Từ các quyết định xử phạt lộ ra quá nhiều cái sai "chết người" của cơ quan có thẩm quyền ở TP Cần Thơ.
Chính quyền tự mâu thuẫn
Theo hồ sơ vụ việc, trưa 30-1-2018, Công an TP Cần Thơ bắt quả tang ông Nguyễn Cà Rê được ông Lê Hồng Lực, chủ tiệm vàng Thảo Lực (thuộc Công ty TNHH MTV Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực), thu đổi 100 USD. Do tiệm vàng này không có giấy phép thu đổi ngoại tệ nên bị Công an TP Cần Thơ xác định là có hành vi vi phạm hoạt động ngoại hối theo điểm a khoản 3 điều 24 Nghị định 96 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngoại hối. Sau đó, Công an TP Cần Thơ khám xét nơi ở là nhà riêng của ông Lê Hồng Lực, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực, theo Quyết định số 14/QĐ-KNCGTVPT ngày 24-1-2018 của chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ về khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở.
Tiệm vàng Thảo Lực Ảnh: SONG ANH
Một trong các căn cứ để chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ra quyết định này là dựa trên Đề nghị số 61/ĐN-PC46 ngày 23-1-2018 của trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Cần Thơ.
Như vậy, việc khám xét nơi ở của ông Lê Hồng Lực đã có trước thời điểm ông Nguyễn Cà Rê đổi 100 USD đến 6 ngày. Sự việc này nói lên điều gì? Đó là việc khám xét nhà ông Lực đã được lên kế hoạch từ trước bởi Cảnh sát kinh tế TP Cần Thơ. Có thể tiệm vàng Thảo Lực nằm trong tầm ngắm liên quan đến kế hoạch kiểm tra vi phạm hoạt động ngoại hối của Công an TP Cần Thơ. Mặc dù Công an TP Cần Thơ và chủ tịch UBND quận Ninh Kiều không thừa nhận nhưng với căn cứ được ghi rõ trong quyết định khám chỗ ở nêu trên thì không thể nói khác. Nếu nói rằng từ việc bắt quả tang hành vi thu đổi ngoại tệ trái phép trưa 30-1-2018 mới tiến hành khám nhà thì lại mâu thuẫn với chính quyết định khám xét được ký trước đó đến 6 ngày. Còn nếu thừa nhận việc khám xét nhà ông Lực là theo kế hoạch từ trước thì tình tiết "anh thợ điện" xuất hiện lại trùng hợp một cách kỳ lạ. Bởi lẽ, thời gian ông Rê đến đổi ngoại tệ trùng khớp với thời gian ghi trong quyết định khám xét: từ 10 giờ đến 15 giờ ngày 30-1-2018. Với sự trùng hợp lạ lùng này thì việc dư luận đặt câu hỏi "anh thợ điện" làm "chim mồi" không phải không có lý.
Cấp tỉnh "xin lệnh" cấp quận!
Điều bất thường nữa khi "phát hiện và bắt quả tang" ông chủ tiệm vàng Thảo Lực có "hành vi vi phạm hành chính", tức là người của pháp nhân có hành vi vi phạm. Trong trường hợp này, tang vật vi phạm là 100 USD, bị bắt quả tang thì không cần thiết phải khám xét hay tạm giữ người có hành vi vi phạm. Trường hợp cần thiết phải khám xét thì nơi cần khám phải là trụ sở doanh nghiệp, chứ không phải nơi ở của cá nhân người vi phạm. Nếu khám xét trụ sở doanh nghiệp thì thủ tục rất chặt chẽ, không phải muốn khám là được. Chính vì vậy, Công an TP Cần Thơ mới "linh động" vận dụng điều 129 Luật Xử lý vi phạm hành chính đề nghị chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ký quyết định khám.
Nhưng từ đây mới thấy sự vô lý và tréo ngoe về thẩm quyền giữa Công an TP Cần Thơ và UBND quận Ninh Kiều. Công an TP Cần Thơ là cơ quan dưới quyền và chịu sự quản lý, chỉ đạo của Bộ Công an và UBND TP Cần Thơ. Nhưng trong quyết định khám xét nói trên, UBND quận Ninh Kiều lại giao nhiệm vụ khám xét cho một đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TP Cần Thơ. Trước giờ chưa từng có trường hợp nào UBND cấp quận lại giao nhiệm vụ cho một đơn vị thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh và Bộ Công an.
Sự việc này không chỉ kỳ lạ ở quyết định khám xét mà còn xảy ra khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Mặc dù quyết định khám xét là ở nhà và "tang vật" thu giữ là của cá nhân ông chủ tiệm vàng nhưng quyết định xử phạt lại phạt pháp nhân và tịch thu luôn cả 20 viên kim cương và 19.910 viên hột đá nhân tạo có giá trị gần 550 triệu đồng. Theo ông Lực, số kim cương và đá này khi khám xét nằm trong tủ của gia đình, không phải đang trưng bày hay mua bán.
