Ông Đặng Ngọc Tùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Báo Người Lao Động nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam (28.7.1929 - 28.7.2024).
. Phóng viên: Cột mốc 95 năm có ý nghĩa thế nào đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam, thưa ông?
- Ông ĐẶNG NGỌC TÙNG: Chặng đường 95 năm xây dựng và phát triển, trải qua 13 kỳ Đại hội, Công đoàn Việt Nam, giai cấp công nhân (CN) Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là sự kiện chính trị quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của phong trào CNVC-LĐ, của tổ chức Công đoàn Việt Nam; khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp CN, truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của giai cấp CN, tổ chức Công đoàn Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Luật Công đoàn 2012 được ban hành đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho Công đoàn hoạt động, đặc biệt quy định về thu kinh phí Công đoàn được luật hóa giúp Công đoàn thuận lợi hơn, tổ chức được nhiều phong trào hay, nội dung phong phú, thiết thực và mang lại lợi ích cho đoàn viên - lao động. Nhiều phong trào hay từ các địa phương nhanh chóng được Tổng LĐLĐ Việt Nam ghi nhận, nhân rộng ra cả nước đã tạo nên sức sống cho hoạt động Công đoàn. Trong đó có thể kể đến chương trình "Đưa CN về quê ăn Tết", hỗ trợ vốn cho người lao động (NLĐ) hay gần đây nhất là chương trình hỗ trợ đoàn viên - lao động trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Có thể thấy rằng, hoạt động của Công đoàn ngày càng đi vào nề nếp và gặt hái nhiều thành quả đáng trân trọng.
. Đất nước đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng, điều này đặt ra thách thức gì cho tổ chức Công đoàn, thưa ông?
- Từ thực tiễn hình thành và phát triển, tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý. Trước tiên là chủ động tham mưu, nắm chắc và cụ thể hóa kịp thời chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với nhiệm vụ từng cấp Công đoàn và thực tiễn của ngành, địa phương, đơn vị. Phát huy tốt sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến NLĐ, huy động các nguồn lực chăm lo cho đoàn viên - lao động và xử lý các tình huống phức tạp, nhạy cảm.
Hai là coi trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chủ động, kịp thời thích ứng những thay đổi lớn, vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn; đầu tư cho công tác dự báo, nắm và phân tích tình hình, quan tâm thí điểm các mô hình mới. Ba là, tập trung thực hiện tốt chức năng cơ bản, nhiệm vụ trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ.
Bốn là, chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn, nhất là đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên trách, chủ tịch Công đoàn cơ sở có vai trò quyết định đối với việc triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động, đặc biệt là những nội dung mới, khó, phức tạp. Năm là, xác định đúng, trúng những nội dung trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tránh dàn trải, phân tán nguồn lực.
Theo quy định của Bộ Luật Lao động năm 2019, tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp bao gồm cả tổ chức Công đoàn và tổ chức đại diện NLĐ. Đây là thách thức rất lớn đồng thời cũng là cơ hội để thúc đẩy Công đoàn Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành tổ chức đại diện lớn nhất của NLĐ. Để bảo đảm vị thế ở cơ sở, trong giai đoạn sắp tới đây, Công đoàn Việt Nam phải đổi mới tận gốc rễ hoạt động Công đoàn, không chỉ tạo ra những phong trào rầm rộ mà phải ngày càng đi vào chiều sâu để phục vụ NLĐ. Để thực hiện mục tiêu đó, tổ chức Công đoàn phải làm tốt công tác cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ Công đoàn ở cơ sở.
. Ông kỳ vọng gì về phong trào CNVC-LĐ và hoạt động Công đoàn trong thời gian tới?
- Ngày 12-6-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Đây là nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chỉ đạo, định hướng, đồng thời là cơ sở để đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Sau 3 năm triển khai, Công đoàn Việt Nam không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động. Hoạt động Công đoàn đã hướng mạnh về cơ sở, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên - lao động.
Đời sống của đại đa số CN còn rất khó khăn. Do vậy, sự đổi mới của Công đoàn phải hướng đến mục tiêu giúp NLĐ có cuộc sống tốt hơn. Theo tôi, sự thay đổi đó phải được bắt đầu từ việc Công đoàn mạnh mẽ đóng góp vào quá trình xây dựng luật pháp liên quan đến NLĐ.
Công đoàn có những ưu thế để thực hiện nhiệm vụ này, cụ thể Công đoàn là thành viên của Hội đồng Tiền lương quốc gia, đồng thời có những cán bộ Công đoàn chuyên trách là đại biểu Quốc hội. Tổ chức Công đoàn phải tận dụng lợi thế này để nói lên hết tiếng nói, nguyện vọng của NLĐ trước Đảng, trước Quốc hội, trước Chính phủ khi thảo luận, góp ý các chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ.
Tôi cũng mong muốn các cấp Công đoàn tập trung đào tạo lớp cán bộ Công đoàn kế thừa có bản lĩnh, có tâm huyết, ưu tiên CN trực tiếp sản xuất. Thủ lĩnh Công đoàn xuất thân từ CN sẽ có sự thấu hiểu, luôn lo nghĩ cho NLĐ, sống chết với tổ chức Công đoàn.
Bình luận (0)