Ngày 14-5, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh du lịch biển ở địa phương này vì ảnh hưởng của hiện tượng cá biển chết bất thường thời gian qua.
Cùng hiến kế, đề xuất vượt khó
Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Thanh Tâm (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc), cho biết do ảnh hưởng của hiện tượng cá chết bất thường, DN của ông bị thiệt hại nặng nề vì nhiều đoàn khách hủy đặt chỗ, mọi hoạt động dịch vụ ngưng trệ. “Khoảng 50% nhân viên phải tạm nghỉ việc, các chi phí về tiền lương, điện, nước... trở thành gánh nặng” - ông Thanh than vãn.
Đại diện khu resort Anna Mandara Huế (đóng tại biển Thuận An, huyện Phú Vang) bày tỏ lo ngại khi không có khách đặt phòng lưu trú mới, trong khi lượng khách đã đặt phòng lại hủy khá nhiều. “Chúng tôi có trên 130 nhân viên nhưng có ngày chỉ phục vụ cho 1-2 du khách nên rất khó khăn” - người này nói. Chung hoàn cảnh, Lăng Cô Beach Resort (thị trấn Lăng Cô) mất doanh thu khoảng 1 tỉ đồng do kinh doanh ế ẩm. Lượng khách đã đăng ký phòng qua mạng trong những tháng kế tiếp đã hủy.
Mặc dù các DN kinh doanh dịch vụ du lịch biển tại Thừa Thiên - Huế đã giảm đến 50% giá phòng, thức ăn, miễn phí xe đưa đón, mở các dịch vụ mới như tắm bùn, tắm hương liệu... nhưng du khách vẫn chưa có dấu hiệu trở lại. Ông Thanh đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế tạo điều kiện cho các DN vay vốn ngắn hạn với nhiều ưu đãi để trang trải chi phí, miễn thuế thu nhập DN, gia hạn đóng BHXH, miễn tiền thuê đất và khoanh nợ trong vòng 2-3 năm.
Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty Du lịch Huetourist, đề nghị những DN kinh doanh dịch vụ du lịch biển cần đồng bộ mức giá các dịch vụ, đẩy mạnh đầu tư các khu vui chơi, tận dụng các điểm du lịch như sông, suối, vườn Bạch Mã... để thu hút khách trong giai đoạn khốn khó.
“Vào khoảng thời gian này của những năm trước, chúng tôi nhận rất nhiều hợp đồng du lịch từ những công ty sử dụng nhiều công nhân. Đây là nguồn khách có số lượng lớn, hằng năm đều tổ chức cho công nhân đi nghỉ mát, chúng tôi cần các cơ sở du lịch tại các bãi biển bảo đảm cung ứng số lượng phòng lớn, công bố giá cả hợp lý để đưa khách về” - ông Hào đề nghị.
Khôi phục lòng tin
Bàn về việc khôi phục lòng tin của du khách, ông Hoàng Đình Khánh, Giám đốc Chi nhánh Vietravel Huế, đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế có cơ chế cho phép thực hiện việc lấy mẫu và xét nghiệm nước biển, thủy sản độc lập phục vụ du lịch. “Chúng tôi sẵn sàng đứng ra kêu gọi các chi nhánh khác của Vietravel trong toàn quốc ủng hộ kinh phí để thuê các chuyên gia đầu ngành thực hiện vấn đề này. Chúng tôi sẽ mời các đơn vị truyền thông cùng tham gia để công bố các kết quả một cách trung thực đến du khách” - ông Khánh nói.
Cùng mối quan tâm, ông Nguyễn Mậu Chi, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng vấn đề mấu chốt là phải làm sao cho du khách tin biển đã hết độc, cá không còn chết. “Du khách có niềm tin mới có thể quay trở lại với biển. Các DN cũng tranh thủ cơ hội này để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng của mình nhằm phục vụ cho những mùa du lịch biển sắp tới” - ông Chi nhấn mạnh.
Tại hội nghị, ông Lê Hữu Minh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đơn vị này đã có buổi làm việc với nhiều hãng lữ hành ở Hà Nội nhằm có kế hoạch đưa du khách đến với du lịch biển ở Huế. “Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, chúng tôi cũng đề nghị nên có chương trình kêu gọi du khách cả nước hướng về 4 tỉnh bị ảnh hưởng do cá chết bất thường” - ông Minh nói.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định hiện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành quan trắc thường xuyên chất lượng nước biển để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, du lịch và kết quả quan trắc đều đạt tiêu chuẩn quy định.
Ông Phương khẳng định việc quan trắc rất khách quan và kết quả được cập nhật thường xuyên trên các trang thông tin điện tử của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Về các kiến nghị của các DN, ông Phương cho biết sẽ ghi nhận để cùng các sở, ban, ngành nghiên cứu để có biện pháp tháo gỡ.
Bình luận (0)