Theo quy định pháp luật hiện hành, người dân được quyền sở hữu các loại tài sản là kim loại quý và được nhà nước bảo hộ. Nếu 20 viên kim cương đúng như ông Lực nói là để trong tủ ở nhà, không kinh doanh thì không ai có quyền tịch thu vì đây là tài sản hợp pháp của ông. Hơn nữa, trong phạm vi một vụ việc liên quan đến thu đổi 100 USD thì tang vật vụ vi phạm này là 100 USD và 2.260.000 VNĐ. Nếu cho rằng quá trình khám xét, mở rộng điều tra xác minh vụ việc thì phải có các văn bản, quyết định thể hiện việc này. Trong vụ này, không thấy Công an TP Cần Thơ cung cấp tài liệu, thông tin nào khác. Do vậy, số kim cương thu giữ của ông Lực không phải là tang vật của một vụ vi phạm hành chính và không được tịch thu. Nếu UBND TP Cần Thơ ra quyết định tịch thu là không có căn cứ pháp luật.
Cần minh bạch, sòng phẳng với người dân
Vụ việc xảy ra ở Cần Thơ vừa rồi cho thấy trong một nền hành chính liêm chính và Chính phủ kiến tạo còn quá nhiều việc phải chấn chỉnh. Trước hết, Công an TP Cần Thơ một mực phủ nhận có việc "cài bẫy" tiệm vàng Thảo Lực. Thế nhưng, họ không có sự lý giải thuyết phục về quá nhiều mâu thuẫn tồn tại trong vụ việc này, từ việc "bắt quả tang" đến "ban hành quyết định khám xét". Do đó, dư luận nghi ngờ về tính minh bạch trong hoạt động công vụ của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Cần Thơ không phải là không có lý.
Mặt khác, với những người có chức vụ của Công an TP Cần Thơ, UBND quận Ninh Kiều, UBND TP Cần Thơ lẽ nào không nhận ra những điều vô lý khi ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có việc tịch thu 20 viên kim cương thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông Lê Hồng Lực?
Việc ban hành quyết định của UBND TP Cần Thơ cho thấy căn cứ pháp luật không rõ ràng, có nhiều mâu thuẫn nên cần phải thu hồi quyết định, trả lại tài sản cho người dân. Chính quyền không nên cố chấp. Vì với quyết định này, ông Lực khởi kiện ra tòa, chưa có gì chắc chắn là UBND TP Cần Thơ đủ lý lẽ để bảo vệ. Nếu sai thì phải sửa, đó là chuyện bình thường trong một nền hành chính minh bạch, công bằng. Việc sửa sai của chính quyền TP Cần Thơ trong trường hợp này không bị thiệt hại gì mà còn chứng minh với người dân và các doanh nghiệp rằng Cần Thơ năng động, luôn chào đón các doanh nghiệp và hơn hết là một môi trường kinh doanh lành mạnh, không bị các rủi ro về pháp lý từ hoạt động của cơ quan công quyền. Đó cũng chính là những gì mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn yêu cầu với bộ máy hành chính nước nhà từ khi ông nhậm chức vụ người đứng đầu Chính phủ.
Người bị phạt "mệt mỏi"
Chiều 26-10, tiếp chúng tôi với gương mặt khá mệt mỏi, ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, thợ điện) cho biết đã nhờ người quen làm đơn gửi đến ngành chức năng xin miễn đóng phạt.
Ông Rê tâm sự: "Tôi làm thợ sửa điện dạo, ai kêu đâu làm đó, thu nhập mỗi ngày khoảng 150.000-200.000 đồng nhưng đâu phải ngày nào cũng có việc. Vợ tôi ở nhà làm nội trợ, lo 2 đứa con học lớp 9 và 10 nên chi phí cũng nhiều lắm".
Kể lại vụ đổi tiền, ông Rê cho biết tờ 100 USD là do người bà con tặng. Vào thời điểm đó, do cần tiền đóng học phí cho con nên ông đến tiệm vàng Thảo Lực đổi và xảy ra vụ việc. "Lúc đó, tôi nghĩ bị tịch thu 100 USD để làm bằng chứng, xử lý tiệm vàng xong thì trả lại, ai ngờ tôi không chỉ mất 100 USD mà còn bị phạt 90 triệu đồng. Tiền ăn hằng ngày còn chật vật, số tiền phạt nhiều quá không biết phải làm sao" - ông Rê bộc bạch.
Mẹ vợ ông Rê bức xúc: "Người dân làm sao biết chỗ nào có giấy phép thu đổi ngoại tệ, chỗ nào không. Do đó, có phạt thì phạt tiệm vàng chứ tịch thu tiền rồi còn phạt người đổi là nặng lắm".
Trước quyết định xử phạt của UBND TP Cần Thơ, ông Rê đã có đơn gửi ngành chức năng xin miễn đóng phạt. Sắp tới, gia đình ông Rê cũng sẽ làm thêm 4 đơn nữa gửi các cấp để mong được xem xét.
Về nghi vấn là "chim mồi", ông Rê nói: "Chuyện đã xảy ra rồi, ai muốn nghĩ sao thì nghĩ...". S.Anh
Bình luận (0)