xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mất trắng vì chủ quan

Bài và ảnh: HƯƠNG HUYỀN

Quyết tâm khởi kiện ra tòa đòi quyền lợi nhưng không ít người lao động trắng tay vì hiểu luật chưa thấu đáo

Cho rằng Công ty TNHH C.V.A (tỉnh Long An) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái quy định pháp luật, ông N.V.N. - nguyên trưởng phòng sản xuất thức ăn gia súc, đã khởi kiện ra tòa đòi bồi thường hơn 2,55 tỉ đồng. Tuy nhiên, ở cả 2 phiên xử sơ thẩm và phúc phẩm, hội đồng xét xử đã bác yêu cầu của ông N.

Ngộ nhận

Trước đó, từ tháng 9-2019, ông N. bắt đầu làm việc tại Công ty TNHH C.V.A và đã ký 2 lần HĐLĐ xác định thời hạn (1 năm và 3 năm, thời điểm kết thúc HĐLĐ sau cùng là ngày 2-11-2023). 

Ngày 22-4-2022, ông D - giám đốc nhà máy, đột ngột yêu cầu ông N. viết đơn xin nghỉ việc và thông báo công ty sẽ chấm dứt HĐLĐ với ông; ông N. có 30-45 ngày sắp xếp và bàn giao công việc cho nhân viên mới. Tiếp đó, ngày 3-5-2022, ông D. tiếp tục thông báo tên, số điện thoại của người sẽ thay thế công việc của ông N. trên các nhóm làm việc chung và nhóm quản lý của các nhà máy thuộc tập đoàn. 

Ông N. đã phản ánh sự việc này lên lãnh đạo công ty thì nhận được phản hồi từ ông H., giám đốc sản xuất, là tiếp tục bàn giao công việc cho người mới. Trong thời gian này, công ty cũng có giao cho ông N. một số công việc khác nhưng ông N. từ chối vì cho rằng không đúng thỏa thuận trong HĐLĐ đã ký kết.

Cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM tư vấn pháp luật cho người lao động

Cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM tư vấn pháp luật cho người lao động

Sau khi hoàn tất bàn giao, ông N. đã gửi email cho công ty thông báo về việc sẽ ngưng làm việc kể từ ngày 2-6-2022 và yêu cầu giải quyết cho ông nghỉ việc như là trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định pháp luật. Ngày 9-6-2022, công ty đã gửi email phản hồi, trong đó khẳng định chưa từng có thông báo chính thức về việc cho ông N. nghỉ việc. 

Ngược lại, ông N. đang có dấu hiệu đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật vì đã tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng từ ngày 3 đến 9-6-2022 (tổng là 5 ngày làm việc). Trong buổi làm việc giữa 2 bên sau đó, đại diện công ty yêu cầu ông N. ký biên bản về việc ông tự ý bỏ việc 5 ngày trở lên (kể từ ngày 3-6-2022) không có lý do chính đáng nhưng ông N. không đồng ý. Ông vẫn giữ nguyên quan điểm bị công ty cho nghỉ việc, điều chuyển công việc trái với quy định pháp luật nên khởi kiện ra tòa.

Tại phiên xử phúc thẩm do TAND tỉnh Long An thực hiện vừa qua, hội đồng xét xử nhận định cả ông D. và ông H. đều không phải là người có thẩm quyền chấm dứt HĐLĐ với ông N. Công ty cũng không có thông báo nào về việc chấm dứt HĐLĐ với ông N. Hơn nữa, ông N. cho rằng hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật của công ty thể hiện qua việc không bố trí phương tiện làm việc, yêu cầu bảo vệ không cho vào công ty nhưng không đưa ra được căn cứ chứng minh, công ty cũng không thừa nhận. 

Trong khi đó, ông N. đã tự ý bỏ việc từ ngày 3-6-2022 mà không đưa ra được bằng chứng để chứng minh lý do nghỉ là chính đáng. Do ông N. đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật nên không có căn cứ chấp nhận các yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại vì bị doanh nghiệp đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định.

