Tuy nhiên, sau thời gian xem xét, UBND TP Cần Thơ từ chối đề nghị của Trà Vinh.
Lý do là hiện nay, nhà máy đốt rác phát điện ở Cần Thơ có công suất thiết kế vẫn đốt chưa hết rác ở địa phương và TP cũng có chủ trương không nhận rác từ địa phương khác. Trước tình hình này, tỉnh Trà Vinh đã liên hệ với một doanh nghiệp (DN) để thực hiện phương pháp tiêu hủy toàn bộ 30.000 tấn rác bằng công nghệ mới.
Chất thải rắn (CTR) đang làm "đau đầu" nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL khi kinh tế phát triển nhưng nhiều nơi vẫn chưa có nhà máy xử lý rác bằng công nghệ mới. Bên cạnh đó, việc kêu gọi DN đầu tư vào lĩnh vực này hết sức khó khăn do phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn.
Tại Vĩnh Long, năm 2013, nhà máy rác công nghệ cao Phương Thảo (đặt tại xã Hòa Phú, huyện Long Hồ) do Công ty CP Xây dựng Phương Thảo làm chủ đầu tư, có quy mô công suất 200-300 tấn rác/ngày đi vào hoạt động. Chủ đầu tư vay hàng trăm tỉ đồng mua máy móc, trang thiết bị công nghệ châu Âu. Quá trình vận hành sẽ xử lý rác thải sinh hoạt thành phân compost tái phục vụ sản xuất nông nghiệp, riêng nước thải ra môi trường đạt chuẩn B.
Thế nhưng, nhà máy chỉ hoạt động 9 tháng rồi phải dừng vào cuối năm 2013 do nhiều nguyên nhân: thiếu rác xử lý, giá thấp 240.000 đồng/tấn, không đủ chi phí vận hành và trả lương công nhân…
Các ngành chức năng của tỉnh Vĩnh Long không chấp nhận nghiệm thu do chưa đạt các thông số kỹ thuật, nên chưa cấp phép hoạt động và đề nghị bổ sung thêm thiết bị kỹ thuật để tái kiểm định. Đến năm 2018, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có quyết định thu hồi dự án. Hiện nay, tuy đưa vào hoạt động bãi chôn lấp rác số 3 với diện tích khoảng 4,6 ha, có sức chứa 200.000 tấn nhưng về lâu dài, nếu không có nhà máy xử lý thì bãi rác Hòa Phú (nơi tiếp nhận rác của nhiều nơi trong tỉnh) sẽ đầy, gây ô nhiễm môi trường.
Tổng lượng CTR toàn vùng ĐBSCL khoảng 14.000 tấn/ngày, mạng thu gom chưa phủ kín, hầu hết áp dụng phương pháp chôn lấp, còn rủi ro gây ô nhiễm trực tiếp nguồn nước mặt, nước ngầm. Trong vùng mới chỉ có Long An và TP Cần Thơ có khu xử lý rác CTR sử dụng công nghệ mới. Thấy được thực trạng này, trong Quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, sắp trình Thủ tướng phê duyệt vào cuối năm nay đã đề xuất xem xét xây dựng 3 khu xử lý liên tỉnh gồm: Sóc Trăng và Bạc Liêu (dự kiến tổng lượng CTR đô thị và công nghiệp mỗi năm là 331.000 tấn); Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long (285.000 tấn/năm); Đồng Tháp, An Giang (332.000 tấn/năm). Sau khi thu gom sẽ phân loại xử lý tại tỉnh, số còn lại sẽ vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường thủy nội địa nhưng kiểm soát mùi hôi và không làm rò rỉ nước. Đồng thời, các khu xử lý CTR cấp tỉnh/huyện dần chuyển đổi công nghệ sang đốt (có hoặc không chuyển hóa năng lượng) theo điều kiện thực tiễn. Công nghệ được đề xuất là đốt rác kết hợp thu hồi nhiệt để phát điện.
Theo tính toán, suất đầu tư khoảng 1,1 triệu USD/10 tấn rác, 1 tấn rác phát được 375 KWh, diện tích sử dụng đất khoảng 10 ha mỗi nhà máy liên tỉnh.
Bình luận (0)