Sản phẩm được công nhận đạt OCOP đã và đang từng bước tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, nâng cao nguồn thu nhập cho các chủ thể và người dân địa phương.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau, sau 3 năm thực hiện chương trình, Cà Mau đã có 77 sản phẩm OCOP đạt 3 và 4 sao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện tình trạng chạy theo phong trào trong phát triển sản phẩm OCOP để lấy thành tích. Một số địa phương xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm theo kiểu gượng ép, không tính đến khả năng nguồn lực chủ thể, tính cạnh tranh, thị trường và đầu ra sản phẩm.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đang kiểm tra chất lượng các sản phẩm OCOP
Để khắc phục những hạn chế trên, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho hay đơn vị đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình OCOP giai đoạn năm 2021-2025. Ông Vũ thông tin: "Thời gian tới, tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm có tiềm năng, ngành nghề truyền thống gắn với bảo tồn văn hóa của địa phương, sản phẩm tận dụng phụ phẩm để nâng cao giá trị. Đồng thời, cải thiện công nghệ cũng như mở rộng quy mô để nâng cao năng suất, chất lượng… Phát triển các sản phẩm phải gắn với liên kết chuỗi, giá trị gắn với du lịch. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, ứng dụng công nghệ số và tạo câu chuyện để gắn với sản phẩm OCOP".
Cũng liên quan đến việc phát triển sản phẩm OCOP, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết để các sản phẩm OCOP được người tiêu dùng chấp nhận thì các chủ thể phải quyết liệt trong việc tìm chỗ đứng trên thị trường. "Quá trình làm ra sản phẩm là rất khó khăn nên việc phát triển sản phẩm OCOP phải có hiệu quả, đi vào thực tiễn cuộc sống. Người làm ra sản phẩm OCOP phải bán được hàng, mở rộng sản xuất, có thu nhập cao hơn, chứ không phải cấp giấy chứng nhận rồi mà sản phẩm không bán được, người tiêu dùng ít biết đến thì việc công nhận cũng không ý nghĩa gì" - ông Thiều nhấn mạnh.
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.
Mục tiêu của chương trình là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới...
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)