xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làn sóng Việt kiều về quê khởi nghiệp

Bài và ảnh: Thanh Nhân

Rất nhiều người tài đã trở về nước, mang theo những kỹ thuật tuyệt vời và các ý tưởng, quan điểm mới cho hệ sinh thái khởi nghiệp

Vài năm trở lại đây, Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút nhà đầu tư, trong đó có nhiều doanh nhân là Việt kiều.

Nhiều dự án thành công

Đang là kỹ sư của Google, làm việc ở Silicon Valley - Mỹ, anh Huy Nguyễn (Việt kiều Mỹ) về Việt Nam từ đợt dịch COVID-19 và bén duyên với công việc tại quê nhà từ đó. Năm 2023, anh thành lập doanh nghiệp (DN) lĩnh vực vật lý số, lấy tên là Phygital Labs.

Giải thích về lĩnh vực hoạt động rất mới mẻ ở Việt Nam này, anh Huy Nguyễn cho biết vật lý số (Phygital) được kết hợp bởi sản phẩm vật lý (Physical) và sản phẩm số (Digital). Đây là giải pháp chuyển dịch thế giới thật lên không gian số nhằm kiến tạo những giá trị mới từ những dữ liệu, tài sản trên thế giới thật… Nhờ công nghệ vật lý số, công ty góp phần giúp tăng 50% giá trị sản phẩm cho thương hiệu cà phê đặc sản Le J'.

"Những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo của Việt Nam là một "kho hàng" khổng lồ để đi ra thế giới bằng con đường vật lý số. Physical đã kết hợp cùng Làng đá Non Nước ở Đà Nẵng để định danh số cho các sản phẩm mỹ nghệ; hợp tác với một số đơn vị ở Huế để định danh các cổ vật... Mục tiêu của chúng tôi là đưa thêm nhiều sản phẩm Việt Nam ra thế giới với giá trị vượt trội" - anh Huy Nguyễn tự tin.

Anh Eddie Thai, Việt kiều Mỹ, về Việt Nam từ năm 27 tuổi. Năm 2016, anh cùng một số đối tác thành lập Quỹ 500 startups Vietnam, chủ yếu tập trung vào các thương vụ vòng hạt giống.

Năm 2021, quỹ đầu tư thứ 2 do anh Eddie Thai đồng sáng lập ra đời với tên gọi Ascend Vietnam Ventures, nhằm đầu tư số vốn lớn hơn với danh mục tập trung hơn. Đến nay, 2 quỹ này đã đầu tư vào hàng trăm DN khởi nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực.

Theo thống kê của TP HCM, từ năm 2015 đến nay, đã có hàng trăm mô hình khởi nghiệp do du học sinh, Việt kiều trẻ khởi xướng và đầu tư tại thành phố. Trong đó, nhiều DN đã khá thành công, như Công ty POPS Worldwide chuyên về phân phối và quản lý nội dung âm nhạc của Esther Nguyễn (Việt kiều Mỹ). Sau 10 năm, POPS Worldwide đã đạt 70 tỉ lượt xem trên toàn hệ thống và chiếm 90% thị phần nhạc trực tuyến tại Việt Nam.

Ngoài ra, đáng chú ý là mô hình hỗ trợ du lịch trực tuyến Christinas của Thu Nguyễn (Việt kiều Mỹ); ứng dụng công nghệ về phong cách sống Wisepass của Lâm Trần (Việt kiều Pháp); mô hình quản trị doanh nghiệp Base.vn của Phạm Kim Hùng (du học sinh Mỹ) và các mô hình khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ khác như WeFit, Elsa, Logivan, GotIt, Uiza....

Anh Huy Nguyễn, CEO Phygital Labs (bìa phải), tại một sự kiện về công nghệ năm 2023 ở Việt Nam

Anh Huy Nguyễn, CEO Phygital Labs (bìa phải), tại một sự kiện về công nghệ năm 2023 ở Việt Nam

Thúc đẩy hơn nữa nguồn lực kiều bào

Mới đây, chia sẻ trên South China Morning Post (Hồng Kông - Trung Quốc), ông Willem Smit, Trưởng Khoa Khởi nghiệp - Học viện YSEALI thuộc Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết rất nhiều người tài đã trở về nước, mang theo những kỹ thuật tuyệt vời và nhiều ý tưởng, quan điểm mới cho hệ sinh thái khởi nghiệp.

Theo Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM, đến nay, có 3 làn sóng Việt kiều về nước khởi nghiệp, lập nghiệp. Làn sóng đầu tiên diễn ra ngay thời điểm Việt Nam bắt đầu đổi mới. Làn sóng thứ 2 là của các du học sinh định cư ở nước ngoài trở về Việt Nam khởi nghiệp. Làn sóng thứ 3 là của các bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, có kinh nghiệm làm việc ở những công ty quốc tế, khi trở về Việt Nam đầu tư khá thành công trong các lĩnh vực tài chính, công nghệ, sinh học, blockchain, IOT, giáo dục và đào tạo, dược phẩm…

"Năm 2023, kiều hối về Việt Nam rất cao, khoảng 19 tỉ USD, riêng TP HCM là 9 tỉ USD, cho thấy nguồn tiền từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đổ về nước đầu tư rất lớn" - ông Danny Võ, Phó Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM, nhìn nhận.

Theo ông Danny Võ, cơ hội kinh doanh ở Việt Nam đang rất tốt trong khi chính sách thu hút đầu tư của nhà nước cũng dần cởi mở hơn. Nhà nước đã có những chương trình, nghị quyết riêng dành cho người Việt Nam ở nước ngoài để hỗ trợ kiều bào về nước lập nghiệp. Mạng lưới hỗ trợ các doanh nhân, kiều bào về Việt Nam đã tạo những sự kết nối.

"Cho dù ở đâu thì người Việt cũng luôn thôi thúc được trở về với nguồn cội, đóng góp nhiều hơn cho đất nước của mình. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), cho phép người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài được phép mua bất động sản ở Việt Nam. Đây là cơ hội rất tốt cho làn sóng nghiêm túc quay về đầu tư, gầy dựng sự nghiệp ở Việt Nam" - ông Danny Võ nhận định.

Ông Danny Võ cho rằng Việt Nam cần cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa, gia tăng các chính sách thu hút đầu tư để khuyến khích kiều bào mang tiền về quê hương khởi nghiệp, lập nghiệp. Song song đó, cần xây dựng một cộng đồng kiều bào thật mạnh mẽ. Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM đang hỗ trợ thành lập một trung tâm hỗ trợ về pháp lý, tư vấn cho kiều bào về Việt Nam thành lập DN hoặc sinh sống, định cư. 

Làn gió mới trong khởi nghiệp nông nghiệp

Theo anh Đặng Dương Minh Hoàng, Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc - nơi kết nối những gương mặt tiêu biểu đoạt Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng các thanh niên nông thôn xuất sắc, có một làn gió mới từ những du học sinh về khởi nghiệp mảng nông nghiệp.

Bản thân anh Hoàng cũng là du học sinh và có việc làm ổn định tại Pháp nhưng quyết định về quê hương Bình Phước để ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trên 3 sản phẩm chính là cao su, hồ tiêu, bơ.

"Trong phạm vi quan sát của mình, tôi thấy du học sinh thường chọn khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, tài chính xanh cho nông nghiệp và công nghệ phục vụ nông nghiệp. Những người trẻ này mạnh về ngoại ngữ và nông nghiệp, có nhiều tư duy đổi mới sáng tạo cả về trồng trọt, chăn nuôi cũng như marketing, xây dựng thương hiệu. Nhiều người tự xây dựng được chuỗi từ nông trại đến bàn ăn rất thú vị" - anh Hoàng nhận xét.

Tuy nhiên, anh Hoàng cho rằng khi khởi nghiệp ở lĩnh vực này, người trẻ gặp trở ngại về việc mở rộng quy mô sản xuất. Trong khi đó, đầu tư công nghệ đòi hỏi vốn lớn, nếu áp dụng diện tích nhỏ thì giá thành rất cao, không cạnh tranh được.

N.Ánh


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo