Phóng viên: Thưa ông, việc truyền bá tri thức lý luận chính trị cho thế hệ trẻ ở nước ta hiện nay như thế nào?
- PGS-TS VŨ TÌNH - giảng viên cao cấp, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM: Khái niệm "Lý luận chính trị" có ngoại diên rất rộng, song trong hệ thống giáo dục ở nước ta thường được hiểu là những môn học thuộc 3 bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác - Lênin, gồm: triết học Mác - Lênin, kinh tế chính trị Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học và những môn học về sự vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào bối cảnh cụ thể của Việt Nam, gồm: lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh. Các trường đại học và cao đẳng có khoa lý luận chính trị giảng dạy những môn học này.
Khi Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước đã xác định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tinh thần, là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng, của dân tộc thì việc thế hệ trẻ học tập để nắm vững nội dung mang tính khoa học, tính cách mạng, tính nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào bối cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam là điều tất yếu và cần thiết, vì họ là những người chủ tương lai của đất nước.
PGS-TS Vũ Tình cùng các cán bộ Đoàn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM viếng nghĩa trang liệt sĩ nhân ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam
Việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những kiến thức về Đảng Cộng sản Việt Nam cho thế hệ trẻ được hệ thống giáo dục quốc dân và các tổ chức chính trị - xã hội ở nước ta thực hiện một cách có hệ thống dưới nhiều hình thức. Trong hệ thống giáo dục quốc dân, ở bậc phổ thông, nội dung này được thể hiện rõ nét ở các môn học như: đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử Việt Nam… Ở những bậc học trên, các bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác - Lênin được tích hợp thành một môn học hoặc mỗi bộ phận là một môn học được nhà trường giảng dạy cùng các môn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh. Những nội dung này được các tổ chức Đoàn, hội đưa vào các chuyên đề lý luận chính trị; các tổ chức Đảng có chương trình lý luận chính trị dành cho đối tượng Đảng, đảng viên mới…
Cùng với đó là việc phổ biến tri thức lý luận chính trị qua các phương tiện thông tin đại chúng và những hoạt động cộng đồng cởi mở như các hội thi dưới dạng hỏi - đáp, viết, thuyết trình, kể chuyện, sân khấu hóa…
Nhìn chung thì tư tưởng, nội dung của những vấn đề về lý luận chính trị là nhất quán và hình thức truyền bá đến thế hệ trẻ hiện nay khá phong phú. Đó là sự kết hợp giữa tính nghiêm túc, bài bản của trường lớp với tính năng động của tuổi trẻ, giữa giáo dục kiểu truyền thống với giáo dục bằng thành tựu của khoa học hiện đại.
Có quan điểm cho rằng thế hệ trẻ ít quan tâm đến việc tự bồi dưỡng để nâng cao kiến thức về lĩnh vực này, theo ông có đúng không?
- Một cuộc khảo sát phạm vi hẹp gần đây cho thấy ở một số trường đại học có những nhận định khác nhau. Có nhận định cho rằng sinh viên học những môn lý luận chính trị mang nặng tính đối phó, song cũng có nhận định cho rằng đây là những môn học thu hút được sự quan tâm và đam mê của đông đảo sinh viên. Cần có những công trình khoa học khảo sát ở diện rộng, với nhiều đối tượng khác nhau, khi đó sẽ có những kết luận khách quan, chính xác cả về nguyên nhân, kết quả của vấn đề này. Không nhận thức đúng bản chất, thực trạng của vấn đề thì sẽ không đưa ra được những giải pháp tối ưu.
Đối với các bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường, tiêu chí đánh giá việc học tập các môn lý luận chính trị cần đặt trong mối liên hệ, tỉ lệ cả về thời lượng, nội dung, yêu cầu so với các môn học khác. Với các bạn trẻ đã đi làm, vấn đề đánh giá việc cập nhật, nâng cao kiến thức lý luận chính trị cũng cần đặt trong mối liên hệ, tỉ lệ về thời lượng, nội dung, yêu cầu so với yêu cầu của việc cập nhật, nâng cao kiến thức chuyên môn, kiến thức về công việc họ đang làm.
Để thực hiện hiệu quả công tác xây dựng Đảng trong thanh niên, ông có những đề xuất gì?
- Đây là công việc của cả hệ thống chính trị, quan trọng nhất là phải làm sao để thanh niên có tri thức về Đảng và có niềm tin vào Đảng. Tri thức về Đảng và niềm tin vào Đảng là nền tảng để thanh niên sống, hoạt động theo lý tưởng của Đảng.
