xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỷ niệm 70 năm ký kết Hiệp định Geneva (21.7.1954 - 21.7.2024): 75 ngày đàm phán căng thẳng

DƯƠNG NGỌC

Việc ký kết Hiệp định Geneva đã mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta

Hội nghị Geneva diễn ra trong 3 giai đoạn với 75 ngày đàm phán gay go, căng thẳng. Lập trường kiên định của Việt Nam buộc Pháp phải ngồi vào bàn ký Hiệp định về đình chiến ở Việt Nam.

"Dọn đường" cho hiệp định

Giai đoạn 1 của hội nghị diễn ra từ ngày 8-5 đến 19-6-1954. Ngoài việc trao đổi chương trình nghị sự, các đoàn trình bày lập trường của mình về giải pháp cho vấn đề Việt Nam và Đông Dương. Đã xảy ra đối chọi giữa quan điểm của Việt Nam và Pháp.

Đoàn Pháp do Ngoại trưởng Georges Bidault làm trưởng đoàn, phát biểu chỉ giải quyết vấn đề quân sự, không đề cập vấn đề chính trị và tách vấn đề Lào, Campuchia ra khỏi vấn đề Việt Nam. Phát biểu này được Mỹ ủng hộ.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu (hàng ngồi, bên phải) thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam Ảnh: TƯ LIỆU

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu (hàng ngồi, bên phải) thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam .Ảnh: TƯ LIỆU

Ngày 10-5-1954, Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đưa ra lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với nội dung chủ yếu là yêu cầu đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.

Trung Quốc, Liên Xô ủng hộ lập trường của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô Viacheslav Molotov - Trưởng đoàn Liên Xô, đồng Chủ tịch Hội nghị - đề nghị lập ủy ban giám sát quốc tế gồm các nước trung lập. Tại phiên họp thứ 4, Trưởng đoàn Liên Xô đề nghị thảo luận về phương án của Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau 4 phiên họp rộng, đồng Chủ tịch Hội nghị, Trưởng đoàn Anh là Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Anthony Eden yêu cầu họp hẹp (cấp trưởng đoàn). Ngay trong phiên họp hẹp ngày 25-5-1954, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đưa ra 2 nguyên tắc cho vấn đề đình chiến. Một là, ngừng bắn hoàn toàn trên toàn Đông Dương. Hai là, điều chỉnh vùng trong mỗi nước trong từng chiến trường trên cơ sở đất đổi đất để mỗi bên có những vùng hoàn chỉnh tương đối rộng lớn, thuận lợi cho quản lý hành chính và hoạt động kinh tế. Tại phiên họp hẹp ngày 27-5-2954, đoàn Pháp đồng ý lấy đề nghị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm cơ sở thảo luận, đồng thời đề nghị đại diện của 2 bộ tư lệnh gặp nhau ở Geneva để nghiên cứu việc chia ranh giới những khu vực tập trung quân ở Đông Dương...

Qua 4 phiên họp toàn thể và 8 phiên họp cấp trưởng đoàn, ngày 29-5-1954, các bên đã ra quyết định: Một là, ngừng bắn toàn diện và đồng thời; hai là, đại diện 2 bộ tư lệnh gặp nhau ở Geneva để bàn về bố trí lực lượng theo thỏa thuận đình chiến bắt đầu bằng phân vùng tập kết quân đội ở Việt Nam. Ngày 19-6-1954, Chính phủ Joseph Laniel sụp đổ, nước Pháp rơi vào khủng hoảng chính trị. Thủ tướng Mendès France lên cầm quyền, cam kết trước Quốc hội Pháp trong vòng 1 tháng sẽ giải quyết xong vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đây là sự kiện quan trọng, góp phần phá vỡ bế tắc, thúc đẩy đàm phán tiến triển.

Thời khắc lịch sử

Giai đoạn 2 của hội nghị diễn ra từ ngày 20-6 đến 10-7-1954. Vấn đề phân định vĩ tuyến tại Việt Nam trở thành nội dung đàm phán chính với các hoạt động gặp gỡ, trao đổi quan điểm của các bên. Tuy nhiên, các cuộc họp hẹp ở Geneva trong giai đoạn này không có tiến triển gì đáng kể.

Trong nước, ngay khi Hội nghị Geneva đang diễn ra, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta vẫn tiếp diễn. Quán triệt tinh thần chủ động tiến công địch, phối hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao của Trung ương Đảng và Chính phủ, ta đã tổ chức phục kích đánh địch tại Đắk Pơ. Đây là trận đánh lớn cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, có ý nghĩa và những tác động nhất định góp phần vào thắng lợi trên bàn đàm phán ở Hội nghị Geneva.

Với đường lối ngoại giao linh hoạt, cùng việc phân tích, đánh giá chính xác diễn biến Hội nghị Geneva, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chủ động đề nghị Pháp cử đại diện chính thức mở hội nghị quân sự tại Việt Nam. Từ ngày 4 đến 27-7-1954, tại đồi Xuân Sơn, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội đã diễn ra Hội nghị quân sự Trung Giã. Đại diện hai bên bàn về việc thực hiện ngừng bắn, chính sách đối với tù binh, kiến nghị những vấn đề liên quan gửi đến Hội nghị Geneva. Trong 2 tháng kể từ ngày khai mạc Hội nghị quân sự Trung Giã, hai bên đã thực hiện xong việc trao trả hàng vạn tù binh và người bị bắt, chuẩn bị tốt những điều kiện cần thiết để phục vụ cho việc ký kết Hiệp định Geneva.

Giai đoạn 3 của Hội nghị Geneva diễn ra từ ngày 11 đến 21-7-1954. Ngày 11-7-1954, hội nghị nối lại các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng. 10 ngày cuối của Hội nghị Geneva đã diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ trao đổi tay đôi, tay ba hoặc nhiều bên giữa các trưởng đoàn. Đây cũng là thời điểm quan trọng trong việc đàm phán giữa đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn Pháp.

Kết quả là sau 75 ngày đàm phán căng thẳng với 8 phiên họp rộng, 23 phiên họp hẹp cùng rất nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương bên lề hội nghị, đêm 20 rạng sáng 21-7, Hội nghị Geneva kết thúc, thông qua Tuyên bố chung.

Ngay thời khắc lịch sử này, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, đại diện Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Thiếu tướng Delteil, đại diện Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương, đã ký Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, trước sự chứng kiến của các quan khách và báo chí nước ngoài. Lần lượt các bên tham gia hội nghị, trừ Mỹ, cũng đã ký kết các văn kiện của hiệp định.

Thời khắc này đã mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-7

Kỳ tới: Dấu mốc lịch sử mang tính thời đại

Những văn kiện chính của Hiệp định Geneva

- Ba Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia.

- Bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva.

- Bản Tuyên bố riêng của Mỹ ngày 21-7-1954.

- Bản Tuyên bố của Pháp ngày 21-7-1954 khẳng định nguyên tắc tôn trọng độc lập và chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia trong việc giải quyết tất cả các vấn đề có liên quan tới việc tái lập và củng cố hòa bình ở 3 nước.

- Các công hàm trao đổi giữa Phó Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Pháp Mendès France.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo