Tại hội thảo rà soát thể chế trong chuỗi giá trị lúa gạo vừa diễn ra tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố nghiên cứu cho biết: Hằng năm Việt Nam (VN) xuất khẩu 5-7 triệu tấn gạo với giá bán thấp hơn giá bán lẻ trong nước. Điều này đồng nghĩa với việc VN đang bao cấp gạo cho nhiều nước khác.
Trao đổi với Pháp Luật TP HCM, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đồng tình và nói: “Cách tiếp cận với lúa gạo phải khác đi!”.
Ám ảnh an ninh lương thực
. Phóng viên: Thưa bà, tiếp cận khác đi như thế nào trong khi VN mỗi năm vẫn có sản lượng lúa gạo đứng hàng đầu thế giới?
+ Bà Phạm Chi Lan: Ngành lúa gạo bị ám ảnh quá lâu về an ninh lương thực, xuất phát từ thời kỳ chúng ta thiếu đói, kéo dài cho đến tận bây giờ khi xuất khẩu gạo đã đạt hàng triệu tấn/năm. Nỗi ám ảnh ấy khiến cho an ninh lương thực trở thành yêu cầu số một trong chính sách phát triển ngành lúa gạo và chúng ta liên tục chạy theo mục tiêu tăng sản lượng bằng mọi giá.
Trên thực tế hiện nay an ninh lương thực đối với VN đã được giải quyết. Nỗi ám ảnh ấy nên được xóa bỏ để không kìm hãm những chính sách phát triển lúa gạo nói riêng và nông nghiệp nói chung theo hướng hiệu quả và bền vững hơn.
. Tức là phải theo tín hiệu của thị trường?
+ Đúng thế. Bởi thị trường bây giờ không đòi hỏi chỉ về số lượng mà còn là chất lượng, tính an toàn và dinh dưỡng của gạo. Yêu cầu của các thị trường cũng khác nhau. Năm ngoái, một số lô hàng gạo bị phía Mỹ trả về, trong khi cũng gạo đó thì các thị trường Nhật, EU chấp nhận bởi tiêu chuẩn mỗi thị trường khác nhau.
Nhưng quan trọng hơn vẫn phải khuyến khích chế biến lúa gạo để đa dạng hóa sản phẩm và tăng giá trị cho lúa gạo. Không phải gạo cứ đóng bao để xuất khẩu mãi!
. Nhưng so với sản lượng lúa gạo sản xuất ra, VN cũng chỉ xuất khẩu một số lượng nhỏ?
+ Đối với lúa gạo thì thị trường trong nước vẫn là thị trường lớn nhất. Do đó bên cạnh việc nâng cao chất lượng gạo để xuất khẩu với giá tốt hơn thì phải hết sức coi trọng thị trường trong nước, vốn có nhiều phân khúc khác nhau. Nhu cầu, cấu trúc thị trường gạo trong nước đang thay đổi nhiều. Gạo bên ngoài đang xâm nhập thị trường trong nước, càng cho thấy cần phải thay đổi để chiếm lĩnh thị trường nội địa tốt hơn.
Yêu cầu này liên quan chặt chẽ đến việc tổ chức lại thị trường lúa gạo theo hướng giảm các khâu trung gian, tăng mạng lưới phân phối. Nhiều khâu trung gian thì người sản xuất lúa gạo sẽ bị thua thiệt và tín hiệu trực tiếp giữa người tiêu dùng và người sản xuất sẽ mất đi.
Giảm diện tích trồng lúa
. Trên thực tế các cơ quan chức năng đặt nhiều loại quy hoạch liên quan đến sản xuất lúa gạo, thưa bà?
+ Bộ NN&PTNT đã tính nếu giảm diện tích trồng lúa từ 3,8 triệu xuống còn 3 triệu ha, nước ta vẫn đảm bảo được an ninh lương thực và có dư thừa để xuất khẩu. Vì vậy Nhà nước nên xem lại quy hoạch trồng lúa, trước hết bỏ quy hoạch ở những nơi trồng lúa không hiệu quả. Tập trung quy hoạch ở một số vùng lúa có khả năng sản xuất với năng suất và hiệu quả cao, sao cho đảm bảo đạt được tổng sản lượng mục tiêu.
