Thời gian qua, Tỉnh ủy Lâm Đồng không ngừng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả phong trào "Dân vận khéo" gắn với các phong trào thi đua yêu nước tại 12 huyện và thành phố trên địa bàn.
Trong đó, điển hình "Dân vận khéo" mang lại hiệu quả cao là của Ban Chỉ đạo chương trình phối hợp giữa Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng với các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 502).
Đi từng ngõ, gõ từng nhà
Gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự địa phương là "bí quyết" được các thành viên trong Ban Chỉ đạo 502 thực hiện.
Nói về vai trò của công tác dân vận tại cơ sở, lãnh đạo nhiều xã, huyện trong tỉnh Lâm Đồng đã nhận định nếu không có "cánh tay nối dài" này thì sẽ khó thực hiện tốt được các nhiệm vụ chính trị.
Với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà", thành viên các tổ dân vận đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trên địa bàn tuyên truyền, vận động người dân; gần gũi, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của dân; phối hợp với chính quyền tổ chức đối thoại với dân trước khi quyết định các chủ trương lớn, góp phần củng cố niềm tin, mối quan hệ giữa nhân dân với tổ chức cơ sở Đảng và chính quyền các cấp.
Bà Phạm Thị Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo 502, cho biết học theo lời dạy của Bác Hồ là "Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", chính vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên phải phát huy cao độ tinh thần yêu nước, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức; ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, vì sự phát triển phồn vinh của đất nước; vì cuộc sống an toàn, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo 502 thăm hỏi gia đình khó khăn ở huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng
Tại huyện Đơn Dương, từ năm 2019 đến nay, đã có hơn 200 mô hình "Dân vận khéo" được thực hiện. Trong đó, trên lĩnh vực phát triển kinh tế, các mô hình tập trung vận động hỗ trợ người dân giúp nhau phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao thu nhập đời sống; vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.
Cùng với đó là vận động người dân tích cực thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; xóa bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm của từng cá nhân với cộng đồng; giữ vững quốc phòng - an ninh, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Bà Trương Thị Kim Phượng, Phó trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đơn Dương, cho rằng nếu không có các cán bộ trong hệ thống dân vận tại các tổ dân phố, khu dân cư thì sẽ khó thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị. Bất kể ngày đêm, các cán bộ tổ dân phố, MTTQ, đoàn thể các xã, huyện đều vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, linh hoạt, sáng tạo để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm chỉ đạo của Huyện ủy, Tỉnh ủy.
Những kết quả đạt được từ công tác "Dân vận khéo" là nhân rộng mô hình sáng - xanh - sạch - đẹp của Ủy ban MTTQ thị trấn Thạnh Mỹ; vận động nhân dân đóng góp 600 triệu đồng và nhà nước hỗ trợ 600 triệu đồng làm đường bê-tông với chiều dài 650 m; xây dựng mô hình camera an ninh, hệ thống chiếu sáng tại một số tuyến đường trên địa bàn...
"Phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã thúc đẩy các phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Thời gian tới, Huyện ủy Đơn Dương sẽ tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo để tổ chức thực hiện các mô hình, điển hình và phong trào thi đua "Dân vận khéo" có hiệu quả thiết thực, trở thành việc làm thường xuyên; xây dựng được nhiều mô hình, điển hình để có sức lan tỏa lớn" - ông Trương Văn Tùng, Bí thư Huyện ủy Đơn Dương, thông tin.
Bước đệm cho xã nghèo
Việc về đích nông thôn mới chưa bao giờ là dễ dàng. Đặc biệt, với những xã nghèo ở vùng sâu vùng xa thì về đích nông thôn mới đã khó càng thêm khó.
"Từ việc thực hiện tốt công tác "Dân vận khéo", Ban Chỉ đạo 502 đã tạo ra sự chung tay, góp phần quan trọng nhằm tạo đà, tạo bước đệm vững chắc cho các địa phương khó khăn tự tin trong việc về đích nông thôn mới" - bà Phúc nhấn mạnh.
Cũng theo bà Phúc, ngay đầu mỗi năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng đã đôn đốc các khối dân vận huyện, xã, thị trấn; các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đăng ký thi đua xây dựng mô hình, điển hình "Dân vận khéo". Từ đó, triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại cơ sở.
Năm 2022, Ban Chỉ đạo 502 chọn xã Đạ Tông và xã Đạ M’Rông - hai xã nghèo thuộc diện khó khăn đặc biệt của huyện Đam Rông - để tổ chức đợt công tác dân vận tập trung. Tại các xã này, hơn 90% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Huyện Đam Rông đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm nghèo bền vững ở các địa phương này, nay có sự tiếp sức của Ban Chỉ đạo 502 thì việc này càng dễ dàng hơn.
Sau 5 tháng triển khai đợt công tác dân vận tập trung, Ban Chỉ đạo 502 đã phối hợp các ngành chức năng vận động 4 tỉ đồng để xây dựng các công trình, phần việc thiết thực, phục vụ đời sống nhân dân như: 54 căn nhà cho người nghèo; điện đường chiếu sáng; tu sửa sân và hội trường thôn N’tôn; xây dựng mô hình phát triển kinh tế; hỗ trợ mô hình sân chơi cho Trường Mầm non Đạ Tông; khoan giếng nước sạch, tặng quà hộ gia đình khó khăn và gia đình chính sách...
Những công trình, nội dung trong đợt dân vận này mang ý nghĩa là điểm khởi đầu, tiếp sức đối với nhân dân 2 xã, mục tiêu xây dựng xã Đạ Tông đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022 và xã Đạ M’Rông đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023.
Góp phần xây dựng nông thôn mới
Ông Nguyễn Văn Lộc, Bí thư Huyện ủy Đam Rông, chia sẻ: "Đợt dân vận tập trung đã góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng xã hội đồng thuận, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tạo diện mạo địa phương nghèo phát triển rõ rệt".
Bình luận (0)