Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ngày 8-9 cho biết Tập đoàn Dewan đang thực hiện thủ tục chuyển 50 triệu USD từ ngân hàng của Anh về Việt Nam để thực hiện dự án BT (xây dựng - chuyển giao) xây dựng cơ sở vật chất Trường CĐ Sư phạm Nha Trang - định hướng thành lập Trường ĐH Khánh Hòa (dự án ĐH Khánh Hòa).
Hứa hẹn là chính
Công ty CP Dewan Projects được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) dự án ĐH Khánh Hòa từ ngày 13-11-2014. Dự án được thực hiện tại xã Vĩnh Lương (TP Nha Trang) với số vốn trên 716 tỉ đồng. Đổi lại, công ty này được lấy toàn bộ khu đất rộng hơn 2,2 ha thuộc Trường CĐ Sư phạm Nha Trang, có 3 mặt tiền ở trung tâm TP Nha Trang để kinh doanh khách sạn, căn hộ. Điều lạ là đề án thành lập ĐH Khánh Hòa được Chính phủ phê duyệt vào ngày 3-8-2015 nhưng từ ngày 24-1-2015, Công ty Dewan Projects đã tổ chức khởi công nhưng sau đó hầu như không triển khai xây dựng gì.
Chưa hết, trong GCNĐT cấp cho Công ty Dewan có quy định nếu hết ngày 11-2-2015, công ty này không góp đủ vốn điều lệ là 5,5 triệu USD thì sẽ bị thu hồi dự án. Sau 5 tháng quá hạn góp vốn, ngày 7-7, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa có công văn chỉ đạo UBND tỉnh thu hồi toàn bộ các dự án và không cấp phép đầu tư dự án mới liên quan đến 2 pháp nhân là Công ty TNHH Dewan International Việt Nam và Công ty CP Dewan Projects thuộc Tập đoàn Dewan.
Tuy vậy, phía Dewan tiếp tục xin gia hạn góp vốn điều lệ đến hết ngày 23-8-2015 và được UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý gia hạn đến hết ngày 30-8. Khi đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Chiến Thắng khẳng định Dewan là doanh nghiệp lớn mạnh, có tâm huyết thực hiện dự án ĐH Khánh Hòa. Đây là lần cuối cùng UBND tỉnh gia hạn việc góp vốn của công ty này.
Đến ngày 30-8, Dewan tiếp tục “thất hứa” nên ngày 31-8, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Khánh Hòa có văn bản báo cáo. Ngày 7-9, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa, đại diện Tập đoàn Dewan nói rằng đã góp được 3 triệu USD vốn điều lệ và cam kết sẽ góp đủ vốn nhưng không đưa ra được bất cứ chứng từ nào. Vậy mà UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn chấp nhận cho Dewan tiếp tục đầu tư dự án ĐH Khánh Hòa (!)
Ông Trần Minh Hải, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, cho biết: Dewan nói đã chuyển 3 triệu USD vào một ngân hàng ở Việt Nam và đang làm thủ tục chuyển tiếp 50 triệu USD từ ngân hàng Anh quốc về Việt Nam. Chúng tôi sẽ kiểm tra độ xác thực của thông tin này. Thời gian tới, nếu họ không góp đủ vốn thì sở sẽ báo cáo UBND tỉnh.
Được tin tưởng bất thường
Ngoài dự án ĐH Khánh Hòa, Tập đoàn Dewan còn được UBND tỉnh Khánh Hòa ưu ái khi thực hiện dự án phát triển bãi biển Phoenix (Phượng Hoàng) trị giá 1,25 tỉ USD tại khu vực biển trung tâm TP Nha Trang với diện tích 74,16 ha. Dư luận không thể không thắc mắc khi dự án này được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp GCNĐT vào ngày 20-8-2014 trong khi ngày 17-10-2014 cơ quan này mới phê duyệt quy hoạch phía Đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng.
Nhận định thêm về vụ việc, đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa Đỗ Phi Phong cho biết Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch TP Nha Trang có đề cập việc phía Đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng có thể bố trí một số hạng mục dịch vụ du lịch, giải trí. Tuy nhiên, sau đó UBND tỉnh lại thống nhất Quy hoạch 1/2000 phía Đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng theo phương án quy hoạch của Tập đoàn Dewan. “Như vậy là theo đề xuất của chủ đầu tư chứ không phải của cơ quan chức năng” - ông Phong nhận định.
Một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư nhận định Tập đoàn Dewan đang có vấn đề về tài chính. Bởi lẽ không chỉ dự án ĐH Khánh Hòa mà dự án biển Phượng Hoàng cũng đổ bể vì sau 2 lần được UBND tỉnh gia hạn góp vốn điều lệ ban đầu (số tiền 420 tỉ đồng, chiếm 20% tổng vốn điều lệ thực hiện dự án là 2.100 tỉ đồng), dự án này cũng đã bị thu hồi.
Tuy vậy, ngày 8-7, tại kỳ họp thứ X của HĐND tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Chiến Thắng khẳng định quan điểm của UBND tỉnh nếu sau này chủ đầu tư đủ tài chính, sẵn sàng thực hiện dự án thì tỉnh sẽ xem xét cấp lại GCNĐT theo quy định!
Mong tỉnh chọn đúng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 8-9, ông Chu Đình Lộc, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Nha Trang, cho biết do trường đang nằm trong dự án nên không thể đầu tư các trang thiết bị cơ sở, nâng cao chất lượng học tập. “Thực sự, nhà trường không biết được năng lực của Dewan như thế nào, chỉ tin tưởng vào sự chọn lựa của UBND tỉnh” - ông Lộc bày tỏ.
Theo ông Lộc, khi mới có chủ trương xây dựng ĐH Khánh Hòa vào giữa năm 2014, Dewan đã đề nghị bàn giao trước khu KTX của trường với 950 sinh viên nội trú để làm dự án. Các sinh viên sẽ được hỗ trợ xe đưa đón đi học từ khu KTX của tỉnh (Bắc TP Nha Trang) đến trường. Phía nhà trường đã không đồng ý vì cho rằng bất tiện, thiếu đồng bộ.
“Nổ” nhiều dự án hoành tráng
Theo thông tin từ trang web http://www.dewanindia.com, Tập đoàn Dewan thành lập vào năm 1968 tại Ấn Độ; đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, tài chính, giải trí, giáo dục và thương mại ở 3 châu lục. Tại Việt Nam, tập đoàn này đang tích cực đàm phán phát triển du lịch, thương mại với giá trị đề xuất 800 triệu USD.
Còn tại website phoenixbeachvietnam.com của công ty “con” là Công ty TNHH Dewan International Việt Nam, dự án biển Phượng Hoàng có giá trị tới hơn 2,63 tỉ USD với hơn 60 hạng mục. Ngoài ra, họ sẽ xây tại Nha Trang tượng Phật tổ cao nhất thế giới với chiều cao 108 m, trên bệ tượng cao 26 m. Công ty này còn có đơn xin tham gia xây dựng nhà ga mới của cảng hàng không quốc tế Cam Ranh...
Bình luận (0)