Mấy đứa trong xóm có đầy đủ cha mẹ, còn chị em tôi thì trăm ngàn vạn sự đều chỉ mỗi mình mẹ. Sáng sớm, mẹ đưa tôi đến trường, mẹ chờ tôi ở cửa lớp, đến giờ tan học hai mẹ con cùng về. Có bữa về tới đoạn kênh thì cây cầu còn nằm đó, có bữa thì nó trôi đi mất. Hôm nào hên lắm thì có ông Út dắt trâu cho ăn gần đó, nhìn thấy cây cầu nhút nhít chuẩn bị trôi thì ông bắt lại. Hôm đó, mẹ khỏi trụng mình xuống nước.
Mẹ vất vả như vậy nhưng nghĩ lại lúc nhỏ sao tôi lại không giống như bao đứa trẻ khác, không những không chịu học mà còn mang thêm chứng bệnh nhõng nhẽo. Vô lớp, tôi chỉ ngồi khóc miết, thầy cô dỗ dành chừng nào tôi càng khóc to chừng đó, làm át luôn cả dãy phòng học chứ đừng nói chi một lớp. Hai năm đầu mẹ phải ngồi canh tôi suốt buổi ở trước cửa phòng học, tôi còn nhớ có lần tôi nghe ngoại nói lẫy: “Bỏ cho nó dốt luôn đi, con nhỏ này lì lắm, nói ngọt không chịu thì đập cho tỡn mà bỏ tật dị chướng…”. Ngoại chưa dứt lời thì mẹ bỏ ra sau nhà. Một lát, tôi thấy mẹ cầm theo cây roi trúc. Lúc đó, cả nhà ồn lên. Mấy dì tôi, người thì gọi tôi lên giường nằm xuống, người thì bảo khoanh tay lại, người khác thì kẻ vòng tròn kêu tôi đứng… Từ nhỏ giờ cả nhà ai cũng thương nhưng hôm nay ai cũng ghét. Đánh thì đánh, thà chịu đòn chứ không muốn đi học, học mệt, học để làm gì, ở nhà đi chăn bò mướn cho sướng. Nhưng cuối cùng, ngoại lại rầy mẹ với mấy dì: “Thôi, nói vậy chứ đánh gì mà đánh, đưa rước cho nó thêm thời gian nữa đi”. Như đọc được ý muốn của con, đêm nào ba mẹ con lên giường nằm, mẹ cũng lấy tay vuốt ngược mái tóc tôi lên khỏi trán rồi bảo: “Ngày xưa, mẹ không được đi học nên bây giờ phải vào học lớp xóa mù chữ. Nhưng chưa học tròn mỗi cái tên của mình thì lớp học giải thể. Nếu con không chịu học thì sau này sẽ khổ lắm...”. Mẹ nghèn nghẹn nói trong nước mắt.
Bình luận (0)