Ngành du lịch đang có những tín hiệu tích cực khi 2 tháng đầu năm, cả nước đón hơn 3 triệu lượt khách quốc tế cho thấy hiệu quả từ chính sách thị thực (visa) thuận lợi, các chương trình kích cầu du lịch và sự nỗ lực của các địa phương. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, tức gần gấp đôi năm 2023, đòi hỏi phải có những giải pháp đột phá và chiến lược bài bản hơn nữa.
Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, thời gian qua không chỉ địa phương mà các doanh nghiệp (DN) cũng đang đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Tại Hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin 2024 (Đức) vừa diễn ra từ ngày 5 đến 7-3, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam nhằm đẩy mạnh thu hút khách châu Âu nói chung, thị trường khách Đức nói riêng. Trong suốt nhiều thập kỷ, châu Âu và Đức luôn là thị trường khách quốc tế quan trọng đối với du lịch Việt Nam cũng như Saigontourist Group.
Hội chợ quốc tế ITB Berlin có tầm ảnh hưởng đến trải nghiệm du lịch trên toàn thế giới khi thu hút khoảng 180.000 khách tham dự; 10.000 nhà triển lãm từ hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ đến để kết nối và đàm phán với nhau.
Ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch Saigontourist Group, cho biết tham gia ITB Berlin 2024, tổng công ty đã có một loạt các hoạt động quảng bá, tiếp thị hình ảnh TP HCM và Việt Nam, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn của tập đoàn đến nhóm khách hàng mục tiêu. "Saigontourist Group còn tập trung mở rộng thị trường, khai thác các cơ hội hợp tác mới thông qua các phiên gặp gỡ, làm việc, giao lưu, ký kết với các đối tác du lịch quốc tế tại hội chợ" - ông Bình nói.
Về phía địa phương, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết năm nay, TP HCM sẽ có 8 chương trình xúc tiến du lịch trong nước và 6 chương trình xúc tiến du lịch nước ngoài.
Ngành du lịch thành phố đang bước vào giai đoạn tăng tốc, bên cạnh nỗ lực nâng chất các sự kiện thường niên trong nước, Sở Du lịch xác định các hoạt động xúc tiến nước ngoài cần được đầu tư chiều sâu và chuyên nghiệp hơn. Các chương trình xúc tiến nước ngoài sẽ là cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối với đối tác uy tín của quốc tế.
Trong danh sách các thị trường khách được đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, TP HCM sẽ tập trung vào những thị trường như Anh, Đức, Mỹ, Singapore, Úc... với kỳ vọng đón 6 triệu lượt khách quốc tế và 38 triệu lượt khách nội địa cho cả năm.
Phải đưa khách đến và giữ khách ở lại
Ngoài quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút khách đến, các chuyên gia du lịch nhấn mạnh đến giải pháp nâng cấp các sản phẩm, dịch vụ để giữ chân du khách ở lại và tiêu tiền nhiều hơn trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với các điểm đến trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia…
Điển hình là Thái Lan vừa tuyên bố tại Hội chợ du lịch quốc tế ITE Berlin 2024 rằng ngành du lịch nước này đặt mục tiêu thu hút 40 triệu khách du lịch nước ngoài trong năm nay và dự kiến thu về hơn 65 tỉ USD.
Trong khi đó, ngành du lịch Việt Nam dù chỉ đặt mục tiêu đón khoảng 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay cũng được xem là thách thức nếu so với mục tiêu khoảng 8,5 triệu lượt khách của năm 2023.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Du Ngoạn Việt, nhận định để thu hút thêm nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, bên cạnh những bãi biển đẹp, phong cảnh đẹp cần đầu tư xây dựng tour, tuyến mới. Trong đó, văn hóa bản địa phải là yếu tố chủ đạo đi cùng với sự hiện đại và phù hợp với xu thế.
Theo ông Phan Xuân Anh, khách châu Âu, Mỹ thường tới Việt Nam để tìm hiểu về truyền thống, lịch sử, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa địa phương; tìm hiểu những làng nghề truyền thống ở khắp các vùng miền trên cả nước từ làm chiếu, đan lưới đánh cá…
"Do đó, muốn đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút khách Âu, Mỹ, cần dựa trên nền văn hóa bản địa, tập quán địa phương, làng nghề truyền thống, nghệ thuật dân gian.... Ngoài ra, cũng cần đa dạng các thị trường khách từ châu Á để tạo thế "kiềng ba chân" cho ngành du lịch, bảo đảm khách quốc tế tới cả năm" - ông Phan Xuân Anh nói.
Với chính sách visa, dù hiện tại Việt Nam đã áp dụng lại chính sách visa thông thoáng như trước COVID-19 nhưng các DN tiếp tục kiến nghị mở rộng thêm một số thị trường trọng điểm có khách chi tiêu cao, du lịch dài ngày…
Ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam, đề xuất nên có chính sách miễn visa và cho phép khách được ra vào, nhập cảnh nhiều lần để du khách cảm thấy thoải mái khi đến và trở lại. Bởi rất nhiều khách quốc tế tới Việt Nam du lịch rồi đi tiếp sang Campuchia, Thái Lan… sau đó quay lại Việt Nam.
Đề xuất giảm thời gian xuất nhập cảnh ở Tân Sơn Nhất
Sở Du lịch TP HCM vừa có báo cáo kết quả thực hiện kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường tại buổi làm việc về các hoạt động liên quan đến Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Theo đó, Sở Du lịch cho biết nhận được phản ánh của các tổ chức quốc tế, DN du lịch lớn, nhà đầu tư quốc tế về việc gặp khó khăn, mất nhiều thời gian chờ đợi khi đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt tại khu vực xuất nhập cảnh dù đã sử dụng dịch vụ hạng thương gia.
Các đơn vị kiến nghị cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các quầy thủ tục xuất nhập cảnh tại sân bay, cần có làn thủ tục xuất nhập cảnh dành riêng cho khách thương gia và có thể nghiên cứu việc thu phí dịch vụ ưu tiên làm thủ tục này để du khách lựa chọn.
Các đơn vị cũng đề xuất ứng dụng công nghệ 4.0 trong quá trình xuất nhập cảnh, cấp thị thực tại cửa khẩu và thủ tục lên máy bay nhằm giảm thời gian chờ đợi của du khách.
Bình luận (0)