Thực tế cho thấy ở nhiều nơi làm ba vụ lúa kém hiệu quả hơn nhiều so với làm hai vụ, do tốn chi phí mà thu nhập không thêm được bao nhiêu, lại làm đất chóng bạc màu hơn. Vậy không nên buộc họ làm ba vụ.
. Bà có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này?
+ Tại ĐBSCL gần đây do biến đổi khí hậu, xâm ngập mặn, nước ngọt và phù sa khan hiếm hơn nên một số nơi không thể chỉ chuyên canh trồng lúa được nữa. Chính vì vậy nông dân đã chuyển sang trồng xen canh một vụ lúa, một vụ tôm hoặc cá, cho sản phẩm có năng suất, chất lượng tốt và thu nhập cao hơn nhiều. Nhà nước nên để cho họ làm như vậy.
Tóm lại để đảm bảo quy hoạch trồng lúa, tốt nhất là một mặt Nhà nước hỗ trợ đầu tư để tăng hiệu quả sản xuất lúa ở những nơi cần giữ. Mặt khác, có chính sách để đảm bảo lợi ích của người chuyên trồng lúa không bị thua kém những nông dân trồng xen vụ ở cùng địa phương.
. Theo bà, giải pháp để nông dân không bị những quy hoạch như đã thấy kìm kẹp hoặc bị doanh nghiệp (DN) bắt chẹt?
+ Tôi cho rằng cần khuyến khích và tạo thuận lợi cho nông dân thành lập các liên kết của chính họ. Có hai hình thức cơ bản. Một là các hội của nông dân, tổ chức theo địa bàn, theo ngành nghề (trồng lúa, trồng màu, chăn nuôi, thủy sản…). Hai là các liên kết sản xuất như hợp tác xã chẳng hạn.
Với hai kênh này, nông dân sẽ có vị thế để tạo lập quan hệ tốt hơn với DN và nhà đầu tư vào nông nghiệp cũng như với chính quyền. Thực tế nông dân một số nơi ở Đồng Tháp đang làm được điều đó.
Nông dân không liên kết được sẽ khó cho cả nông dân, DN và Nhà nước. DN phải thương lượng với hàng ngàn nông dân là điều không thể. Nhà nước vận động và hỗ trợ từng hộ nông dân trong quá trình chuyển đổi cách làm nông nghiệp cũng là điều không thể.
. Xin cám ơn bà.
Duy trì sản lượng lúa là không cần thiết
Nghiên cứu của CIEM chỉ ra rằng các chính sách đất trồng lúa và duy trì sản lượng cao để đảm bảo an ninh lương thực đã và đang gây ra nhiều hệ lụy bất lợi cho nông nghiệp và nông dân.
“Ngay cả trong trường hợp chỉ có 3 triệu ha đất trồng lúa, sản lượng ổn định và nhu cầu tiêu dùng gạo bình quân ở mức 120 kg/người/năm, sản lượng lúa gạo vẫn thừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tiếp tục duy trì diện tích và sản lượng lúa là không cần thiết xét về nhu cầu lương thực” - báo cáo nêu rõ.
Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng với xu hướng tích tụ ruộng đất, ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng trọt và thu hoạch, và giảm nhu cầu trong nước và quốc tế, chắc chắn Việt Nam sẽ thừa gạo và giá gạo sẽ giảm.
Không nên trao cho VFA nhiều quyền
Tại hội nghị bàn giải pháp cho ngành lúa gạo VN tại An Giang mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu sửa Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo với tinh thần là không đưa nhiều quy định phức tạp trong xuất khẩu gạo; không quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, không nên trao cho Hiệp hội Lương thực VN (VFA) nhiều quyền không nên có như quy định giá sàn, phân phối hạn ngạch...
Bình luận (0)