Sau nhiều năm làm việc xoay ca (tuần làm ngày, tuần làm đêm) với chế độ ăn uống không phù hợp, sức khỏe của chị Nguyễn Thị Thu Hà suy giảm nghiêm trọng, phải nghỉ việc ở độ tuổi 50.
Sức khỏe sa sút
Trước đây, chị Hà là công nhân (CN) Công ty TNHH P.S Việt Nam (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Nguyên nhân chị nghỉ việc là do di chứng nặng nề của căn bệnh đái tháo đường. Đây là cái giá chị phải trả khi chủ quan với sức khỏe của bản thân.
Chị Hà cho biết những tuần làm đêm, để tỉnh táo, mỗi ngày, chị đều uống 1 lon nước ngọt. Cộng với việc ban ngày chị không ngủ đủ giấc do phải chăm sóc mẹ già dẫn đến nhiều biến chứng của căn bệnh tiểu đường như mắt mờ, suy thận…
"Khi làm việc xoay ca, mỗi khi đổi ca, đồng hồ sinh học của tôi bị rối loạn, phải mất 2-3 ngày mới trở lại bình thường. Chỉ có cách uống đồ lạnh hoặc nước ngọt, nước uống có ga tôi mới đủ tỉnh táo để làm việc nhưng không ngờ hậu quả lại nặng nề đến thế" - chị Hà thở dài. Giờ đây, ở độ tuổi ngoài 50, do không có việc làm, chị làm thêm đủ thứ để có tiền chữa bệnh và trang trải chi phí sinh hoạt trong nhà.
Tương tự, chị Trần Kim Anh (quê Tiền Giang) cũng đã phải nghỉ việc từ cuối tháng 5-2024 sau 8 năm gắn bó tại một doanh nghiệp (DN) ở Khu Công nghệ cao (TP Thủ Đức, TP HCM). Công ty có phúc lợi tốt, thu nhập ổn định song do phải làm việc ca đêm thường xuyên khiến sức khỏe của chị báo động khi mới 25 tuổi.
Làm CN khi mới 18 tuổi, lúc ấy sức khỏe tốt nên việc làm đêm không gây ảnh hưởng nhiều đến giờ giấc sinh hoạt của chị. Tuy nhiên, sau hai lần nhiễm COVID-19, sức khỏe của chị bắt đầu đi xuống. Từ sau Tết Nguyên đán năm 2024, chị bắt đầu bị rối loạn giấc ngủ. Tuần nào làm ca đêm là ban ngày chị không thể vào giấc, mỗi ngày chỉ ngủ được 2-3 giờ và có dấu hiệu sụt cân.
Trải qua mấy tháng, tinh thần chị bị căng thẳng, luôn bồn chồn lo lắng. Chị quyết định đi khám thì nhận kết quả rối loạn giấc ngủ, bác sĩ khuyến cáo phải điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt. "Dù rất tiếc công việc hiện tại với thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng nhưng sau khi suy nghĩ, tôi quyết định nghỉ việc, tạm thời chuyển sang làm tự do để phục hồi sức khỏe" - chị Kim Anh nói.
Chấp nhận đánh đổi
Trao đổi với phóng viên về vấn đề làm việc ca đêm, đa số ý CN đang làm việc tại các doanh nghiệp (DN) có chia ca ngày, ca đêm cho biết thường xuyên làm đêm có ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, sức khỏe của họ. Song họ chấp nhận bởi tiền lương khi làm việc ca đêm (từ 22 giờ đến 6 giờ sáng) cao hơn.
Cụ thể, CN làm việc vào ban đêm sẽ được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường. Ngoài ra, nếu làm thêm giờ vào ban đêm còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
Anh Danh Chanh Thi, CN Công ty CP Dây sợi R.A.C (KCN Tân Tạo, TP HCM), cho biết anh đã gắn bó với công ty này nhiều năm dù thường xuyên phải làm việc vào ban đêm. Đã quen với việc thay đổi giờ giấc sinh hoạt liên tục nhưng anh Thi cũng thừa nhận càng lớn tuổi, sức khỏe của anh càng đi xuống, nhất là những tháng hè.
Ban đêm đi làm, ban ngày anh không thể chợp mắt do thời tiết quá nóng, phòng trọ trở nên oi bức. Việc thiếu ngủ khiến anh làm việc trong trạng thái không tốt. Do công việc hiện tại mang lại mức thu nhập ổn định (khoảng 10 triệu đồng/tháng) nên anh chưa từng nghĩ sẽ thay đổi chỗ làm.
Anh Thi nói: "Tôi là lao động chính, đang phải nuôi cả gia đình 6 người, thu nhập hàng tháng chỉ vừa đủ ăn. Nếu đổi việc mà thu nhập thấp hơn thì gia đình sẽ lâm vào cảnh khó khăn. Vì vậy, tôi chấp nhận làm đêm, thậm chí làm thêm giờ ban đêm để có tiền lo cho gia đình".
Do cả hai vợ chồng làm việc xoay ca ngày - đêm nên anh Nguyễn Tấn Tài (quê Bạc Liêu) phải gửi các con về quê nhờ ông bà chăm sóc. Vợ chồng anh Tài là CN tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở KCX Tân Thuận, quận 7. Do làm việc xoay ca và thường xuyên tăng ca nên dù sống cùng nhau nhưng anh chị cũng ít khi gặp mặt, chỉ có dịp cuối tuần, hai vợ chồng mới có thời gian nghỉ ngơi, nấu nướng, ăn uống cùng nhau.
Anh Tài cho biết trước đây chỉ có anh làm việc xoay ca (ca 11 giờ gồm cả thời gian tăng ca) với mức lương hơn 400.000 đồng/đêm, còn vợ anh làm việc giờ hành chính với mức lương thấp hơn (6 triệu đồng/tháng). Khi ấy, các con cũng ở trọ cùng ba mẹ. Thời gian gần đây, cha mẹ anh già yếu không thể làm việc được nên vợ chồng anh nhận trách nhiệm phụng dưỡng ông bà.
Để có thêm thu nhập, vợ anh đã xin chuyển bộ phận sang làm ca 11 giờ. Anh kể: "Hai vợ chồng đều làm việc xoay ca, không có thời gian nên đành gửi các con về quê cho ông bà chăm sóc. Làm ca đêm rất vất vả, vợ chồng cũng xa cách hơn do làm trái ca nhưng vì cha mẹ và tương lai của các con, chúng tôi đành chấp nhận".
Ông TRẦN VĂN TRIỀU, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM: Bảo đảm sức khỏe cho NLĐ
Do nhu cầu sản xuất, hiện nay còn nhiều DN tổ chức làm việc theo ca kíp, trong đó có ca đêm (từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau). Để bảo đảm sức khỏe NLĐ, khi tổ chức làm ca đêm, ngoài trả lương và thời gian nghỉ ngơi theo đúng quy định của pháp luật, DN phải bảo đảm điều kiện làm việc như bố trí đèn điện đủ sáng, đồng thời giám sát quy trình làm việc để phòng tránh tai nạn lao động. Ngoài ra, DN cũng nên có hỗ trợ về vật chất như bổ sung sữa, phần ăn khi NLĐ làm việc ca đêm… để họ tăng cường sức khỏe.
Bình luận (0)