Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2019 diễn ra ngày 4-1, tình trạng "tín dụng đen" tiếp tục được các bộ ngành mổ xẻ để có phương án ngăn chặn kịp thời.
Theo đại diện Bộ Công an, số liệu sơ bộ cho thấy quy mô "tín dụng đen" ở nông thôn là khoảng hơn 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, Bộ Công an cũng nhận định con số trên thực tế có thể lớn hơn nhiều với các hình thức hụi, họ.
Nhận thấy đây là tình trạng nhức nhối trong thời gian qua, Bộ Công an đã và đang tích cực triệt phá các ổ nhóm cho vay nặng lãi ở nông thôn. Cơ quan này cũng đề nghị các địa phương, ban ngành chức năng cùng vào cuộc đồng bộ để xử lý triệt để "tín dụng đen".
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu ngành ngân hàng chiếm lĩnh thị trường tín dụng, triển khai các biện pháp đẩy lùi "tín dụng đen" ở nông thôn
Gắn chặt với tín dụng vi mô ở vùng nông thôn, miền núi, Ngân hàng chính sách xã hội là một trong những cơ quan đóng vai trò quan trọng đẩy lùi "tín dụng đen" ở nông thôn. Ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, cho biết với cơ chế tự huy động để cho vay và các địa phương tăng cường uỷ thác vốn tại đơn vị, ông đề nghị sửa Nghị định của Chính phủ theo hướng nâng mức lãi suất cho vay với hộ thoát nghèo để bảo đảm nguồn lực thực hiện, đồng thời góp phần không để cho hộ nghèo, hộ thoát nghèo dính tới "tín dụng đen".
Trong thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang triển khai 20 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ hiện tại đạt 187.792 tỉ đồng, với 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, làm ăn.
Bên cạnh Ngân hàng Chính sách xã hội thì Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có gói tín dụng 20.000 tỉ đồng tiêu dùng và năm 2019 đã quyết định tăng thêm 5.000 tỉ đồng cho vay tín chấp ở nông thôn theo hướng: Sáng vay-chiều nhận tiền để giúp người dân thoát khỏi tín dụng đen.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu ngành ngân hàng và các bộ ngành liên quan phải chiếm lĩnh thị trường tín dụng nông thôn để đẩy lùi "tín dụng đen" ở nông thôn. Ông nhấn mạnh Nghị quyết số 01 của Chính phủ cũng đã nêu rõ cần có giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế "tín dụng đen".
Bình luận (0)