Thiếu căn cứ

Tương tự, cách đây ít lâu, đinh ninh đã bị Công ty TNHH Trường Đại học A.V (TP Hà Nội) đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định pháp luật, ông K.S, giảng viên cao cấp chuyên ngành công nghệ thông tin, cũng đã khởi kiện đòi bồi thường.

Theo đơn khởi kiện, ông S. trình bày sau khi hết hạn HĐLĐ thời hạn 1 năm, ngày 29-4-2021, ông và công ty đã ký tiếp HĐLĐ xác định thời hạn 2 năm (từ ngày 1-5-2021 đến 30-4-2023), lương và phụ cấp là 5.500 USD/tháng. Ngày 12-5-2021, trong một cuộc họp trực tuyến, công ty có ý định rút lại HĐLĐ xác định thời hạn 2 năm đã ký kết và đề xuất ông S. ký kết HĐLĐ khác với thời hạn 4 tháng.

 Ngày 20-5-2021, công ty đã gửi qua email cho ông S. bản HĐLĐ mới thời hạn 4 tháng 23 ngày (từ 1-5-2021 đến 24-9-2021). "Do công ty dọa nếu làm việc mà không có HĐLĐ thì sẽ không có giấy phép lao động và sẽ bị trục xuất khỏi Việt Nam nên tôi đã ký bản HĐLĐ này vào ngày 1-6-2021. Tuy nhiên, từ khi ký HĐLĐ mới, giữa tôi và công ty không có bất kỳ thỏa thuận chấm dứt hay hủy bỏ bản HĐLĐ thời hạn 2 năm đã được ký kết" - ông S. trình bày.

Sau khi kết thúc HĐLĐ thời hạn 4 tháng và nghỉ việc, ông S. kiện công ty đòi bồi thường cho hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật đối với bản HĐLĐ xác định thời hạn 2 năm đã ký kết với tổng số tiền 170.428 USD. Phía công ty không chấp nhận yêu cầu của ông S. vì cho rằng bản HĐLĐ thời hạn 2 năm chưa được hai bên giao kết thành công. 

Bởi lẽ thời điểm đó, mặc dù đề nghị ông S. ký hợp đồng 2 năm nhưng do dịch COVID-19 nên công ty không thể mời ông S. lên ký kết trực tiếp, chỉ gửi bản HĐLĐ có chữ ký và đóng dấu của bên người sử dụng lao động ký cho ông S. Sau khi nhận, ông S. chưa ký mà gửi email cho công ty nói rằng muốn đàm phán lại điều khoản của hợp đồng, yêu cầu tăng lương thưởng và thăng chức. 

Tại email ngày 23-4-2021, công ty đã khước từ đề nghị của ông S. Sau đó, ông S. cũng phản hồi cho công ty rằng sẽ trì hoãn việc ký bản HĐLĐ thời hạn 2 năm này và ông S. cũng chưa gửi lại bản HĐLĐ cho công ty. Để tạo điều kiện cho ông S. có thời gian tìm việc hoặc tìm chuyến bay về nước, công ty đề nghị giao kết HĐLĐ thời hạn 4 tháng và ông S. đồng ý.

Từ những chứng cứ, tài liệu 2 bên cung cấp tại 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, hội đồng xét xử nhận định bản HĐLĐ thời hạn 4 tháng đã được hai bên xác lập phù hợp với quy định của Bộ Luật Lao động; bản HĐLĐ thời hạn 2 năm chưa được người lao động chấp nhận lời đề nghị của người sử dụng lao động nên không có giá trị pháp lý, không phát sinh nghĩa vụ của công ty đối với ông S. Do vậy, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông S. 

"Trong một số vụ việc, người lao động khá chủ quan, chỉ chăm chăm soi lỗi của phía người sử dụng lao động mà quên suy xét cẩn trọng về hành vi của mình dẫn đến đánh mất quyền lợi. Do vậy, bên cạnh việc thượng tôn pháp luật, người lao động cần thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của bản thân" - luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và cộng sự, cho biết.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo