Theo Sở Công Thương TP HCM, 7 tháng đầu năm, chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống của TP chiếm tỷ trọng khoảng 18,5% giá trị sản xuất toàn ngành; chỉ số sản xuất ước tăng 7,51% (cùng kỳ tăng 5,69%).
Trong đó, sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,76% (cùng kỳ tăng 9,69%), sản xuất đồ uống tăng 5,34% (cùng kỳ tăng 3,22%). Sản lượng một số sản phẩm chủ yếu cũng ghi nhận tăng: sữa đạt 60.780 tấn, tăng 6,93% so với cùng kỳ năm 2017; bia chai, lon đạt 921,76 triệu lít, tăng 5,64%...
Mì ăn liền có thể được chọn làm sản phẩm chủ lực của TP HCM thời gian tới.
Theo Sở Công Thương, tại Hội thảo Xây dựng Chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực TP HCM diễn ra gần đây, các chuyên gia cho rằng một số sản phẩm của ngành chế biến lương thực thực phẩm có khả năng đáp ứng các tiêu chí trở thành sản phẩm chủ lực của TP như trứng gà, mì ăn liền, nước uống đóng lon, sữa, xúc xích và lạp xưởng.
Báo cáo của Sở Công Thương cũng chỉ rõ ngành thực phẩm đồ uống vẫn là mục tiêu của các nhà đầu tư bởi tốc độ tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng cao của thị trường. Trong 10 năm trở lại đây, chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng (theo giá thực tế) của người dân thành phố về thực phẩm và đồ uống tăng bình quân 12,98%/năm. 7 tháng đầu năm 2018, doanh thu bán lẻ nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 66.744 tỉ đồng, tăng 13,7% so cùng kỳ và chiếm 17,46% doanh thu bán lẻ hàng hóa.
Mặc dù sản lượng tăng so cùng kỳ nhưng Sở Công Thương dự báo trong thời gian tới, ngành chế biến thực phẩm và đồ uống của TP có thể gặp một số khó khăn do tăng thuế tiêu thụ đặc biệt gây áp lực tăng giá bán, tình trạng hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...
Bình luận (0)