Nhiều năm qua, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tăng trưởng mạnh. Sự gia nhập của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đã mở ra hàng loạt cơ hội nghề nghiệp, dẫn đến nhu cầu nhân lực chất lượng cao tăng.
Thu hút nhân tài
Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, những lĩnh vực mới như: khoa học dữ liệu, bảo mật an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, bán dẫn, công nghệ tài chính... đang khan hiếm nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao.
Một trong những giải pháp hiệu quả được nhiều DN quan tâm đó là thu hút nhân tài người Việt đang sinh sống tại các quốc gia trở về nước phát triển sự nghiệp. Bà Nikki Đặng Mỹ Quyên, Giám đốc khối quản trị nguồn nhân lực - Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), cho biết trong 2 năm 2022 và 2023, Techcombank đã tổ chức thành công chiến dịch "Thu hút nhân tài quốc tế".
"Nhân lực Việt kiều đã có sẵn kinh nghiệm làm việc ở môi trường quốc tế, được tiếp xúc với những công nghệ hàng đầu thế giới, có tư duy phản biện và sự linh hoạt dễ thích nghi với hoàn cảnh. Họ cũng có sẵn nền tảng văn hóa Việt nên dễ hòa nhập hơn với môi trường làm việc khi về nước" - bà Nikki Đặng Mỹ Quyên chia sẻ.
Chiến dịch "mang chuông đi đánh xứ người" này đã đến Singapore, Mỹ, Anh và Úc bởi ở đó có nhiều người Việt sinh sống và làm việc. Sự kiện này đã thu hút hàng ngàn nhân tài gốc Việt quan tâm ứng tuyển, nhiều người đã về nước và gia nhập đội ngũ của Techcombank.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Data Engineer tại Techcombank (từng làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia tại Singapore và Mỹ), là người đã quyết định về nước từ chiến dịch của ngân hàng này. "Việt Nam đang là mảnh đất cơ hội cho các chuyên gia, nhân viên kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ. Là người Việt, tôi mong được đóng góp tạo ra nhiều giá trị hơn cho sự phát triển chung của đất nước" - ông Huy nói.
Anthony Vo (33 tuổi, Việt kiều Úc) là kỹ sư chip bán dẫn đang có công việc ổn định tại Úc. Tuy nhiên, là người Việt nên anh có ý định về nước sinh sống và làm việc từ vài năm nay. "Vì thường xuyên đọc tin tức về Việt Nam nên biết chuyên môn của tôi đang được trọng dụng ở Việt Nam.
Vừa rồi về quê hương đón Tết và được gặp một chuyên gia, ông ấy đã thuyết phục tôi về nước làm việc và tôi đã đồng ý" - Anthony Vo cho hay. Anh sẽ đến TP Đà Nẵng và gia nhập một công ty có vốn đầu tư của Mỹ vào tháng 5 tới, với vai trò kỹ sư trưởng một bộ phận nghiên cứu chip bán dẫn.
Áp lực cạnh tranh
Truong Ha (35 tuổi, Việt kiều Mỹ) là kỹ sư AI, có kinh nghiệm làm việc ở Mỹ trong nhiều năm. Hiện anh gặp "vấn đề" sau nửa năm về nước làm việc cho một doanh nghiệp về công nghệ thông tin.
"Tôi không quan tâm lắm đến thu nhập bởi hiểu được tình hình nhưng cách điều hành của CEO trong công ty khá rườm rà. Là quản lý nên tôi phải dự hết các cuộc họp mà rất nhiều trong số đó không liên quan đến tôi. Điều này khiến tôi không thoải mái, vì vậy mối quan hệ nội bộ dần không tốt" - Truong Ha bộc bạch.
Một vấn đề nữa mà anh cảm thấy không ổn là khả năng làm việc nhóm của nhân sự trong công ty có phần thiếu trách nhiệm và luôn tìm cách đổ lỗi. Họ thường không đưa ra ý kiến mà chỉ làm theo chỉ dẫn nên sản phẩm cuối cùng không xuất sắc.
Theo khảo sát của Robert Walters (tập đoàn tư vấn tuyển dụng có trụ sở tại Anh), 71% người Việt Nam sống ở nước ngoài tích cực xem xét khả năng trở lại quê hương sinh sống và làm việc trong giai đoạn 2023 - 2028. Điều này cho thấy nhiều người Việt ở nước ngoài đang mong muốn trở về quê hương xây dựng sự nghiệp nhưng không phải không có rào cản với họ cho quyết định đi hay ở.
Các chuyên gia của Robert Walters cho rằng sự khác biệt về lương, thưởng và phúc lợi là yếu tố cản trở quyết định về nước của Việt kiều. Hiện tại ở Việt Nam mức lương thường thấp hơn so với nơi họ đang sinh sống nhưng đổi lại chi phí sinh hoạt rẻ và thuế cũng thấp.
Đa số nhân sự Việt kiều với vốn kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng chuẩn quốc tế sẽ dễ tìm việc khi về nước và được các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam săn đón. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Việt kiều sẽ chịu áp lực cạnh tranh khi Việt Nam đang có một thế hệ trẻ ngày càng giỏi, sử dụng ngoại ngữ tốt, bản lĩnh hơn.
Robert Walters khuyên lao động Việt kiều nên đặt kỳ vọng phù hợp khi quyết định về nước làm việc. Để tránh những "thách thức không đáng có", lao động Việt kiều cần tìm đến chuyên gia tại các dự án cộng đồng như "Come Home Phở Good" để tìm công việc phù hợp tại Việt Nam hoặc tham gia những cộng đồng Việt kiều như "Overseas Vietnamese" để giao lưu, mở rộng mối quan hệ và có cái nhìn rõ nét hơn về thị trường nội địa.
Bình luận (0)