UBND tỉnh Quảng Nam ngày 12-9 đã quyết định ban hành Chương trình phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Quyết định nhằm cụ thể hóa, thực hiện đầy đủ, kịp thời, toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Nghị quyết 13-NQ/TU ngày 20-7 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định 2292/QĐBVHTTDL ngày 13-8 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về ban hành Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025.
Khu đền tháp Mỹ Sơn, di sản văn hóa thế giới Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Theo chương trình hành động, tỉnh Quảng Nam đưa ra mục tiêu xây dựng địa phương này trở thành trung tâm du lịch của miền Trung và cả nước. Xây dựng thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Bảo tồn và phát huy hiệu quả tài nguyên, lợi thế phát triển du lịch; chú trọng phát triển du lịch hơn nữa về phía Nam và phía Tây của tỉnh.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, Quảng Nam đón khoảng 12 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 50%. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt 26.000 tỉ đồng; lao động trực tiếp trong ngành du lịch 23.000 người (trong đó, khoảng 75% lao động qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ); có 1.000 cơ sở lưu trú du lịch với 22.000 phòng.
Khu phố cổ Hội An Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Đến năm 2030, Quảng Nam đón khoảng 18 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 55%. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt 45.000 tỉ đồng; lao động trực tiếp trong ngành du lịch 40.000 người (trong đó có 85% lao động qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ); có 1.200 cơ sở lưu trú du lịch với 29.000 phòng.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết Quảng Nam là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng. Ngoài 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn, Quảng Nam còn có nghệ thuật Bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An được UNESCO công nhận.
Mùa lũ ở Hội An cũng là một sản phẩm du lịch được nhiều du khách nước ngoài thích thú Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Quảng Nam có 125 km bờ biển với nhiều bãi tắm nổi tiếng, hàng chục làng nghề truyền thống và lễ hội độc đáo. Ngoài ra, địa phương còn có núi rừng Trường Sơn đại ngàn, nơi lưu giữ nhiều văn hóa truyền thống quý báu của cộng đồng các dân tộc thiểu số, có Sâm Ngọc Linh là quốc bảo của Việt Nam và nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng.
Nhờ phát huy các tiềm năng, thế mạnh về di sản văn hóa và tự nhiên, du lịch Quảng Nam những năm gần đây có sự phát triển mạnh mẽ. Năm 2019, Quảng Nam đón gần 7,8 triệu lượt khách, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 21,3% mỗi năm. Năm 2020, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Quảng Nam vẫn đón khoảng 1,5 triệu lượt khách. Khách quốc tế đến Quảng Nam luôn dẫn đầu các tỉnh thuộc vùng du lịch Duyên hải Nam Trung bộ.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam nắm bắt tâm tư, góp ý của du khách (Ảnh chụp năm 2020, khi chưa có dịch Covid-19)
Du lịch tỉnh Quảng Nam đã nhận được nhiều danh hiệu, giải thưởng do các tổ chức uy tín trên thế giới chứng nhận và trao tặng. Trong đó, Hội An đã nhận hàng chục danh hiệu từ các tạp chí danh tiếng trong nước và quốc tế.
Hội An nằm ở tốp 3 thành phố tuyệt vời nhất thế giới năm 2020 do tạp chí Travel and Leisure bình chọn. Tại Quảng Nam, nhiều điểm du lịch cộng đồng cũng đã nhận được giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN như Triêm Tây, Điện Bàn, Làng du lịch cộng đồng Cơ Tu, Nam Giang…
11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể
1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển du lịch.
2. Thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong quá trình phát triển du lịch.
3. Đổi mới nhận thức, tư duy phát triển du lịch.
4. Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch.
5. Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ.
6. Tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, quảng bá và xúc tiến du lịch.
7. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
8. Phát triển nguồn nhân lực du lịch.
9. Ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong phát triển du lịch.
10. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch.
11. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, xây dựng môi trường du lịch an toàn và hấp dẫn.
Bình luận (0)