Để xây dựng Đảng trong thanh niên, thanh niên phải có tri thức về Đảng. Đấy là tri thức về lịch sử Đảng, lý tưởng và đường lối của Đảng, về những hy sinh của Đảng cho dân tộc, về những thành tựu mà Đảng đã lãnh đạo dân tộc gặt hái được và về cả những sai lầm, khiếm khuyết mắc phải. Để thực hiện được điều này, tất nhiên phải tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ dưới nhiều hình thức, sao cho vừa nhẹ nhàng, cô đọng vừa bảo đảm được tính thuyết phục đối với từng đối tượng cụ thể.
Để xây dựng Đảng trong thanh niên, thanh niên phải có niềm tin vào Đảng. Niềm tin này không hình thành từ mệnh lệnh, cũng không chủ yếu hình thành từ sự tuyên truyền mà là từ những gì thanh niên chứng kiến, trải qua trong cuộc sống hiện thực. Không có Đảng chung chung, trừu tượng. Đảng là do những đảng viên được tổ chức lại mà thành, nên mỗi đảng viên là một người đại diện cho Đảng trước thanh niên. Cuộc sống của mỗi đảng viên, nhất là đảng viên ở cương vị lãnh đạo mà thanh niên chứng kiến, là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định niềm tin của thanh niên đối với Đảng.
Công tác xây dựng Đảng, kể cả xây dựng Đảng trong thanh niên, là một hệ thống những công việc liên quan mật thiết với nhau, phải được tiến hành đồng bộ. Ở đây, tôi chỉ đề cập một vài nét về tầm quan trọng của tri thức và niềm tin trong việc xây dựng Đảng ở đối tượng rất trẻ trung, năng động, luôn có chí tiến thủ và khát khao được cống hiến này.
Tạo không khí sôi nổi học tập
Mấy chục năm qua, một trong những hình thức giáo dục lý luận chính trị được sinh viên nhiều trường đại học ở TP HCM tham gia là hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mang tên "Tầm nhìn xuyên thế kỷ" và "Ánh sáng soi đường", do Thành Đoàn, ĐHQG TP HCM, Đảng ủy Khối các trường đại học và cao đẳng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP đồng tổ chức. Từ khi các hội thi Olympic này ra đời cho đến nay, PGS-TS Vũ Tình luôn là giám khảo.
PGS-TS Vũ Tình nhận xét: "Hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành hoạt động có tính truyền thống nên tổ chức Đoàn ở các trường coi đây là hoạt động đương nhiên theo định kỳ. Vì vậy, việc tổ chức thi tuyển chọn thí sinh để thành lập các đội tuyển cũng là công việc mang tính thường xuyên của nhiều trường. Thành công của các hội thi này không chỉ là tuyển chọn được những cá nhân hay đội tuyển xuất sắc mà quan trọng hơn là tạo được môi trường, không khí sôi nổi học tập các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở diện rộng. Nhìn chung, mức độ háo hức tham dự hội thi Olympic hiện nay phần nào có giảm so với những năm đầu nhưng tri thức của thí sinh về những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và các lĩnh vực khác được nâng lên rõ rệt. Một trong những nguyên nhân của sự tiến bộ này là do nhiều trường đã ghi hình toàn bộ các vòng thi làm tư liệu. Qua đó, khi học tập, nghiên cứu kỹ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ít sinh viên ngày càng thấy rõ nét hơn, sâu sắc hơn giá trị của tri thức lý luận chính trị".
Đảng viên HỒ NGỌC HY - 78 tuổi; Chi bộ khu phố 7, Đảng bộ phường 1, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị:
Trau dồi để nâng tầm nhận thức
Phạm vi của công tác cán bộ rất rộng, phong phú và đa dạng. Nhân dân, đất nước đòi hỏi rất cao đối với những cán bộ của Đảng trong thời đại hiện nay. Đòi hỏi ấy bây giờ thậm chí còn cao hơn trước đây. Cho nên, cán bộ hiện nay cần thấm nhuần quan điểm phải là người của nhân dân, của Đảng và nhà nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói trong 3 bài viết gần đây về việc chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII. Các bài viết này có tính chất hướng dẫn, chỉ đạo về mặt lý luận, thực tiễn mà chúng ta rất cần nghiên cứu. Đặc biệt, những cán bộ chiến lược càng phải học tập, trau dồi để nâng tầm nhận thức, hoàn thiện bản thân mới nói đến xây dựng con người xã hội chủ nghĩa.
Thực tiễn đang đòi hỏi có những lối đi mới, cách thức chỉ đạo mới, đúng đắn và có tính chất thực thi hơn để nhanh chóng xây dựng đội ngũ con người mới, cán bộ mới theo định hướng của công tác tổ chức và công tác cán bộ.
Đức Nghĩa ghi
Bình luận (0)