến Việt Nam lại phải xin thêm giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm an toàn” - đại diện AmCham bức xúc.
Khó khăn mà nhiều DN FDI gặp phải là phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra về an toàn thực phẩm. Có DN phải tiếp 6-7 đoàn thanh tra, kiểm tra trong một năm với cùng nội dung làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch nhận định vấn đề DN cần nhất là nhà nước tạo môi trường làm ăn lành mạnh, ổn định kinh tế vĩ mô và luật pháp minh bạch. Nhiều quy định, luật hiện nay còn nhập nhằng, muốn “hiểu sao cũng được” nên rất ít cán bộ, cơ quan “dũng cảm” làm lợi cho DN.
TS Trần Du Lịch đề nghị rà soát lại các quy định, văn bản pháp luật theo hướng rõ ràng để hỗ trợ cộng đồng DN.
Để DN hưởng lợi nhiều hơn từ Nghị quyết 35, VCCI kiến nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai các giải pháp đã đề ra trong nghị quyết. Giảm thuế sử dụng đất; thúc đẩy hoạt động của quỹ đổi mới công nghệ; tăng cường các biện pháp kiểm soát nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...
Trong Nghị quyết 35, Chính phủ nhấn mạnh nhà nước sẽ có những chính sách đặc thù để hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển. Theo VCCI, để cụ thể hóa nhiệm vụ này, Quốc hội cần sớm thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Luật về công nghiệp hỗ trợ cũng cần được ban hành bởi việc kết nối DN trong nước với chuỗi sản xuất, cung ứng của các tập đoàn xuyên quốc gia hiện rất cần một khuôn khổ pháp luật và chính sách đủ mạnh.
Bình luận (0)