Trên hồ sơ đang được các cơ quan chức năng tạm giữ để điều tra, thể hiện Công ty TNHH Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt (số 6-8 đường số 6, cư xá Bình Thới, quận 11, TP HCM) do ông Hồ Sấm Dũng làm giám đốc và Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Nhất Minh (231/71/61C Bình Tiên, quận 6, TP HCM) do bà Trần Thị Thu Sang làm giám đốc là chủ 10 container hàng đang bị tạm giữ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cả 2 công ty này đều mới thành lập gần đây, lần lượt là tháng 8 và tháng 10-2013. Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính đều là “buôn bán đồ dùng khác cho gia đình”, ngoài ra còn tham gia lĩnh vực vận tải và các dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải. Từ khi lô hàng bị bắt, giám đốc 2 công ty trên không có mặt tại nơi cư trú, còn công ty thì không hoạt động, bảng hiệu cũng được tháo xuống.
Trong khi đó, hàng thực tế chứa trong các container hầu hết ở dạng hàng gom từ nhiều nơi, không giống hàng nhập khẩu nguyên đai nguyên kiện. Mỗi container chứa từ 500-1.000 thùng carton nhiều kích cỡ, nhiều chủng loại hàng và đáng lưu ý là trên các thùng hàng đều có đề tên, số điện thoại, địa chỉ người nhận tại Việt Nam tương tự như hàng hóa ký gửi tại các điểm thực hiện dịch vụ vận chuyển, giao nhận hàng hóa.
Chúng tôi thử liên hệ với số điện thoại 0902.615.XXX của một người tên Linh (ngụ quận 8, TP HCM) ghi trên các thùng hàng để hỏi về cách bảo quản lô hàng thì cô này cho biết đúng là hàng của công ty mình, ủy thác cho 2 công ty trên nhập khẩu và “lo” mọi thủ tục hải quan.
Như vậy, có khả năng Công ty TNHH Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt và Công ty Nhất Minh không phải là chủ thực sự lô hàng trên mà chỉ đứng ra vận chuyển, lo thủ tục hải quan cho các cá nhân, doanh nghiệp khác.
Theo một cán bộ Chi cục QLTT TP HCM, khi đến làm việc chính thức, trừ khi có bằng chứng cụ thể, hầu hết những người có tên trên các kiện hàng đều từ chối nhận mình là chủ hàng. Chúng tôi cũng thử gọi điện cho một vài số điện thoại và họ đều có “bài ca chung” là không biết gì. Như khi gọi vào số 0913 906 XXX cho người tên Khoa (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) thì ông này nói mình không biết gì về lô hàng quần áo bị bắt giữ và trước giờ, công ty ông toàn nhập hàng chính ngạch, không ủy thác cho ai (?). Ông cũng nói số điện thoại, địa chỉ của mình có đầy trên mạng, catalogue nên có thể ai đó đã ghi nhầm!
Theo một cán bộ phụ trách chống buôn lậu thì trước đây hàng lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam thường đi bằng đường tiểu ngạch, hàng phải xé lẻ rồi thuê cửu vạn chuyển qua biên giới sau đó mới gom lại đi bằng đường bộ vào TP HCM khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính không cạnh tranh nổi. “Ở đây, hàng được đánh thẳng vào thị trường tiêu thụ mà đi với số lượng lớn như thế, không thuế, không phí, không mất công xin phép cơ quan quản lý chất lượng đối với một số ngành hàng cho thấy mức độ siêu lợi nhuận nếu hàng trót lọt” - vị này phân tích.
Trước đó, lực lượng QLTT và Công an TP HCM đã phối hợp chặn 10 container hàng sau khi thông quan tại cảng Sài Gòn khu vực 3 và tạm giữ do nghi ngờ là hàng lậu. Kết quả kiểm đếm 10 container hàng cho thấy có sự sai lệch lớn về số lượng, chủng loại hàng hóa thực tế với tờ khai, một số mặt hàng có trong tờ khai nhưng không có trong thực tế.
Bình luận (0)