Ngày 5-10, Đại sứ các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kirgizia đã họp báo chung để thông tin về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa EAEU và Việt Nam chính thức có hiệu lực cùng ngày.
Cơ hội tiếp cận thị trường gần 2.200 tỉ USD
Đại sứ Nga tại Việt Nam K.V. Vnukov cho biết FTA Việt Nam - EAEU chính thức có hiệu lực đã khởi động một quy chế mới về thương mại ưu đãi giữa EAEU và Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một FTA như vậy được ký kết giữa EAEU và một nước ngoài khối. Đại sứ Nga khẳng định FTA giữa EAEU và Việt Nam không chỉ nhằm gia tăng khối lượng thương mại mà còn tạo những điều kiện thuận lợi cho đầu tư, chuyển giao công nghệ, sử dụng nguồn nhân lực có chuyên môn bằng cách tự do hóa thuế suất thương mại hàng hóa giữa các nước, bao gồm các thành viên EAEU và Việt Nam.
Ngoài ra, hiệp định cũng quy định việc bảo vệ những quyền đối với các đối tượng của sở hữu trí tuệ, xác định các hướng đi trong hợp tác thương mại điện tử và mua sắm chính phủ, thiết lập các nguyên tắc thống nhất về bảo vệ cạnh tranh, quy cách hóa các thủ tục hải quan. “Như vậy, kết quả của việc khởi động cơ chế này là Việt Nam sẽ có được quyền tiếp cận có tính ưu đãi đối với một thị trường chung có GDP gần 2.200 tỉ USD và gần 183 triệu người tiêu dùng. Ngược lại, EAEU có thể đưa sản phẩm của mình vào Việt Nam” - Đại sứ K.V. Vnukov nhận định.
Đại diện Thương mại Nga tại Việt Nam, ông Kharinov V.N., cho biết ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, các đối tác sẽ giảm về 0% 2/3 dòng thuế nhập khẩu trong thương mại nội khối. Đối với phần còn lại, thuế nhập khẩu sẽ được bãi bỏ trong giai đoạn chuyển tiếp 10 năm. Đến khi đó, khoảng 90% dòng hàng sẽ có thuế suất 0%.
Cùng với FTA, Nghị định thư song phương về việc thành lập tại Việt Nam các dây chuyền lắp ráp, sản xuất ô tô của Nga như Kamaz, Gaz và các nhãn hiệu khác cũng bắt đầu có hiệu lực. Dự kiến, những ô tô này sẽ được tiêu thụ không chỉ tại Việt Nam mà còn ở cả ASEAN.
Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - Bộ Công Thương, khẳng định theo các cam kết tại hiệp định, hai bên sẽ cắt, giảm thuế cho gần 90% dòng thuế và mở cửa thị trường đối với một số lĩnh vực thương mại dịch vụ và đầu tư. Đồng thời, hai bên cam kết gia tăng hợp tác trong nhiều lĩnh vực như phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ, quản lý hải quan, rào cản kỹ thuật (TBT), biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch động - thực vật (SPS), mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững... nhằm thuận lợi hóa tối đa thương mại, hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 10-12 tỉ USD vào năm 2020.
Vì sự thịnh vượng chung
Vụ trưởng Đặng Hoàng Hải cho rằng hiện nay, kim ngạch thương mại 2 chiều, số lượng dự án và quy mô đầu tư của Việt Nam với EAEU còn khiêm tốn. Tuy nhiên, sau khi hiệp định có hiệu lực, kim ngạch chắc chắn sẽ được cải thiện.
Bên lề họp báo, ông Lê Thế Mẫu - chuyên gia phân tích chính trị quốc tế - chỉ ra một số rào cản trong quá trình thực thi hiệp định như: hệ thống ngân hàng hai bên chưa hòa nhập, vị trí địa lý cách xa dẫn đến vận chuyển hàng hóa khó khăn, mất nhiều thời gian…
Về vận chuyển hàng hóa, Đại sứ Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam, ông Beketzhan Zhumakhanov, thông báo tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông hồi tuần trước, hai bên đã thảo luận vấn đề hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải và logistics, cụ thể là tuyến đường sắt liên vận giữa 2 nước. Ông đã đề xuất ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giữa 2 công ty đường sắt Kazakhstan và Việt Nam để thúc đẩy việc thực thi hiệp định.
Theo Đại sứ Vardanyan R.G, việc ủng hộ doanh nghiệp nhỏ và vừa của các nước cũng là một hướng quan trọng. Nếu thực hiện được các điều kiện trên, Việt Nam và EAEU sẽ đạt được mục tiêu chung là tăng trưởng phúc lợi và sự thịnh vượng kinh tế của người dân 2 phía. Dự kiến, kim ngạch thương mại tự do giữa EAEU và Việt Nam sẽ tăng lên 10 tỉ USD trong những năm tới.
Theo Đại sứ Belarus tại Việt Nam Goshin V.A., Belarus đang cùng với các đối tác Việt Nam sản xuất và lắp ráp ô tô tải Maz. Trong những tháng tới, sẽ có thêm 2 liên doanh giữa các đối tác Việt Nam và Maz trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô tải và ô tô buýt đi vào hoạt động.
Bình luận (0)