Blockchain và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) là cơ hội lớn giúp Việt Nam tiến xa trên bản đồ kinh tế số thế giới. Blockchain và AI đã và đang định hình lại nền kinh tế số, đồng thời là chìa khóa mở ra con đường sự nghiệp quốc tế cho thế hệ trẻ. Việc thành thạo công nghệ này sẽ giúp sinh viên đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động.
Trên đây là nhận định của TS Nguyễn Quang Huy, Hiệu trưởng Trường Công nghệ - Đại học Kinh tế Quốc dân tại sự kiện ABAII Unitour 14 với chủ đề "Blockchain và AI: Làm chủ công nghệ, làm chủ tương lai" do Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII), Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) và Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp tổ chức chiều tối 17-10.
Phiên thảo luận tại sự kiện cũng đã đưa ra các góc nhìn về vấn đề đang tranh luận hiện nay trước sự phát triển của AI, thì AI là bạn đồng hành hay đối địch trên thị trường lao động. Ông Lê Linh Lương, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo, cho rằng AI mang đến cả cơ hội và thách thức.
Theo ông Lương, với những người biết nắm, làm chủ AI thì đó là cơ hội. Ngược lại, sẽ là thách thức với những người chậm thay đổi. "Chúng ta phải nắm bắt ưu thế, hạn chế những nhược điểm để AI trở thành công cụ hữu hiệu, phục vụ cho các mục đích tốt đẹp trong học tập, làm việc và góp phần phát triển kinh tế xã hội"- ông Lương nhìn nhận.
Qua tổng hợp các nguồn thông tin, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo cho biết người lao động ở mọi lứa tuổi đều đang có xu hướng chấp nhận và sử dụng AI như một công cụ học tập và làm việc không thể thiếu với tỉ lệ ứng dụng từ 73-85%.
AI còn đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác như chuỗi cung ứng, toán học với các công nghệ tiên tiến như xe tự lái và hệ thống quản lý kho bãi thông minh, giúp thay đổi hoàn toàn cách thức vận hành của những ngành nghề truyền thống này.
Đối với những mặt trái của AI, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Tổng Giám đốc CTCP Công nghệ VVN AI, cho rằng sự phát triển nhanh chóng của AI đang đặt ra yêu cầu về việc tuân thủ đạo đức AI và các tiêu chuẩn cộng đồng.
Đồng thời, tránh lạm dụng AI cho các mục đích xấu như lợi dụng deepfake (giả mạo hình ảnh, giọng nói chất lượng cao) để lừa đảo hay giả mạo danh tính. Ông Tùng cũng khuyến khích sinh viên nắm bắt cơ hội phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực cung cấp giải pháp nhận diện và an ninh mạng để đối phó với các rủi ro này.
Khi đề cập đến lo ngại về việc AI có thể thay thế con người, TS Lương Văn Thiện, Giảng viên Khoa Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo, Trường Công nghệ - Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết AI sẽ thay thế nhiều công việc lặp lại, đặc biệt trong ngành dịch vụ, nhưng cũng đồng thời mở ra các cơ hội nghề nghiệp mới chưa từng xuất hiện trước đây.
Một số ý kiến cũng cho rằng AI sẽ không thay thế hoàn toàn con người mà chủ yếu bổ sung, tăng cường năng lực lao động của con người trong nhiều lĩnh vực bằng việc tự động hóa một phần nhiệm vụ trong các ngành nghề...
Bình luận (0)