Cho rằng chỉ đơn thuần nhận "lì xì" của đối tác dịp năm mới nhưng kết quả là bà H.N.P.Q, giám sát thu mua của Công ty CP L.M (quận 7, TP HCM), đã bị doanh nghiệp (DN) sa thải. Sau khi khởi kiện, ở cả 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm, yêu cầu hủy quyết định xử lý kỷ luật sa thải của bà Q. đều bị hội đồng xét xử bác bỏ.
Chỉ là lì xì Tết?
Theo đơn khởi kiện, bà Q. vào làm việc tại Công ty CP L.M từ năm 2019 và đến đầu tháng 3-2022 thì được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn. Đảm nhận vị trí giám sát thu mua, công việc của bà Q. là phụ trách mời chọn nhà thầu, nhà cung cấp để đấu thầu cung cấp các dịch vụ sửa chữa, bảo trì, cải tạo các cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của công ty.
Ngày 2-2-2022 (tức mùng 2 Tết Nguyên đán), có một nhà thầu gợi ý lì xì cho bà, xem như là tiền mừng năm mới. Cho rằng lì xì là phong tục tập quán của người Việt, không liên quan công việc đang phụ trách nên bà Q. đã nhận. Tuy nhiên, ngày 27-9-2022, sau khi phát hiện sự việc, công ty đã có buổi làm việc với bà Q. để xác minh.
Nửa tháng sau, công ty tổ chức họp xử lý kỷ luật lao động, sau đó ra quyết định sa thải bà Q. vào ngày 19-12-2022. Lý do sa thải là do bà Q. vi phạm nội quy lao động, cụ thể là có hành vi "tham ô" thể hiện qua việc "yêu cầu hiện vật, quà tặng, hoa hồng hay chiêu đãi từ công ty đối tác hoặc yêu cầu đối tác đáp ứng những đề nghị, giao dịch không minh bạch nhằm có lợi cho cá nhân…", gây thiệt hại về uy tín, danh dự cho công ty.
Theo bà Q., hành vi "yêu cầu hiện vật, quà tặng, hoa hồng, chiêu đãi từ công ty đối tác…" thể hiện sự chủ động nhưng việc bà nhận tiền lì xì là bị động nên không có lỗi và không vi phạm nội quy lao động của công ty. Cùng với đó, công ty thực hiện không đúng quy trình, thủ tục về xử lý kỷ luật lao động; không chứng minh được lỗi vi phạm; tiến hành xử lý kỷ luật lao động khi đã quá thời hiệu theo quy định nên bà Q. khởi kiện yêu cầu công ty hủy quyết định sa thải; bồi thường các khoản liên quan với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng.
Tại tòa, đại diện công ty cho hay trong quá trình làm việc, bà Q. đã ký "Cam kết thực hiện đạo đức nghề nghiệp và kinh doanh", "10 cam kết của nhân viên L.M", "5 nguyên tắc đạo đức kinh doanh toàn cầu của L.M" và cũng biết rõ các quy định của nội quy lao động. Tuy nhiên, qua điều tra, bộ phận tuân thủ của công ty đã phát hiện các tin nhắn trong ứng dụng Zalo (từ số điện thoại của bà Q.) thể hiện bà và ông P.X.D (giám đốc công ty đối tác đã nhận thi công nhiều dự án của công ty) có trao đổi về vấn đề "hoa hồng".
Ông P.X.D cũng xác nhận trong quá trình làm việc, bà Q. đã nhiều lần yêu cầu ông chi tiền hoa hồng của các dự án. Từ tài liệu, chứng cứ vụ án, tòa xác định công ty có đủ căn cứ để xác định hành vi vi phạm của bà Q. và đã thực hiện quy trình xử lý kỷ luật lao động sa thải đúng quy định pháp luật.
Nhiều hệ lụy
Trên thực tế, việc "cảm ơn", chia hoa hồng, cắt phần trăm… trong hoạt động mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ diễn ra rất phổ biến nên không ít người lao động (NLĐ) nghĩ đó là chuyện bình thường. Song, hành vi của họ đã phải đánh đổi bằng công ăn việc làm của chính mình. Trường hợp của ông T.T.T, Trưởng Bộ phận Buồng phòng của Công ty TNHH D.N (TP Đà Nẵng), là ví dụ.
Theo ông T., đầu tháng 8-2019, ông đã ký HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm với công ty. Ngày 25-10-2019, ông bị giám đốc công ty đuổi việc không lý do, không báo trước và cũng không ban hành quyết định chấm dứt HĐLĐ. Sau khi bị đuổi việc, ông T. khởi kiện đòi công ty bồi thường vì hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.
Theo đại diện công ty, trong quá trình làm việc ông T. đã vi phạm nội quy lao động. Với vị trí trưởng bộ phận buồng phòng, được giao liên hệ với bên thứ ba để giặt ủi, sấy chăn, ga cho khách sạn, ông T. đã đòi đối tác chi tiền phần trăm hoa hồng; cố ý kê khống chi phí giặt ủi để chiếm đoạt tiền của công ty. Khi bị phát hiện, sau buổi làm việc với công ty, ngày 25-10-2019, ông T. nộp đơn xin nghỉ việc với lý do "thay đổi môi trường làm việc". Sau ngày 25-10-2019, ông T. không đến công ty nữa dù chưa hoàn tất bàn giao công việc.
Tại phiên xử vừa qua, đại diện Công ty D.N đã cung cấp bản gốc đơn xin thôi việc do ông T. viết kèm bản in tin nhắn Zalo mà ông đã trao đổi với bên thứ ba yêu cầu việc chi hoa hồng; nâng khống tiền giặt ủi để hưởng lợi. Trên cơ sở chứng cứ các bên cung cấp, tòa nhận định HĐLĐ chấm dứt là do thỏa thuận của hai bên, thậm chí xuất phát từ sự chủ động xin thôi việc của NLĐ nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T.
Theo luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, việc nhận tiền hoa hồng hiện nay được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và gây nhiều hệ lụy xấu không chỉ cho các bên tham gia giao dịch mà cho cả nhà nước và xã hội. Cụ thể, DN phải chịu mua hàng hóa, dịch vụ giá cao dẫn đến giá thành sản phẩm tăng, làm giảm tính cạnh tranh, lợi nhuận; chất lượng hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm; tạo ra bất bình đẳng và không hợp lý về thu nhập giữa các nhóm lao động…
Đối với nhà cung cấp, phải chào giá bán hàng hóa, dịch vụ cao làm giảm tính cạnh tranh, trong khi khoản tiền chi hoa hồng không thể đưa vào chi phí hợp lý (vì không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ để chứng minh) nên phải chịu thêm thuế thu nhập DN... Ngoài ra, khoản tiền hoa hồng còn làm nhà nước thất thu về thuế, đồng thời tạo ra thói quen xấu và làm mất đi hình ảnh đẹp của NLĐ.
Quy định rõ hình thức xử lý kỷ luật
Theo các chuyên gia nhân sự, để hạn chế tình trạng trên, ở góc độ quản lý NLĐ, DN cần quy định rõ hành vi, hình thức xử lý kỷ luật lao động liên quan việc nhận "hoa hồng" trong nội quy lao động; bổ sung vào HĐLĐ hoặc ký các cam kết với nhân viên về việc không nhận tiền hoa hồng dưới mọi hình thức từ nhà cung cấp kèm theo các chế tài khi có hành vi vi phạm… để tạo ý thức tuân thủ cho NLĐ. Bên cạnh đó, cần có bộ phận kiểm tra, giám sát việc tuân thủ chính sách của DN; ban hành quy chế mua hàng cũng như quy trình xét duyệt, chọn nhà cung cấp hằng năm…
Bình luận (0)