Tại hội khoa học "Giải pháp xây dựng TP HCM trở thành trung tâm mua sắm - thương mại của khu vực và cả nước" do Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM tổ chức sáng 14-1, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, cho biết TP HCM đang có khoảng 37 trung tâm thương mại, 200 siêu thị lớn, hơn 200 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối…
Chủ nhiệm đề án "Xây dựng TP HCM trở thành trung tâm mua sắm - thương mại của khu vực và cả nước", PGS-TS Trần Hoàng Ngân khẳng định những lợi thế vốn có của một trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, y tế, giáo dục lớn nhất cả nước chính là tiền đề để xây dựng TP HCM trở thành trung tâm mua sắm - thương mại của cả khu vực Đông Nam Á.
Đề án tiến hành phân tích và đánh giá thực trạng lĩnh vực thương mại - dịch vụ của TP HCM; so sánh vị thế của TP HCM với Hà Nội, Đà Nẵng và cả nước. Đề án này cũng đánh giá các trụ cột về năng lực cạnh tranh của TP liên quan đến chỉ số trung tâm thương mại toàn cầu; đánh giá thực trạng các nhân tố ảnh hưởng đến lựa chọn TP là điểm đến, đồng thời đề xuất khung giải pháp để xây dựng TP nhanh chóng trở thành trung tâm mua sắm - thương mại khu vực và cả nước giai đoạn 2021-2025, tiến tới xứng tầm khu vực châu Á giai đoạn 2026-2030. Trên cơ sở này sẽ kiến nghị đến các sở, ngành có liên quan để xây dựng chương trình hành động.
Người dân xếp hàng mua sắm trong ngày khai trương của một cửa hàng Nhật Bản tại TP HCM Ảnh: AN HIÊN
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, muốn trở thành trung tâm thương mại mang tầm khu vực thì trước tiên TP phải có hạ tầng và hàng hóa dồi dào. TP HCM đang là nơi tập trung gần như tất cả hàng hóa, ẩm thực của cả nước nhưng vẫn chưa có sản phẩm đặc trưng riêng, mang dấu ấn riêng. Vài năm trở lại đây, TP đã công nhận một số sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp chủ lực nhưng chưa thật sự nổi bật. Do đó phải có đánh giá và giải pháp xây dựng sản phẩm đặc trưng. Bên cạnh đó, đang rất thiếu những trung tâm chuyên doanh phục vụ cho từng nhóm khách hàng. Ví dụ khách quốc tế muốn mua sản phẩm nội địa thì cần có trung tâm giới thiệu và mua sắm dành cho khách quốc tế; các cửa hàng hoàn thuế cho khách nước ngoài ở bên ngoài khu vực sân bay.
Việc thiếu các chính sách về marketing, khuyến mãi để thu hút khách cũng là hạn chế cần phải khắc phục. "Theo Nghị định 81, các doanh nghiệp không thể thực hiện khuyến mãi giảm giá trên 50%, trừ các chương trình khuyến mãi tập trung do các tỉnh, thành tổ chức có thể khuyến mãi tối đa 100%" - ông Vũ nêu dẫn chứng.
Từ năm 2021, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND chủ trì thực hiện 2 đợt khuyến mãi mỗi năm. Hiện sở này đang phối hợp với các công ty tư vấn xem xét thời điểm nào phù hợp với người tiêu dùng trong nước và quốc tế để xây dựng các đợt khuyến mãi tập trung.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM, cho rằng nên xác định phương hướng, định hướng phát triển TP thành trung tâm thương mại lớn như thế nào. Việc quy hoạch định hướng về loại hình trung tâm thương mại phải dựa trên thế mạnh của TP, phát huy những lợi thế mà các địa phương khác không có để hướng tới chứ không phát triển dàn trải. Cụ thể là cần chi tiết hóa hơn về loại hình trung tâm thương mại dựa trên năng lực cạnh tranh về sản phẩm thương hiệu của TP. Có quy hoạch hướng đến các loại hình thương mại khác nhau, tính đến các trung tâm chuyên bán hàng qua mạng để dự trù cho tương lai nền tảng thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ hơn.
Xác định hướng đi cụ thể từ chuyển đổi số
Chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch nhắc lại mục tiêu của đề án là tìm giải pháp xây dựng TP HCM trở thành trung tâm mua sắm - thương mại của khu vực và cả nước, vì vậy cần xác định bước đi cụ thể trong vòng 5-10 năm tới.
"Trong thời gian tới, công nghệ số sẽ tác động, thay đổi toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. Xu hướng thương mại điện tử và thương mại truyền thống đang thay đổi rất nhanh. Đề nghị nghiên cứu kỹ Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó là vấn đề công nghệ số, để xây dựng chiến lược phát triển phù hợp" - TS Trần Du Lịch nói.
Bình luận (0)