ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo chủ lực của cả nước. Tuy nhiên, lợi tức từ việc sản xuất ra lúa gạo vẫn còn thấp khiến nhà nông chưa thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Đối mặt nhiều khó khăn
Do đó, tại hội thảo "Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa" vừa tổ chức tại Đồng Tháp, các chuyên gia đã gợi mở nhiều giải pháp thiết thực giúp ngành nông nghiệp ĐBSCL phát triển.
Bà Trần Thị Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN), cho biết trong năm 2021, ngành lúa gạo cả nước đã xuất khẩu hơn 6,24 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 3,28 tỉ USD. Dự báo năm 2022, xuất khẩu gạo có thể đạt từ 6,3-6,5 triệu tấn. Đáng chú ý, gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đang chuyển mạnh từ phân khúc chất lượng thấp sang phân khúc chất lượng cao và đã có mặt trên 172 nước, vùng lãnh thổ.
Trong đó, ĐBSCL chiếm 50% lượng lúa cả nước và chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu. Ngành hàng lúa gạo ở khu vực ĐBSCL tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong ngành trồng trọt của Việt Nam.
Nông dân huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đang bán lúa cho thương lái
"Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo nói chung và sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL nói riêng, vẫn có nhiều hạn chế như chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh còn thấp. Thu nhập của nông dân sản xuất lúa còn thấp và không tương ứng với thu nhập của các chủ thể khác trong kinh doanh xuất khẩu gạo. Sản xuất lúa thì thiếu tính bền vững và tác động lớn đến môi trường" - bà Hòa nhận định.
Rõ ràng việc sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL đang đối mặt nhiều khó khăn, trong đó đáng quan tâm nhất là thu nhập của nông dân còn thấp. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đặt vấn đề hiện nay có nhiều người cho rằng ĐBSCL không nên trồng lúa nữa, vì ngành hàng lúa gạo mang lại giá trị thấp và người nông dân trồng lúa là người ở tầng thấp trong mức độ thu nhập. Đeo đẳng câu chuyện đó, thành ra mỗi năm có hàng triệu người ở ĐBSCL phải đi Đồng Nai, Bình Dương làm công nhân.
"Tôi nghĩ rằng ý kiến đó cũng có phần đúng và chúng ta cần tiếp cận khác. Chúng ta phải chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đó chính là chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn. Rất nhiều năm chúng ta chạy theo sản lượng, tập trung nhiều giải pháp để tăng sản lượng. Tuy nhiên, tăng sản lượng không đồng nghĩa với tăng thu nhập" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Cơ giới hóa trong khâu thu hoạch giúp nông dân giảm chi phí
Thu nhập của nông dân tiếp tục là mối quan tâm của GS-TS Võ Tòng Xuân, khi ông cho rằng ngành sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL chưa được nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng đúng mức; nông dân sản xuất tự phát, mạnh ai nấy làm. Từ đó dẫn đến kết quả không đồng nhất, nông dân chưa thoát cảnh lợi tức thấp như trong hơn 45 năm qua. Điều này rất khác với các nước có nền nông nghiệp được quy hoạch, nông dân có lợi tức cao trên mảnh đất của mình.
Gắn nông dân trong chuỗi giá trị
Không chỉ những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp đề xuất phải quy hoạch vùng trồng mà chính nông dân cũng rất mong mỏi điều này. "Tôi làm ruộng đã hơn 40 năm và sẽ tiếp tục làm ruộng trong nhiều năm tới, dù lời hay lỗ thế nào vẫn làm, vì đó là nghề của tôi. Tôi chỉ mong nhà nước có quy hoạch vùng nào trồng gì, nuôi gì và kết nối doanh nghiệp để nông dân yên tâm sản xuất có lời. Chứ như hiện nay, mỗi năm nông dân chúng tôi luôn lo tình trạng "mất mùa được giá" hay "trúng mùa mất giá" - nông dân Trần Văn Tài (ngụ thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) nói.
Còn nông dân Nguyễn Văn Dũng (ngụ huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) cho hay: "Phú Tân chuyên trồng nếp nhiều năm qua. Năm nay giá nếp cao, người mua nếp giống ở các tỉnh khác về đây mua nhiều. Tôi lo năm sau giá nếp sẽ giảm mạnh, nông dân sản xuất khó khăn. Nếu được nhà nước quan tâm, tôi chỉ mong được quy hoạch các vùng trồng lúa, trồng nếp rõ ràng, không để nông dân canh tác tự phát. Vì chưa có quy hoạch vùng trồng nên nông dân phải tự bơi, tự sản xuất để kiếm thu nhập. Thật lòng, chúng tôi mong mỏi được nhà nước quy hoạch lại vùng trồng để nông dân yên tâm sản xuất".
Quy hoạch vùng trồng là một trong những giải pháp để giữ vững và tăng thu nhập cho nông dân. TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho rằng muốn phát triển các mặt hàng cây - con trên nền lúa, tăng thu nhập cho nông dân vùng ĐBSCL thì cần quan tâm mối quan hệ giữa tổ chức sản xuất dịch vụ, vấn đề thị trường và thu nhập của nông dân.
"Muốn giải quyết vấn đề này, theo tôi là phải giải quyết vấn đề kết cấu hạ tầng, thủy lợi, giao thông nội đồng và cơ giới hóa cho tốt. Cùng với đó là nâng cao năng lực của nông dân, HTX và doanh nghiệp nhỏ để vận hành chuỗi giá trị lúa gạo và các loại cây - con trong hệ thống luân canh, xen canh hiệu quả" - TS Nhân đưa ra đề xuất.
Còn theo TS Trần Hữu Hiệp, phát triển cây lúa cần phải gắn nông dân trong chuỗi giá trị. "Phát triển của ĐBSCL từ cây lúa không có nghĩa chỉ có cây lúa, mà nó phải kết hợp với các loại cây - con khác. Cây lúa không thể đi một mình giữa những thách thức như hiện nay. Do vậy, muốn nâng cao thu nhập cho nông dân không thể tách rời nông dân thành một chuỗi độc lập, mà phải gắn nông dân vào chiến lược chung, vào chuỗi giá trị lúa gạo" - TS Hiệp khẳng định.
Ba vùng nông nghiệp chính
GS-TS Võ Tòng Xuân đề xuất quy hoạch vùng ĐBSCL với 3 vùng nông nghiệp chính
GS-TS Võ Tòng Xuân đề xuất quy hoạch ĐBSCL với 3 vùng nông nghiệp chính. Theo đó, vùng thượng nguồn trồng lúa ngắn ngày năng suất cao, sản xuất nhiều vụ trong năm, vì đây là vùng không thiếu nước ngọt và nước mặn thì không thể đến. Vùng giữa đồng bằng là vùng trũng nhất, ngập sâu trong mùa mưa, khô hạn trong mùa nắng, nước mặn có thể xâm nhập; hiện tại đang sản xuất lúa 3 vụ/năm trong các vùng đê bao ngăn lũ và có đầy đủ hệ thống thủy lợi; hướng tới sẽ giảm diện tích lúa.
Còn vùng ven biển có thể trồng lúa chất lượng cao xen nuôi tôm càng xanh trong mùa mưa và nuôi thủy sản nước lợ/mặn trong mùa nắng. Nhà nước nên đầu tư xây dựng các hệ thống thủy lợi lấy nước mặn vào và đưa nước thải ra khu xử lý để tạo điều kiện cho nông dân sử dụng hiệu quả nước mặn trong mùa nắng.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)