xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhọc nhằn nữ xe ôm công nghệ

MAI CHI - THANH NGA

Vì mưu sinh, nhiều chị em phải chọn công việc chạy xe công nghệ - vốn được cho là nghề của nam giới

Đã 58 tuổi nhưng mỗi ngày, bà Bùi Thị Kim Vui - quê Vĩnh Long; tài xế xe công nghệ tại quận 7, TP HCM - vẫn làm việc 16 giờ. Trừ các chi phí xăng xe, ăn uống..., bà dành dụm được mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng.

Vất vả, rủi ro

Trước đây, bà Vui từng làm công nhân tại KCX Tân Thuận (quận 7). Sau này do lớn tuổi, khó thích ứng với công việc nên bà xin nghỉ, chuyển sang bán vé số rồi chạy xe công nghệ từ năm 2019.

Ban đầu, bà Vui chuyên chở khách nhưng do tuổi cao, khó xử lý các tình huống trên đường nên chuyển sang giao đồ ăn. Những năm đầu, khi người chạy xe công nghệ còn ít, nếu chịu khó "cày", mỗi tháng bà kiếm được 19 - 20 triệu đồng. Trừ các chi phí, thu nhập mỗi tháng của bà còn khoảng 12 - 13 triệu đồng. Song, hơn một năm nay, công việc khó khăn, thu nhập đã giảm đáng kể.

Nhọc nhằn nữ xe ôm công nghệ- Ảnh 1.

Vì gánh nặng gia đình, nhiều phụ nữ phải chọn nghề chạy xe công nghệ để mưu sinh. Ảnh: MAI CHI

Không lập gia đình, bà Vui hiện sống cùng mẹ già và các em, cháu. Bà chịu trách nhiệm phụng dưỡng mẹ đồng thời góp chi phí điện, nước trong nhà. Do vậy, khi thu nhập giảm, bà phải chi tiêu tằn tiện.

"Mỗi ngày ngồi trên xe hơn 10 giờ, sức khỏe tôi bị bào mòn nhưng phải bám trụ với nghề vì không có nơi nào tuyển lao động lớn tuổi. Giờ mỗi ngày tôi ráng để dành một ít để phòng khi ốm đau hoặc không còn sức chạy xe nữa" - bà Vui bày tỏ.

Chồng mất, bà Huỳnh Ngọc Thanh Ngôn - 49 tuổi; đoàn viên Nghiệp đoàn Xe ôm công nghệ quận Bình Tân, TP HCM - vừa là cha vừa là mẹ của 2 đứa con đang tuổi ăn học. Trước đây, bà là nhân viên kinh doanh của một doanh nghiệp (DN), thu nhập ổn định, cuộc sống 3 mẹ con tạm ổn.

Biến cố ập đến khi con gái thứ 2 bị u phổi phải nằm viện điều trị thời gian dài, bà Ngôn đành xin nghỉ việc để chăm sóc. Để có thu nhập, đầu năm 2017, bà đăng ký chạy xe công nghệ đến nay. Bình quân mỗi ngày, bà chạy xe 10 - 12 giờ, kiếm được khoảng 400.000 - 500.000 đồng.

Với những phụ nữ chạy xe công nghệ như bà Ngôn hay bà Vui, ngoài thời tiết, họ còn phải đối mặt nhiều rủi ro, như bị cướp bóc, trấn lột hoặc khách hàng say xỉn sàm sỡ... Bà Ngôn kể có lần chở một khách nam đến đoạn đường vắng ở TP Thủ Đức, TP HCM, linh tính mách bảo đối tượng này có ý đồ xấu. Rất nhanh trí, bà chạy xe vòng vèo để gã phân tâm, đồng thời ra hiệu nhờ tài xế một chiếc ô tô chạy ngược chiều trợ giúp. Ý đồ cướp tài sản bất thành, đối tượng này liền xuống xe. Sau vụ việc ấy, bà Ngôn chỉ nhận chở khách đến các khu vực đông dân cư.

