Để làm được điều này, Đảng ta đã nỗ lực không ngừng trong việc xây dựng phẩm chất liêm, chính cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, xem đây là vấn đề trọng tâm, mang tính quyết định và cần phải chú trọng.
Văn kiện tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng (tổ chức tháng 1-2021) cũng đã nhấn mạnh yêu cầu liêm, chính trên cả ba cấp độ: Với đội ngũ cán bộ, với các cấp ủy và cơ quan nội chính, với bộ máy nhà nước.
Những yêu cầu này, cụ thể là: Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thì phải rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí. Đối với cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng phải kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, bảo đảm liêm chính, trong sạch, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động. Bộ máy nhà nước phải tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tạo đột phá trong cải cách hành chính…
Liêm chính, hiểu đơn giản đấy là sự ngay thẳng và trong sạch. Trong đời sống, phẩm chất này chắc chắn chúng ta đã nhiều lần được nghe. Nhưng nhận thức về sự liêm chính và thực hành liêm chính thế nào trong công tác xây dựng Đảng, cụ thể đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thì cần được nghiên cứu kỹ trên nhiều góc độ.
Về điều này, các chuyên gia về công tác xây dựng Đảng đã đúc kết mấy vấn đề sau đây:
Một là, cần xác định rõ liêm, chính là giá trị đạo đức cơ bản, là nguyên tắc, thước đo, chuẩn mực bắt buộc đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Phẩm chất liêm, chính cần được thể hiện đầy đủ trong công tác cũng như trong cuộc sống thường ngày; phải hiểu biết sâu sắc về đạo đức chính trị, tuân theo đạo đức công vụ, nghiêm túc về đạo đức cá nhân, luôn có ý thức tu thân bằng đạo đức, tu tài bằng tri thức, thuyết phục người khác bằng sự liêm, chính, trong sạch của bản thân...
Hai là, cần khẳng định việc xây dựng phẩm chất liêm, chính cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là nền tảng để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; là gốc rễ của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Ba là, cần nâng tầm liêm, chính lên thành "văn hóa liêm, chính" trong mọi mặt của đời sống xã hội. Cần xem việc xây dựng văn hóa liêm, chính là một bộ phận quan trọng của văn hóa chính trị và là bộ phận không thể thiếu của văn hóa xã hội trong thời kỳ mới. Văn hóa liêm, chính cần được triển khai trên mọi phương diện, ở nhiều cấp độ, trong mọi tầng lớp nhân dân, nhằm xây dựng nên "tuyến phòng thủ" đạo đức chống lại tham nhũng, lãng phí và tiêu cực; thiết lập quy tắc ứng xử tôn vinh đạo đức trong sáng, đồng thời tạo ra một hệ sinh thái chính trị và xã hội văn minh, tiến bộ.
Cả ba vấn đề nêu trên đều là nội dung rất cần thiết để các cơ sở đảng sử dụng trong việc sinh hoạt tư tưởng làm nền tảng cho việc xây dựng liêm chính tại cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Bình luận (0)