Trong khi đó, tình trạng phế liệu tồn đọng này đã kéo dài hơn 2 năm, gây khó khăn cho cả hãng tàu, đơn vị cảng và cả cơ quan quản lý.
Cụ thể, Cục Hải quan TP HCM đã có công văn gửi Tổng cục Hải quan kiến nghị dừng áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy đối với các hãng tàu đã có kết quả giám định hàng không đủ điều kiện nhập khẩu, đang tiến hành thủ tục tái xuất về nước xuất khẩu và quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tái xuất còn thời hạn hiệu lực.
Cục Hải quan TP cũng đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét cho tái xuất hàng hóa theo hướng dẫn tại Công văn 333 thay vì tiêu hủy theo Công văn 1783. Trong trường hợp các hãng tàu chấp nhận biện pháp khắc phục hậu quả là tiêu hủy thì cũng chưa có hướng dẫn cụ thể việc tiêu hủy phế liệu tồn đọng. Do đó, Cục Hải quan TP đề nghị Tổng cục Hải quan có hướng dẫn cụ thể về thời hạn phải thực hiện tiêu hủy của các lô hàng để tránh kéo dài. Đồng thời, hướng dẫn hoặc trao đổi với Tổng cục Môi trường để cung cấp danh sách các công ty có chức năng tiêu hủy phế liệu và có công suất tiêu hủy phù hợp với lượng hàng hóa đang tồn đọng để các hãng tàu liên hệ. Tránh trường hợp sau khi hãng tàu đã ký hợp đồng tiêu hủy nhưng cơ quan hải quan kiểm tra xác định công ty không có chức năng hoặc không được phép tiêu hủy.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM đặt vấn đề sau khi hết hạn 30 ngày mà hãng tàu không tái xuất phế liệu tồn đọng, cũng không chịu chi phí tiêu hủy thì việc tiêu hủy thực hiện như thế nào? Nguồn kinh phí thực hiện tiêu hủy lấy ở đâu?
Ngoài ra, còn phát sinh trường hợp các hãng tàu đã nộp công văn tái xuất theo quyết định buộc tái xuất của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I đều bị dừng đột ngột theo Công văn hỏa tốc 1783 ngày 14-4 của Tổng cục Hải quan. Cụ thể như hãng tàu Pancontinental có 6 container hàng phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu và đã tiến hành xong thủ tục tái xuất, chỉ chờ xếp lên tàu xuất nhưng phải dừng lại. "Như vậy, những trường hợp này đang thực hiện quyết định khắc phục hậu quả theo hướng dẫn tại Công văn 333 thì có được tiếp tục thực hiện thủ tục tái xuất hay không hay buộc tiêu hủy" - ông Nguyễn Hữu Nghiệp đặt câu hỏi cho Tổng cục Hải quan.
Tương tự, Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho rằng Công văn 1783 của Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy đối với hàng phế liệu tồn đọng không đủ điều kiện nhập khẩu là không đúng quy định. Vì theo Nghị định 127/2013 của Chính phủ, trong trường hợp này, chỉ có biện pháp khắc phục hậu quả là "buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt…" chứ không có biện pháp khắc phục hậu quả là "tiêu hủy". Vì vậy, Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Tổng cục Hải quan có hướng dẫn, chỉ đạo để đơn vị này thực hiện cho đúng.
Bình luận (0)