Lê Thành Phương là người chỉ cho tôi đến cái chợ có vẻ quê này. Đó là ông bạn mà trong bài viết cách đây cả năm tôi gọi là “Lão Tây tri mắm” – nhại thành ngữ “lão nông tri điền”, ý nói người sành về mắm.
Chợ quê này có lẽ là nơi duy nhất bán cá biển từ Cần Giờ tươi roi rói. Nó nằm trên đường Lê Văn Lương, bên kia cầu Rạch Đỉa 1 nối liền quận 7 với huyện Nhà Bè.
Lần đầu, theo lời chỉ của Phương, sợ lạc, từ quận 4, tôi qua cầu Kênh Tẻ cứ theo đường Lê Văn Lương chạy cho đỡ trật. Không dè đường Lê Văn Lương vừa bị đường Nguyễn Hữu Thọ cắt ngang rồi còn đường Nguyễn Văn Linh cắt tiếp.
Nếu băng qua Nguyễn Hữu Thọ chạy tiếp Lê Văn Lương đâm ra Nguyễn Văn Linh sẽ phải chạy mất một đoạn dài cho đến ngã tư gần nhất mới có thể quay lại chạy đến đoạn Lê Văn Lương do Nguyễn Văn Linh cắt.
Từ đoạn này chạy qua cầu Rạch Đỉa 1, cây cầu sắt Bailey cũ kỹ xây dựng từ đời nảo đời nào chỉ rộng chừng 3 – 3,5m, vừa một xe bán tải và một xe máy ngược chiều.
Cá nâu tươi mua ở chợ Phước Kiểng ướp muối ớt sả nướng lửa than – một thứ hải vị khó kiếm ở Sài Gòn, nếu không cất công đi Cần Giờ.
Đường nhựa tốt bao nhiêu thì cây cầu ọp ẹp bấy nhiêu. Cây cầu may chút nữa thọ tử hồi tháng 7 do sà lan chở cát đâm vào. Bên kia cầu là xã Phước Kiểng. Một số người oán ông Gia Long, bắt gọi tên đẹp Phước Cảnh của xứ này thành Phước Kiểng, để kiêng húy tên ông con đầu của mình.
Cũng vì cái sự kiêng húy này mà thành ngữ “một kiểng hai quê” bị hiểu sai nghĩa, nhiều người tưởng đâu là một người có đến hai quê, tết không biết về quê nào. Chớ chẳng ai ngờ là “một [chậu] cảnh hai hoa” ý nói về nỗi khổ một kẻ không theo đạo Hồi mà có đến hai vợ…
Lần đầu đi chợ, tôi mua được hai con cá nâu. Nhìn thấy hàng cá có mấy con cá nâu, mắt sáng rỡ. Đấy là loài danh ngư của các cửa sông nước lợ miền Nam.
Ở Sài Gòn, cá nâu trong nhà hàng Haani trên đường Đinh Tiên Hoàng, bên kia cầu Bông, mắc gấp rưỡi cá nhập khẩu saba Na Uy – loài cá bắt saba Nhật… xách dép.
Đã vậy ngay hàng cá còn bày một rổ lá me non. Trời sao mà hết ý chợ quê không xa khu phố nhà giàu nứt đố đổ vách Phú Mỹ Hưng. Lá me non 10.000 đồng một lạng. Cá nâu chỉ có 130.000 đồng một ký, quá rẻ.
Cá nâu nấu chua với lá me non mới nghĩ đã nghe rưng rưng nước bọt. Cá nâu chỉ có mỗi tội là xương cứng, bị gai vi nhọn của nó đâm trúng, người nào vô cảm không nói, nhạy cảm đau nhức kêu trời không thấu.
Đúng là loại cá không khác hoa hồng, đẹp nhưng không dễ… dê vì gai nhiều. Cá nâu muối ớt sả để cho thấm rồi nướng mọi, lại càng bắt cơm hơn nữa.
Chợt nghĩ, sao cái gì nâu hình như cũng đã, từ tiên nâu cho đến người em mắt nâu…
Lần thứ hai, tuần rồi, đúng dịp Quốc khánh, tôi đi chợ Phước Kiểng, không có cá nâu, chỉ có cá đối, cá hanh. Cá hanh cũng thuộc hàng khanh, tướng trong hải sản. Chỉ 100.000 đồng một ký.
Mùa này măng nhiều, nấu măng cá hanh ngon phải biết. Thịt con cá hanh nấu canh đúng lửa dai thiệt dai. Chấm với nước mắm Phú Quốc, mới thấy giữa Sài Gòn mà biết đường vẫn tìm thấy cái ngon vừa tươi vừa rẻ đến không ngờ. Biết được chợ này, thôi đành “ly dị” hàng cá Nha Trang, Phan Thiết ở chợ Thái Bình, Bàn Cờ mà lâu nay vẫn chung thuỷ.
Cá hanh còn có thể chiên giòn rồi dầm nước mắm ngò. Tiếc cái là ngò Sài Gòn không thơm như ngò miền Trung đất cày lên sỏi đá.
Ngò cũng như nhiều loại rau mùi khác của Sài Gòn chỉ có cái mã, tươi tốt, sum suê, nhưng không có được hương vị như rau mùi miền Trung. Giống như hoa hậu ấm ớ khi đụng mục trả lời câu hỏi.
Ông bạn còn dặn: Ở đó cháo lòng bán cũng ngon lắm, nhớ ăn thử. Hôm đầu tiên tôi đi chợ trễ, cháo lòng hai quán đầu ngã ba Nguyễn Văn Linh – Lê Văn Lương đều hết. Lần sau còn. Cháo lòng khu này nấu bằng gạo rang, 15.000 đồng một tô, quá được.
Bình luận (0)