Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã kịp thời ban hành nhiều chỉ thị nhằm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch; yêu cầu các cấp ủy, chính quyền sớm triển khai những mô hình hiệu quả tại cơ sở, trong đó luôn nhấn mạnh vai trò của công tác dân vận.
Nhiều cách làm hay, sáng tạo
Trong đợt dịch Covid-19 thứ 4 từ ngày 27-4, TP Hà Nội chuyển hướng mạnh mẽ từ phòng ngự sang tấn công với nhiều nhiệm vụ mới, khó, chưa có tiền lệ. Với tinh thần cầu thị và quyết tâm cao, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.
Đoàn viên thanh niên huyện Đan Phượng, TP Hà Nội tặng cơm cho lực lượng trực chốt “vùng xanh”
Ông Nguyễn Doãn Toản, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, cho biết hệ thống dân vận đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về phòng chống dịch trên địa bàn. Cùng với đó là hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch tại cơ sở thờ tự; tuyên truyền, vận động nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia ủng hộ nguồn lực cho công tác phòng chống dịch…
"Trong bối cảnh thành phố thực hiện giãn cách xã hội, các tổ dân vận ở thôn, tổ dân phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên, nhân dân và đạt được nhiều kết quả. Những kết quả này đã góp phần quan trọng, cùng hệ thống chính trị thành phố chung tay kiểm soát dịch bệnh" - ông Toản nhận xét.
Ở Hà Nội, chốt cụm cư dân số 10, phường Mai Động là một trong những chốt "vùng xanh" đầu tiên tại quận Hoàng Mai. Bàn làm việc của chốt này có đầy đủ sổ ghi, nước sát khuẩn nhanh, dung dịch phun khử trùng hàng hóa, nhiệt kế điện tử. Tấm biển báo ở đây ghi rõ: Tất cả người lạ, khách ra vào đều phải khai báo y tế, thực hiện thông điệp 5K; hàng hóa chỉ nhận tại bàn trực chốt; mỗi cá nhân đều phải có ý thức tự bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng.
Những chốt tại "vùng xanh" như thế cùng với lực lượng phòng chống dịch của các phường, quận kiểm tra, giám sát chặt chẽ di - biến động trên địa bàn, nhất là người tạm trú, khách vãng lai...
Từ mô hình được triển khai hiệu quả tại quận Hoàng Mai, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền toàn thành phố nhanh chóng triển khai, tổ chức phổ biến và thiết lập những "vùng xanh" ở địa bàn dân cư, hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xác định "vùng xanh", cách thức tổ chức cho người dân tự quản lý. Từ đó, "vùng xanh" được phát triển mạnh mẽ, phù hợp với từng địa phương, đơn vị trên toàn TP Hà Nội.
Trong khi đó, là "vùng đỏ" do có nhiều ca Covid-19 tại cộng đồng, quận Hoàn Kiếm đã quyết định cách ly y tế tạm thời một số địa bàn như phường Chương Dương, một phần phường Phúc Tân... Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, trực tiếp xuống địa bàn cùng ăn, ở với người dân trong khu cách ly phường Chương Dương từ ngày 31-7.
"Những ngày đầu cách ly y tế, không ít người dân thiếu hợp tác. Kiên trì vận động và nỗ lực làm tốt công tác hỗ trợ chính là cầu nối để người dân thêm tin tưởng quyết định của cấp ủy, chính quyền. Ngay sau quyết định cách ly y tế, hàng ngàn phần quà gồm thịt, cá, rau củ quả tươi được quận trao tận tay các gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn, lao động tự do... ở khu cách ly" - ông Quân cho biết.
Tại quận Ba Đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… đã có nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa. Bà Nguyễn Thị Minh Hồng, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy Ba Đình, cho biết các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ quận đã vận động được hơn 2.200 suất quà với tổng trị giá hơn 610 triệu đồng chuyển tới tay hội viên và người dân có hoàn cảnh khó khăn, người đang cách ly y tế trên địa bàn. Hàng trăm cán bộ, hội viên thay nhau mỗi sáng đi chợ nấu "Bữa cơm ấm tình người", "Suất ăn 0 đồng" chuyển tới những trường hợp yếu thế; y - bác sĩ tại các điểm tiêm chủng, xét nghiệm; lực lượng kiểm soát ở các chốt trực…
Tăng cường nắm bắt, dự báo
Ông Nguyễn Doãn Toản cho biết thời gian tới, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội sẽ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn hệ thống dân vận thành phố tăng cường nắm bắt, dự báo tình hình; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nâng cao nhận thức, thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch; tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, huy động đội ngũ công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người lao động tự do trên địa bàn cùng tham gia phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy.