Chuyển nghề không dễ

Chị Vĩnh Thị Thu Lan - 40 tuổi, đoàn viên Nghiệp đoàn Xe ôm quận Bình Tân - cũng từng gặp cướp và phải giao xe máy cho đối tượng xấu để giữ tính mạng. Chị cho rằng nếu có lựa chọn khác, không phụ nữ nào muốn chọn công việc nguy hiểm, cực nhọc, rong ruổi ngoài đường cả ngày.

Chị Lan đã học cao đẳng ngành dược, từng làm dược sĩ tại trạm y tế và các phòng khám. Khoảng 10 năm trước, mẹ chị bị tai biến, phải nằm một chỗ. Là con một, chị phải nghỉ việc để chăm sóc mẹ. Sau đó, vợ chồng chị ly hôn. Để có chi phí điều trị cho mẹ và nuôi con, chị tranh thủ chạy xe công nghệ.

Dù chạy xe công nghệ suốt 6 năm qua nhưng chị Lan luôn muốn trở lại với nghề, nhất là 3 năm nay, sau khi mẹ mất và phát hiện mình bị bệnh tim. Tuy nhiên, hiện mong muốn ấy chưa thể thực hiện được bởi để trở lại nghề dược, chị phải trải qua 3 - 6 tháng tập sự và tham gia các khóa đào tạo cập nhật kiến thức, vì vậy sẽ không thể chạy xe để có thu nhập.

"Việc chuyển đổi nghề tôi tạm gác lại. Chờ con học xong THPT, định hướng con đi nghĩa vụ quân sự, sau đó phục vụ lâu dài trong quân đội, tôi mới có điều kiện để trở lại với nghề" - chị Lan bộc bạch.

Với Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe công nghệ quận 7 Nguyễn Thị Thu Phương, trước khi ly hôn, chị là kế toán ở một DN, có thu nhập ổn định. Hôn nhân tan vỡ, để thuận tiện việc chăm sóc và đưa rước con đi học, chị phải nghỉ việc, chuyển qua chạy xe công nghệ và đã theo nghề này 8 năm. Để bảo đảm an toàn, ban ngày chị chở khách, tối đến chuyển sang giao đồ ăn nhưng thu nhập cũng chỉ đủ trang trải chi phí nhà trọ, sinh hoạt cho gia đình.

Năm 2022, con gái chị Phương lên lớp 4. Được bà ngoại ở quê vào trông cháu giúp, chị ngưng chạy xe, xin làm kế toán thời vụ cho một DN tư nhân. Do thu nhập không đủ trang trải (hơn 6 triệu đồng/tháng) nên buổi tối, chị lại tiếp tục chạy xe công nghệ để kiếm thêm.

Người phụ nữ 41 tuổi này cho biết rất muốn tìm được công việc đúng chuyên môn, mức lương ổn định để có thời gian nuôi dạy con. Là lao động chính, điều đó không dễ dàng với chị Phương. Bởi lẽ, xu hướng hiện nay của nhiều DN là ưu tiên tuyển kế toán thời vụ, trường hợp tuyển chính thức thì mức lương cũng không phù hợp. Do vậy, chị vẫn phải làm 2 công việc cùng lúc mới tạm đủ sống. 

Chỉ 7% tham gia BHXH

Theo khảo sát về hiện trạng việc làm, khả năng tiếp cận chính sách an sinh xã hội của tài xế xe công nghệ do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Tư vấn sức khỏe và Phát triển cộng đồng thực hiện, 2/3 số tài xế đã có gia đình và 60% nuôi dưỡng từ 2 người trở lên. Thu nhập của người chạy xe công nghệ không cao nhưng áp lực làm việc rất lớn, điều kiện vất vả, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, trong khi chỉ có 7% tài xế tham gia BHXH.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo