Mới đây, báo cáo với UBND TP HCM về tình hình hoạt động của các DN lương thực thực phẩm trên địa bàn, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM Lý Kim Chi cho biết nhiều DN đang nỗ lực đứng vững giữa khó khăn, đồng thời tích cực tung sản phẩm mới trên cơ sở sử dụng nguyên liệu trong nước.
Mạo hiểm với thị trường
Những ngày này, Công ty CP Thủy đặc sản - Seapimex đang tăng ca sản xuất để đáp ứng đơn hàng tăng gấp đôi của các siêu thị lớn trên cả nước. Trong khi đơn hàng xuất khẩu đang gặp khó do ảnh hưởng dịch bệnh trên toàn cầu thì thị trường nội địa của công ty này lại tăng trưởng ngoạn mục. "Mặt hàng cá ngừ bắp hạt và xíu mại trứng cút vừa đưa vào kinh doanh trong hệ thống phân phối hiện đại từ tháng 3 đã lập tức cháy hàng. Các siêu thị đặt hàng số lượng lớn, có siêu thị đặt đến 5.000 thùng trong thời gian ngắn, chúng tôi cố gắng hết sức cũng chỉ đáp ứng được 60%" - ông Đặng Thành Trung, Tổng Giám đốc Seapimex, cho hay.
Theo ông Trung, ngoài ưu điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiện dụng, không chứa phụ gia bảo quản, các sản phẩm này còn được khách hàng đánh giá là hợp khẩu vị, giống "của nhà làm". Đã có siêu thị đặt vấn đề phát triển hàng nhãn riêng với sản phẩm này nhưng Seapimex chưa nhận lời, chấp nhận giảm lợi nhuận trong giai đoạn này để khách hàng làm quen sản phẩm mới. "Thừa thắng xông lên, Seapimex sẽ tiếp tục tung ra một số sản phẩm đồ hộp từ nguyên liệu cá biển và thịt heo" - ông Trung nói thêm.
Nhờ nhanh nhạy nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới, Công ty Điện Quang vẫn đều đặn có đơn hàng trong và sau dịch Covid-19
Cuối tháng 4, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản - Vissan, ra mắt thị trường 6 sản phẩm mới làm từ thịt heo ướp gia vị, bao gồm cốt lết, sườn non, ba rọi xốt mật ong/ướp gia vị. Tất cả sản phẩm được chế biến theo công thức riêng của Vissan, được đóng gói thành vỉ 500 g với bao bì thiết kế khá đẹp mắt, bảo quản ở nhiệt độ dưới -12 độ C. Ngay sau khi ra thị trường, các sản phẩm này đã được khách hàng TP HCM nhiệt tình đón nhận.
Theo Vissan, sản phẩm đáp ứng đúng thị hiếu tiêu dùng hiện đại, giúp người dùng tiết kiệm thời gian, công sức làm bếp vì chỉ cần mở gói sản phẩm, chế biến trong vòng 15-20 phút là có thể dùng được. "Điều đáng mừng là tỉ lệ đặt hàng các sản phẩm mới trên những ứng dụng mới khai thác của công ty như fanpage, trang thương mại điện tử Sendo và cả đặt hàng qua điện thoại tăng rất tốt" - đại diện Vissan thông tin.
Vissan, Seapimex là 2 trong số rất ít DN mạo hiểm tung sản phẩm mới ngay trong cao điểm dịch bệnh, trong khi đa số DN chọn giải pháp an toàn hơn: đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, làm hồi sinh những sản phẩm có sẵn. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, cho hay trong 3 tháng qua, không chỉ các mặt hàng cháo tươi của công ty đạt mức tiêu thụ kỷ lục mà những mặt hàng phục vụ bữa ăn tươi cũng bất ngờ "làm nên chuyện".
"Miến gà, bún riêu cua đồng, bánh canh chả cá, bún gạo xào thập cẩm, nui xào hải sản, cơm chiên cá mặn gà xé... đã ra đời khá lâu nhưng chỉ tiêu thụ cầm chừng, đến khi dịch Covid-19 xảy ra đột ngột làm thay đổi mọi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng thì bữa ăn tươi của Công ty CP Sài Gòn Food mới thật sự được người tiêu dùng quan tâm" - bà Lâm nói.
Nhanh nhạy chuyển hướng
Cũng chọn khai thác phân khúc hẹp liên quan đến dịch Covid-19, Công ty TNHH MTV Công nghệ cao Điện Quang (DQH) đã nghiên cứu, phát triển và cho ra đời dòng sản phẩm đèn LED diệt khuẩn. Giải thích về lý do tung sản phẩm mới ngay mùa dịch, ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc DQH, cho hay trước đây khi đưa ra những giải pháp thông minh, DQH tập trung nhiều vào phần tiện nghi và thẩm mỹ nhưng đại dịch xảy ra, DN nào cũng muốn tiết kiệm nên công ty nhanh nhạy chuyển qua hướng an toàn và tiết kiệm điện. Cụ thể, sản phẩm này được lập trình giúp DN biết được giờ nào cần nhiệt độ, ánh sáng bao nhiêu. Nhờ đánh đúng tâm lý khách hàng, sản phẩm vẫn bảo đảm đầu ra trong lúc cả thị trường gần như tê liệt.
Công ty CP Công nghệ Haravan thì đang tập trung thúc đẩy các giải pháp riêng lẻ cho kênh bán hàng trên internet, mục đích phù hợp quyết định đầu tư và túi tiền của DN hậu Covid-19. Ông Huỳnh Lâm Hồ, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Haravan, cho biết 4 tháng đầu năm, doanh thu công ty tăng trưởng gấp đôi, trong đó khách hàng đăng ký mới tăng 30%.
"Chủ yếu khách hàng liên hệ với Haravan để đầu tư hệ thống bán hàng trên internet, cụ thể các giải pháp quản lý bán hàng đa kênh, từ các sàn thương mại điện tử, quản lý đơn hàng, quản lý khách hàng, quản lý giao hàng và tiếp thị trên Facebook" - ông Hồ nói. Thói quen tiêu dùng đã dịch chuyển mạnh sang hướng mua sắm online, các DN buộc phải đầu tư các giải pháp bán hàng trên mạng internet. "Haravan sẽ bán từng giải pháp riêng lẻ với giá cạnh tranh nhằm khai thác tốt nhất cơ hội" - ông Huỳnh Lâm Hồ tự tin.
Tạo điều kiện cho DN phục hồi
Đánh giá các DN rất nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới sáng tạo để nhanh chóng phục hồi tăng trưởng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM kiến nghị UBND TP đồng hành hỗ trợ DN triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ một cách hiệu quả. Song song đó, hỗ trợ DN ổn định thị trường, tiếp cận thị trường mới, tái cấu trúc lại thị trường; đặc biệt là mở rộng thị trường nội địa trên cơ sở hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất, liên kết nội địa. Bên cạnh đó, hỗ trợ DN đào tạo nguồn nhân lực để thích ứng điều kiện kinh doanh mới, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tập trung vào các DN công nghệ thông tin, sản xuất hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao, các DN khoa học công nghệ.
Cũng theo ông Dũng, trong bối cảnh DN đang phải tập trung vượt qua khó khăn như hiện nay, chính quyền cần chỉ đạo các cơ quan hạn chế kiểm tra, thanh tra DN để DN dồn sức vào phục hồi sản xuất.
Bình luận (0)