Đánh giá về vai trò quan trọng của công tác dân vận trong việc đoàn kết, tập hợp nhân dân chung tay phòng chống dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nhấn mạnh cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hơn lúc nào hết, hệ thống dân vận các quận, huyện, thị xã đã tiếp tục hướng về cơ sở, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Cùng với đó, nỗ lực đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động để người dân đồng lòng, nhất trí cùng thành phố chung tay phòng chống dịch và từng bước kiểm soát dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Tuyến cho biết trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp, hệ thống dân vận toàn TP Hà Nội đã đảm đương một khối lượng công việc lớn. Tuy nhiên, thực tế hoạt động cũng bộc lộ nhiều khó khăn và bất cập, đòi hỏi cán bộ dân vận ở vị trí công tác nào cũng phải không ngừng tự hoàn thiện mình.
Bám sát cơ sở, địa bàn
Theo ông Nguyễn Doãn Toản, hệ thống dân vận của TP Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp huy động lực lượng tình nguyện viên, tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng trong hoạt động phòng chống dịch; sẵn sàng tham gia các phương án ứng phó, phòng chống dịch theo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; chỉ đạo đội ngũ cán bộ dân vận bám sát cơ sở, địa bàn, nắm chắc tình hình các tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng yếu thế...
Cùng với việc thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, hệ thống dân vận của Hà Nội sẽ tiếp tục bám sát cơ sở, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả; phát huy sức mạnh của nhân dân để từng bước kiểm soát dịch bệnh; từ đó, cùng thành phố bước sang giai đoạn bình thường mới, đem lại cuộc sống an lành, hạnh phúc cho nhân dân.
Đoàn kết là tài sản vô giá
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Người dạy trong nội bộ Đảng thì phải luôn đoàn kết "như giữ gìn con ngươi của mắt mình". Đảng và nhà nước ta luôn coi trọng chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, do đó đã khơi dậy và phát huy được sức mạnh to lớn của nhân dân cả nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xây dựng cuộc sống no ấm cho nhân dân.
Thực tiễn cho thấy trong mọi hoàn cảnh, chúng ta đều có rất nhiều cố gắng trong việc thực hiện quan điểm đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Tinh thần đoàn kết trong nội bộ Đảng, trong nhân dân ngày càng bền chặt. Đó là nền tảng tạo nên sức mạnh vô địch để chúng ta thắng lợi trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và vệ quốc; để chúng ta tập trung kiến thiết xây dựng được đất nước phát triển như ngày nay, để có một nước Việt Nam ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như mong muốn của Người.
Tuy nhiên, cá biệt ở một số cơ sở vẫn còn tình trạng "bằng mặt, không bằng lòng", nhận xét và đánh giá xuê xoa. Điều đó đã tạo ra sự đoàn kết không thực chất mà mỗi đảng viên phải nhận rõ để chấn chỉnh. Không phải quá cầu toàn nhưng dứt khoát chúng ta không thể chấp nhận sự tồn tại của những "hạt sạn" được phát hiện trong quá trình thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bác Hồ đã dạy: Sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối và chính sách của Đảng, tôn trọng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng. Mỗi chi bộ Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với người dân, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng.
Qua hơn 25 năm thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", qua những đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19..., chúng ta đã thu được rất nhiều bài học về sự đoàn kết. Đây chính là tài sản tinh thần vô giá cần được giữ gìn và phát huy tối đa.
Chúng ta cần suy ngẫm thấu đáo về quan điểm của Bác Hồ về sự đoàn kết để luôn nhớ đến đúc kết có tính chân lý của Người: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công".
Mặc Sinh (cán bộ hưu trí TP Đà Nẵng)
Bình luận (0)