Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2018 diễn ra ngày 29-3, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết GDP quý I đã tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm trở lại đây.
Đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng là khu vực công nghiệp và xây dựng với mức tăng 9,7%, đóng góp 3,39 điểm phần trăm.
Đáng chú ý là ngành công nghiệp đã tăng 10,08%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng 13,56%, là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây. Ngành khai khoáng cũng đạt mức tăng trưởng dương với 0,4% sau 2 năm liên tục giảm. Nguyên nhân do khai thác than, kim loại và khí đốt tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng 7,38% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,70%, đóng góp 2,75 điểm phần trăm.
Công nghiệp chế biến và chế tạo quý I có mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây. Ảnh: TẤN THẠNH
Tình hình kinh tế khả quan giúp số lượng đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN) mới tiếp tục tăng khá với 26.785 DN, tổng vốn đăng ký là 278.500 tỉ đồng. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 10,4 tỉ đồng, tăng 1,5%. Bên cạnh đó, có 8.449 DN quay trở lại nền kinh tế với tổng vốn 764.000 tỉ đồng.
Một yếu tố tích cực khác của nền kinh tế trong quý I là nhiều DN lạc quan với xu hướng kinh doanh thời gian tới. Theo kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I của Tổng cục Thống kê, có 33% số DN được hỏi đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong quý đầu năm tốt hơn quý trước và 42,4% số DN trả lời hoạt động kinh doanh ổn định. Dự kiến trong quý II, có tới 55,7% số DN tham gia khảo sát cho biết xu hướng kinh doanh sẽ tốt lên.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), có nhiều cơ sở cho mức tăng trưởng cao của GDP trong quý I. Các khu vực kinh tế tăng trưởng tốt, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ, tiêu dùng, đầu tư đều có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. GDP tăng trưởng tốt cũng cho thấy sự nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo của Chính phủ ngay từ đầu năm nay. Về khách quan, tăng trưởng kinh tế năm 2017 và quý I/2018 tương đối tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư đã tạo thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu và thu hút vốn trực tiếp lẫn gián tiếp từ nước ngoài. Tuy nhiên, không nên tự mãn hay chủ quan với mức tăng trưởng cao như vậy mà cần phải phân tích kỹ các động lực tăng chính của tăng trưởng, tăng trưởng có bền vững không. Cụ thể, cần làm rõ tăng trưởng trong chế biến, chế tạo có phải nhờ 2 DN FDI lớn là Samsung và Formosa; tăng trưởng xuất khẩu có phải nhờ khối FDI… Nếu phụ thuộc quá nhiều vào khối DN FDI thì tăng trưởng có bền vững không?
Hiện nay, lạm phát đang được kiểm soát ở mức tương đối thấp nhưng không thể chủ quan vì áp lực lạm phát trong năm nay rất lớn. Giá hàng hóa, xăng dầu trên thế giới dự báo tăng 3% - 5%. Trong nước, lương cơ bản, dịch vụ giáo dục… cũng có lộ trình tăng; lượng cung tiền ra nền kinh tế gia tăng… Cũng cần nhìn nhận một số mặt chưa được là giải ngân đầu tư công hết sức chậm chạp, chi thường xuyên trong cơ cấu chi còn rất lớn (chiếm đến 80%)…
Chính phủ nên tranh thủ lúc tăng trưởng tốt như thế này để tái cơ cấu nền kinh tế vì trong thời gian qua, tái cơ cấu kinh tế còn chậm.
Thị trường Việt Nam ngày càng hấp dẫn
Tại một hội thảo kinh tế mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu tin tưởng đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục được duy trì trong năm nay, sau khi khởi sắc vào năm ngoái. Không chỉ Việt Nam mà kinh tế toàn cầu cũng được đánh giá khả quan, tiếp tục nằm trong chu kỳ phục hồi tích cực và Việt Nam cũng đang tận dụng "sức nóng" phục hồi của kinh tế thế giới.
"Cùng với các hiệp định thương mại tự do, vị thế của Việt Nam trong hội nhập kinh tế sẽ ngày càng được tăng cường, thị trường Việt Nam sẽ hấp dẫn và cạnh tranh hơn. Đồng thời, cũng đặt cho Việt Nam nhiều bài toán về gia nhập thị trường và khai thác các thị trường một cách có hiệu quả" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu nhận xét.
Bình luận (0)