Nâng cao thu nhập
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết từ năm 2017, UBND tỉnh này đã ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua "An Giang chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020" để cùng với cả nước thực hiện Quyết định số 1730/QĐ-TTg ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016-2020.
An Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt thành tích trong xây dựng NTM nhân dịp tỉnh này có đến 54/119 xã và 1 huyện đạt chuẩn NTM.
Qua phong trào thi đua, bộ mặt nông thôn ở An Giang có nhiều khởi sắc với kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, kinh tế - xã hội được quan tâm. Các địa phương đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Ngành nông nghiệp có nhiều đổi mới về hình thức tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết sản xuất hàng hoá, kết hợp với đẩy mạnh phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Phong trào thi đua gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch. Cơ cấu kinh tế của các địa phương chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỉ trọng ngành nông, lâm nghiệp và tăng nhanh tỉ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Từ đó, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao với tỉ lệ hộ nghèo giảm bền vững qua từng năm. Đến thời điểm hiện tại, công tác thi đua trong xây dựng NTM ngày càng lan tỏa và đạt được kết quả đáng khích lệ. Nếu như bình quân thu nhập trên đầu người năm 2018 chỉ đạt hơn 42 triệu đồng/người thì đến cuối năm 2019 đã lên đến 46,2 triệu đồng (quy định của tiêu chí là 45,5 triệu đồng). Hiện, toàn tỉnh có 61/119 xã đạt chuẩn NTM và 3/11 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Châu Đốc là địa phương đầu tiên trong tỉnh An Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đơn vị cấp huyện đạt thành tích hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
"Có thể nói, sau khi bắt tay vào thực hiện chương trình này thì nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng được nâng lên, giảm bớt tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Phong trào thực sự đi vào tâm thức của người dân, tạo sự đồng thuận cao, thu hút được nguồn lực từ cộng đồng dân cư tham gia đóng góp tài lực và vật lực cho xây dựng NTM. Từ đó, góp phần tạo diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đặc biệt là cảnh quan môi trường, hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội và đời sống người dân được nâng lên rõ rệt"- ông Thư chia sẻ.
Nhiều cách làm hay
Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh An Giang, có được kết quả như hôm nay đó là nhờ sự chung tay của các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương với nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và các địa phương đã vận dụng sáng tạo nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả như mô hình "Ấp tự quản bảo vệ môi trường", "Hành lang giao thông thông thoáng, mỗi nhà làm hàng rào cây xanh, cột cờ thẳng tắp", "Hội Mái ấm tình thương"; "Bếp ăn tình thương", "Đội thiện nguyện xây dựng cầu", "Cổng rào an ninh trật tự".
TP Long Xuyên là địa phương thứ 2 ở An Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng NTM.
Hội nông dân các cấp trong tỉnh cũng đã "hiến kế" với mô hình "Nông dân giỏi tham gia phát triển sản xuất xây dựng NTM" với phương châm "Nuôi dưỡng sức dân, lấy sức dân để xây dựng NTM". Qua mô hình đã vận động đóng góp hơn 102 tỉ đồng và hơn 11.000 ngày công lao động để cất nhà cho hàng trăm hộ nghèo hoặc sửa chữa cầu, đường nông thôn. Cùng với chính quyền địa phương tổ chức các lớp dạy nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho hàng chục ngàn lượt hội viên và đã có hơn 9.154 lao động nông thôn có việc làm ổn định.
Điểm nổi bất là hội nông dân đã phát động và thực hiện thành công nhiều mô hình hay, các làm hiệu quả như mô hình "Nông dân tham gia chuyển đổi vườn tạp" gắn với mô hình "Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp", "Chiếu sáng làng quê", "Cổng rào an ninh" và mô hình "Hàng rào cây xanh và cột cờ thẳng tấp".
Tuy về đích muộn hơn nhưng Thoại Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM và đang được An Giang chọn làm huyện NTM nâng cao.
Về phía Hội Phụ nữ tỉnh với phong trào "Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới" gắn với cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" với nhiều mô hình tiêu biểu như "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", công trình "Tuyến đường hoa", "Phân loại, xử lý rác hợp vệ sinh", "Hội mái ấm tình thương", "Hùn vốn xoay vòng" và mô hình "Không bạo lực gia đình".
Đoàn Thanh niên Công sản Hồ Chí Minh tỉnh đã phát động phong trào hội thi "Tuổi trẻ An Giang chung tay xây dựng NTM"; tổ chức trồng cây tạo cảnh quan môi trường, xanh, sạch, đẹp. Trong khi đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức phong trào thi đua: "Dân vận khéo trong xây dựng NTM, đô thị văn minh năm 2018" với các mô hình như vận động "Quỹ vì người nghèo và an sinh xã hội", "Tết Quân - Dân", "Ấp điểm tham gia bảo hiểm y tế" và "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi".
Nhiều chỉ tiêu phấn đấu
Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh An Giang, trong 5 năm tới, ngoài việc giữ vững tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn, An Giang phấn đấu có thêm 34 xã NTM, 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có thêm 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. An Giang cũng chọn Thoại Sơn làm thí điểm huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến năm 2025, An Giang sẽ có từ 55% trường học đạt chuẩn quốc gia, 95% người dân tham gia bảo hiểm y tế và được cung cấp nước sạch hợp vệ sinh. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của các xã NTM sẽ đạt 68 triệu đồng/người/năm để từ đó giảm tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh xuống còn 2,5% và An Giang cũng không còn xã nào đạt dưới 15 tiêu chí theo quy định về chuẩn NTM.
Bình luận (0)