Theo thông lệ, 2 tuần cuối của tháng chạp là thời điểm nhà kinh doanh "hốt bạc" nhưng năm nay, chỉ còn 10 ngày nữa là hết năm Canh Tý, nhiều siêu thị, cửa hàng vẫn còn ngóng khách.
Bổ sung khuyến mãi để đẩy hàng ra
"Cuối tuần, 19 tháng chạp, khách đến mua sắm đã đông hơn những ngày trước nhưng so với cùng thời điểm trước Tết năm 2020 thì vắng hơn hẳn" - giám đốc kinh doanh một hệ thống siêu thị tại TP HCM cập nhật diễn biến thị trường Tết ngắn gọn như vậy. Theo vị giám đốc này, xu hướng sắm Tết muộn đã bắt đầu từ vài năm nay.
Theo đó, người tiêu dùng tập trung mua sắm trong 2-3 tuần trước Tết, đặc biệt trong 10 ngày cuối năm. Đó cũng là lý do các nhà bán lẻ luôn khởi động chương trình khuyến mãi Tết từ rất sớm, trước Tết 7-8 tuần để thu hút khách.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, hầu hết doanh nghiệp (DN) đã dự đoán sức mua sẽ chậm và tung khuyến mãi "đậm" từ sớm để giữ doanh số nhưng dịch bất ngờ bùng phát trở lại khiến sức mua đi ngang.
Tiêu thụ thịt heo bắt đầu tăng trong những ngày gần đây .Ảnh: TẤN THẠNH
"Mọi năm, 4 tuần trước Tết, DN sẽ giảm giá nhiều để thu hút khách, 2 tuần cận Tết sẽ giữ giá để lấy lợi nhuận nhưng năm nay càng cận Tết càng phải khuyến mãi nhiều hơn. Nguyên nhân là DN đã lên kế hoạch sức mua Tết tăng và dự trữ lượng hàng rất lớn, giờ mãi lực không đạt nên phải tăng khuyến mãi nhằm đẩy hàng ra" - đại diện một hệ thống siêu thị khác nêu thực tế. Cụ thể, tại hệ thống siêu thị này, rất nhiều mặt hàng đang giảm giá 30%-50%, một số mặt hàng "sale off" đến 70%-80% vì lỡ "ôm" vô quá nhiều.
"Bình thường cứ 2 tuần, DN sẽ gửi thông báo đến Sở Công Thương TP HCM đăng ký chương trình khuyến mãi nhưng gần đây, cứ 3 tuần là chúng tôi cập nhật, bổ sung chương trình khuyến mãi mới với mức giảm giá sâu hơn, lượng hàng khuyến mãi nhiều hơn" - đại diện siêu thị tiết lộ.
Theo các nhà kinh doanh, lượng hàng chuẩn bị cho mùa Tết năm nay cao hơn Tết 2020 khoảng 15%-20%. Trước những diễn biến mới của thị trường, các nhà bán lẻ đã nỗ lực làm việc lại với nhà cung cấp nhằm chia sẻ áp lực kinh doanh, phối hợp tổ chức thêm nhiều chương trình ưu đãi đa dạng đồng thời giữ giá các mặt hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng nhiều trong những ngày cận Tết.
Điển hình là tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, hàng loạt chương trình khuyến mãi "đậm" đang được áp dụng đối với những nhóm hàng phù hợp xu hướng mua sắm của các bà nội trợ. Trong đó, giảm mạnh và sốc nhất là các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày như nước mắm, hạt nêm, gạo, sữa chua, nước giặt, dầu gội, sữa tắm…
Nhiều sản phẩm sau khi giảm giá chỉ còn 0 đồng, 2.500 đồng, 4.500 đồng… Ngoài ra, các loại bánh mứt, hạt dưa, lạp xưởng trong nước lẫn nhập khẩu được Co.opmart và Co.opXtra ưu tiên trưng bày tại khu vực riêng với giá tiết kiệm, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và đóng gói đẹp mắt.
Giá thịt heo giảm trở lại
Đối với mặt hàng thịt heo, ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, cho biết hưởng ứng lời kêu gọi giảm giá của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 31-1, công ty đã quyết định giảm giá heo hơi 1.000 đồng/kg.
"Heo hơi C.P loại 1 đã về mức 80.500 đồng/kg, công ty cam kết từ nay đến Tết nguyên đán sẽ không tăng giá. Dự kiến, nhu cầu thị trường Tết sẽ tăng khoảng 20% so với ngày thường, tương đương 24.000 con/ngày; trường hợp thị trường hút hàng công ty sẽ cho xuất bán heo sớm ở trọng lượng 85-90 kg/con thay vì để heo đạt mức 100-105 kg/con như bình thường để bổ sung nguồn cung" - ông Huy khẳng định.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), thì khẳng định các nhà cung cấp heo hơi cho Vissan đều bảo đảm số lượng nhưng không chốt giá cố định mà tùy thuộc thị trường. Tuy nhiên, Vissan cam kết không tăng giá thịt heo bình ổn trước và sau Tết nguyên đán một tháng. Hiện giá bán lẻ của Vissan căn cứ vào giá heo hơi là 80.000 đồng/kg, trường hợp heo hơi tăng giá công ty vẫn giữ nguyên giá; nếu heo hơi giảm giá, công ty sẽ thực hiện khuyến mãi ngay cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, thương hiệu thịt mát MeatDeli liên tục chạy quảng cáo nhận đặt trước những đơn đặt thịt heo và giò chả cuối cùng (giao hàng từ ngày 20 đến 28 tháng chạp) để tránh tình trạng cận Tết cháy hàng. Giò lụa lá chuối truyền thống của thương hiệu này có giá 118.000 đồng/cây 500 g, giò thủ 109.900 đồng/cây 500 g.
Tại cửa hàng San Hà (đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh) bắt đầu chạy chương trình khuyến mãi Tết với giá chả lụa lá chuối F&B còn 60.000 đồng/cây 500 g, giảm 20.000 đồng/cây so với ngày thường. Nhiều người tiêu dùng thấy giá giảm đã mua ăn thử trước khi chọn mua dùng ngày Tết.
Kêu gọi bán hoa kiểng giá hợp lý để kích thích tiêu thụ
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, đánh giá công tác chuẩn bị nguồn cung về hoa, cây kiểng năm nay rất chu đáo, bảo đảm nhu cầu mua sắm của người dân TP HCM. Các loại hoa xứ lạnh như: đào, một số chủng loại lan cũng được đưa về TP HCM bán Tết.
"Tuy nhiên, qua tiếp xúc với các nhà vườn trồng hoa nền (cát tường, mồng gà, hướng dương, sống đời, dừa cạn...) khá lo lắng về đầu ra do lượng hàng chuẩn bị nhiều. Do đó, chúng tôi đã làm việc với các quận, huyện bố trí các khu vực để người dân bán hoa Tết. Chúng tôi cũng khuyến cáo bà con nên bán ra với giá hợp lý ngay từ đầu để kích thích người dân tiêu thụ giữa bối cảnh dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến thu nhập chung của người tiêu dùng" - ông Hiệp thông tin.
Bình luận (0)