Tại hội thảo "An toàn giao thông xe máy: Thách thức và bài học kinh nghiệm", bà Đặng Thùy Trang, Giám đốc Đối ngoại của Grab, nhấn mạnh các tài xế không chỉ cần tuân thủ nghiêm ngặt Luật Giao thông mà còn phải duy trì sức khỏe và sự tỉnh táo khi lái xe để giảm thiểu nguy cơ tai nạn. Grab yêu cầu tài xế tuân thủ các quy định về tốc độ, tín hiệu giao thông, đồng thời đảm bảo khách hàng đội mũ bảo hiểm đúng cách.
Đặc biệt, Grab đã triển khai biện pháp tạm ngưng hoặc chấm dứt quyền sử dụng ứng dụng đối với các tài xế vi phạm, như làm việc quá sức hoặc sử dụng rượu bia, chất kích thích. Các công nghệ giám sát hành vi như cảnh báo tốc độ, nhắc nhở nghỉ ngơi và báo cáo về các chỉ số an toàn (tốc độ, cua gấp, thắng gấp) được ứng dụng cùng với phản hồi từ hành khách, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm.
Grab xây dựng một môi trường an toàn cho cả tài xế và khách hàng thông qua 3 trụ cột chính: chính sách an toàn, công nghệ hỗ trợ và chương trình đào tạo. Tài xế phải cung cấp đầy đủ giấy tờ pháp lý, lý lịch tư pháp, và cam kết tuân thủ Bộ quy tắc ứng xử. Trước khi tham gia hoạt động, tài xế phải hoàn thành khóa đào tạo an toàn bắt buộc.
"Ngoài ra, Grab còn nâng cao nhận thức về an toàn cho tài xế thông qua Học viện GrabAcademy, nơi cung cấp kiến thức và kỹ năng ứng phó tình huống khẩn cấp, nhằm bảo vệ cả tài xế lẫn khách hàng" - bà Trang nói.
Nhiều tài xế Grab thừa nhận các quy định an toàn không chỉ giúp bảo vệ họ mà còn đảm bảo sự an toàn cho hành khách. Tuy nhiên, việc thực thi những quy định này đôi khi gây khó khăn, nhất là trong việc duy trì thu nhập ổn định.
Anh Lý Văn Chí, tài xế GrabBike (quận Bình Tân, TP HCM) cho biết những quy định về tốc độ, đội mũ bảo hiểm và cấm sử dụng chất kích thích rất cần thiết để bảo vệ cả tài xế lẫn hành khách.
"Tuy nhiên, đôi khi tôi cảm thấy áp lực khi nhận cảnh báo từ ứng dụng, nhất là khi di chuyển trong điều kiện giao thông căng thẳng. Dù vậy, tôi hiểu những biện pháp này góp phần tăng cường an toàn và nâng cao chất lượng dịch vụ, làm công việc của chúng tôi trở nên chuyên nghiệp hơn" - anh Chí bày tỏ.
Chị Trần Thị Hằng, tài xế GrabFood (quận 7, TP HCM), chia sẻ công nghệ cảnh báo tốc độ và nhắc nhở nghỉ ngơi đã trở thành một công cụ vô cùng hữu ích đối với chị, đặc biệt là đối với những tài xế phải làm việc liên tục trong nhiều giờ như chị.
"Các tính năng này giúp tôi duy trì sự an toàn và sức khỏe trong suốt quá trình làm việc. Tuy nhiên, việc tuân thủ các quy định này đôi khi buộc tôi phải điều chỉnh lại lịch trình, điều này ảnh hưởng đến số lượng đơn hàng tôi có thể nhận và thu nhập hàng ngày" - chị Hằng nói.
Số lượng tài xế xe công nghệ tại Việt Nam ngày càng gia tăng, với Grab dẫn đầu trong việc thu hút lao động. Theo báo cáo năm 2022, Grab có khoảng 200.000 tài xế hoạt động thường xuyên, phục vụ hơn 3 triệu chuyến xe mỗi ngày tại TP HCM và Hà Nội.
Nền tảng này không chỉ đáp ứng nhu cầu di chuyển mà còn tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm nghìn người lao động, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn do đại dịch COVID-19, khi nhiều người chuyển sang nghề tài xế công nghệ để mưu sinh.
Thu nhập của tài xế xe ôm công nghệ tại Việt Nam cao hơn khoảng 55% so với lao động phổ thông nhờ vào mức chiết khấu ưu đãi từ các nền tảng.
Song, thị trường đang dần bão hòa khi số lượng tài xế gia tăng, trong khi nhu cầu sử dụng dịch vụ có dấu hiệu chững lại. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các tài xế, nhất là khi mức chiết khấu từ ứng dụng ngày càng tăng.
Để duy trì thu nhập, nhiều tài xế phải làm việc kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và đời sống cá nhân. Sự rút lui của Gojek khỏi thị trường Việt Nam càng làm nổi bật vị thế của Grab và Be Group, những nền tảng đang tiếp tục mở rộng dù đối mặt với thách thức lớn trong việc tối ưu chi phí và gia tăng sức cạnh tranh.
Bình luận (0)