Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 9, cả nước xuất siêu 5,39 tỉ USD với hơn 10 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD.
Trung Quốc là thị trường số 1
Phân tích số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy ở hầu hết các mặt hàng chủ lực, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng, thậm chí lớn nhất với kim ngạch 28,81 tỉ USD, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Chẳng hạn, với nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, trong 9 tháng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc dẫn đầu với trị giá hơn 6 tỉ USD, tăng 28,8%; thị trường đứng thứ 2 là EU với 4,05 tỉ USD, tăng 21,1%. Với dệt may, Trung Quốc cũng là một trong 4 thị trường lớn nhất, chiếm đến 75% giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Cát Lái, quận 2, TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
Từ số liệu của Tổng cục Hải quan còn nổi lên một số mặt hàng xuất khẩu tăng đột biến sang Trung Quốc. Đáng chú ý là nhóm hàng clinker và xi-măng đạt mức tăng cao nhất trong tất cả mặt hàng xuất sang nước láng giềng này. Chỉ riêng tháng 8, Việt Nam xuất sang Trung Quốc 44,2 triệu USD nhóm hàng kể trên, tăng 53% so với tháng trước đó. Tính chung 8 tháng, con số xuất khẩu là 203 triệu USD, tăng đến 92 lần với cùng kỳ năm 2017. Ngoài ra, xuất khẩu giấy sang thị trường này tăng 727,5%; nguyên liệu nhựa tăng 286,6%; sản phẩm gốm sứ tăng 114,6%...
Ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết trong tổng trị giá xuất khẩu rau quả hơn 3 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm, thị trường chiếm tỉ lệ lớn nhất tiếp tục là Trung Quốc với khoảng 2 tỉ USD, tăng 115,2%; sau đó mới tới Mỹ, Hàn Quốc.
Tất nhiên, một số nhóm hàng xuất khẩu sang Trung Quốc bị sụt giảm như than, thủy tinh, dầu thô, gạo..., song không thể phủ nhận sự phụ thuộc của thương mại Việt Nam với thị trường Trung Quốc. Điều này cũng cho thấy tuy thành tích xuất khẩu tăng đột biến trong 3 quý đầu năm nay nhưng sự rủi ro còn tiềm tàng khi vẫn "xếp trứng vào một giỏ".
Tuy nhiên, không phải sự phụ thuộc này không đem lại cơ hội cho Việt Nam. Đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhận định trong điều kiện Trung Quốc không còn là thị trường "dễ tính", nếu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có thể đáp ứng các quy định mà nước bạn đặt ra, hoàn toàn có hy vọng sẽ xây dựng được thương hiệu sản phẩm Việt tại thị trường Trung Quốc. Khi đó, sẽ giải quyết được tình trạng bấp bênh trong giao thương với nước láng giềng.
Samsung xuất khẩu 31,63 tỉ USD
Xuất siêu gần 5,4 tỉ USD là con số kỷ lục song phân tích kỹ sẽ thấy rằng khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,26 tỉ USD, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại xuất siêu lên đến 23,65 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu chủ lực dựa vào một số ít doanh nghiệp mạnh, như Samsung với 31,63 tỉ USD xuất khẩu riêng nhóm hàng điện thoại và linh kiện, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tình trạng này không nhiều thay đổi trong mấy năm trở lại đây.
Con số nêu trên tiếp tục cho thấy sự phụ thuộc quá lớn của xuất khẩu vào khối FDI, đặc biệt là với Samsung. Bởi lẽ, hồi tháng 5, khi Samsung giảm xuất khẩu điện thoại Galaxy S9 và S9+, thương mại Việt Nam lập tức ghi nhận con số nhập siêu đến 954,45 triệu USD. Chỉ 3 tháng sau, khi tập đoàn này ra mắt mẫu điện thoại mới Galaxy Note 9, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện tháng 8 tăng tới 33,6% với 5,16 tỉ USD. Thành tích này không chỉ góp phần tạo nhảy vọt cho xuất khẩu trong nửa cuối tháng 8 mà còn kéo dài hiệu ứng sang tháng 9.
Tại hội nghị về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu mới đây, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cảnh báo sự phụ thuộc của xuất khẩu vào khu vực FDI tạo ra tính bất ổn chung của thị trường. Bởi vì hoạt động sản xuất, xuất hàng của khối FDI phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Khi có biến động với chuỗi cung ứng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh mẽ.
Các chuyên gia cho rằng FDI là thành tựu của quá trình thu hút nguồn lực bên ngoài theo chủ trương của Chính phủ và đã trở thành một thành phần quan trọng của nền kinh tế. Do đó, trước thực trạng doanh nghiệp trong nước "lép vế" so với khối FDI, vấn đề cần giải quyết không phải là tìm cách kìm hãm FDI mà cần giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển nhanh chóng, tăng tỉ lệ xuất khẩu trong tổng kim ngạch.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá xuất khẩu của khối FDI vẫn chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp hơn 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam cho thấy sự chênh lệch không mong đợi giữa khối kinh tế trong nước và FDI. "Để từng bước thu hẹp chênh lệch, không có cách nào khác là phải hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển, đưa kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Hiện nay, thu hút FDI đã bước sang một giai đoạn mới, cần "tinh" chứ không cần "đa", thay thế vào đó là khối doanh nghiệp nội và muốn vậy thì phải trợ lực thêm cho khối này" - ông Long nêu quan điểm.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngoài chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ nội tại, cần kiên quyết đòi hỏi doanh nghiệp FDI thực hiện nghiêm túc yêu cầu chuyển giao công nghệ, đem lại nền tảng công nghệ tốt cho doanh nghiệp trong nước, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và gia tăng tỉ lệ hàng hóa xuất khẩu của khối kinh tế trong nước.
Hai báo cáo chênh nhau gần 1 tỉ USD
Theo số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố, tính đến hết tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 352,61 tỉ USD, tăng 13,7% (tương ứng tăng 42,44 tỉ USD) so với cùng kỳ năm trước và vượt mức kim ngạch của cả năm 2016 (351,38 tỉ USD).
Trong đó, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 179,47 tỉ USD, tăng 15,8% và nhập khẩu đạt 173,14 tỉ USD, tăng 11,6%. Như vậy, mức xuất siêu của Việt Nam trong 9 tháng năm 2018 lên con số kỷ lục 6,32 tỉ USD.
Tuy nhiên, so sánh với số liệu do Tổng cục Thống kê công bố trước đó thì số liệu về mức xuất siêu của Việt Nam do Tổng cục Hải quan đưa ra lại cao hơn tới gần 1 tỉ USD.
Bình luận (0)