Bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại Công ty MM Mega Market Việt Nam, cho biết chiều 14-9, tỉnh Đồng Tháp đã liên hệ với công ty để tìm hiểu về nhu cầu đối với những mặt hàng MM Mega Market đang cần.
"Chúng tôi rất cần phát triển thêm nhà cung cấp mặt hàng đông lạnh vì nhà cung cấp chính mặt hàng này đang hụt hàng do ảnh hưởng dịch, kéo theo sự thiếu hụt nhất thời tại các siêu thị trong hệ thống. Mặt hàng đồ hộp cũng vậy" - bà Nga nói.
Kết nối nguồn hàng cho doanh nghiệp
Cũng theo bà Trần Kim Nga, qua tọa đàm, doanh nghiệp (DN) phân phối, bán lẻ đã được cập nhật thêm nhiều thông tin về thực trạng nguồn hàng, khả năng cung ứng của các tỉnh, thành. "Tỉnh, thành nào còn nhiều hàng hóa, nông sản muốn đưa vào tiêu thụ tại hệ thống phân phối hiện đại thì có thể tập hợp danh mục hàng hóa cùng đầu mối liên lạc và thông qua Báo Người Lao Động để gửi đến chúng tôi.
DN, hợp tác xã muốn trở thành nhà cung cấp của MM Mega Market phải đáp ứng các tiêu chuẩn mua hàng của siêu thị; phải trải qua nhiều khâu đánh giá, thẩm định. Trường hợp DN ký hợp đồng trực tiếp với nông dân thì sẽ có hướng dẫn, giám sát quy trình canh tác và đánh giá chất lượng trước khi thu mua" - bà Trần Kim Nga lưu ý.
Theo bà Nguyễn Thị Thơ, Giám đốc marketing Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Gigamall Việt Nam, ngoài những thông tin bổ ích về bức tranh chung của tình hình sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông sản khu vực phía Nam, Gigamall hy vọng thông qua tọa đàm sẽ tìm được một số nhà cung cấp từ các tỉnh, thành ĐBSCL cho dự án sắp tới.
"Mục đích của chúng tôi khi tham gia tọa đàm là tìm kiếm thông tin và cơ hội kết nối, mua hàng với các tỉnh, thành phía Nam. Đặc trưng của mặt hàng nông sản là theo mùa vụ, chúng tôi cần nguồn hàng đa dạng, ổn định nên rất mong trong vài ngày tới sẽ có thêm nhiều tỉnh, thành liên hệ chào hàng" - bà Thơ bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đánh giá cao hiệu quả của buổi tọa đàm
Về phía địa phương, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đánh giá buổi tọa đàm rất ý nghĩa, thiết thực trong bối cảnh nông - thủy sản của nông dân ĐBSCL nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây cũng là dịp để các tỉnh, thành chia sẻ kinh nghiệm, liên kết nhau nhằm mục đích tiêu thụ nông - thủy sản giữa các địa phương.
"Sau thông tin từ phía lãnh đạo Báo Người Lao Động về việc báo sẽ đứng ra kết nối các DN với các địa phương để hỗ trợ thu mua nông sản không lợi nhuận giúp nông dân, tôi đã chỉ đạo Sở Công Thương kết nối với Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Gigamall Việt Nam nhằm sớm giúp người dân tiêu thụ nông sản tồn đọng. Ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ nông dân kết nối với các DN, siêu thị… cũng như tạo điều kiện cho DN, siêu thị tiêu thụ nông - thủy sản của nông dân" - ông Hòa thông tin.
Các địa phương ĐBSCL hy vọng sớm kết nối được với nhiều kênh tiêu thụ nông - thủy sản hơn nữa. Trong ảnh: Tiêu thụ nông sản trong mùa dịch tại TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tiếp tục gỡ vướng mắc
Tham dự và nêu ý kiến tại tọa đàm với tư cách là đại diện cơ quan quản lý nhà nước, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Tổ phó Thường trực Tổ Công tác đặc biệt phía Nam - đánh giá tọa đàm có ý nghĩa lan tỏa khi không chỉ giúp kết nối tiêu thụ nông - thủy sản khu vực ĐBSCL mà còn nhận được sự quan tâm từ một số địa phương phía Bắc.
"Ngay sau khi theo dõi thông tin từ tọa đàm, tỉnh Quảng Ninh đã liên lạc với chúng tôi và bày tỏ mong muốn được kết nối tiêu thụ 10.000 tấn cá song. Do việc vận chuyển vào miền Nam còn gặp khó khăn nên chúng tôi hỗ trợ tỉnh tiêu thụ ở thị trường Hà Nội" - bà Lê Việt Nga cho biết.
Cũng theo bà Lê Việt Nga, nhiều tỉnh, thành đã liên lạc với Bộ Công Thương để được kết nối làm việc với một số hệ thống phân phối và bộ cũng như Tổ Công tác đặc biệt phía Nam sẽ tiếp tục có kế hoạch hỗ trợ các địa phương tiêu thụ nông - thủy sản.
"Sở công thương một số tỉnh đã gửi đến chúng tôi thông tin về khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các tỉnh, thành khu vực phía Nam, sau khi trừ đi lượng cấp cho nhu cầu địa phương. Riêng ngày 15-9, khả năng cung ứng của tỉnh Đồng Nai là gần 63.354 tấn heo hơi, 22 tấn thịt gà, gần 1,3 triệu quả trứng và 120 tấn thủy - hải sản.
Với tỉnh An Giang, nguồn cung trong ngày đạt 450.000 tấn gạo tẻ, 12.000 tấn heo hơi, 1.223 tấn thịt gà, gần 80.000 tấn thủy - hải sản và 48.720 tấn rau củ" - bà Lê Việt Nga thông tin. Bà cũng cho biết đã ghi nhận phản ánh về khó khăn của các địa phương liên quan đến giờ giấc được hoạt động, vận chuyển và tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ.
Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, 2 tọa đàm về kết nối tiêu thụ nông - thủy sản gần đây do Báo Người Lao Động tổ chức đã tạo điều kiện giúp nhiều địa phương ĐBSCL chia sẻ khó khăn, trao đổi các giải pháp phù hợp nhất trong tình hình hiện nay.
"Tỉnh luôn tạo mọi điều kiện để DN, thương lái trong và ngoài tỉnh đến thu mua nông - thủy sản. Tuy vậy, đa số đơn vị thu mua ở ngoài tỉnh nên việc di chuyển mất nhiều thời gian, tốn chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 và thuê phương tiện nên ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm. Chưa kể, một số DN, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến thủy sản, phải tạm dừng hoạt động ở các kho, nhà máy dẫn đến việc thu mua trì trệ" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nêu những khó khăn còn tồn tại.
Ông cho biết thời gian tới, tỉnh tập trung hỗ trợ tiêu thụ các loại nông - thủy sản ngắn ngày và hướng tới thị trường nội địa, đặc biệt là TP HCM, để hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cũng đánh giá cao ý nghĩa của tọa đàm. Ông đề nghị các DN tại TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam tiếp tục hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản Bến Tre. Ngược lại, Bến Tre sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của các tỉnh bạn.
. Ông NGUYỄN VĂN HỒNG, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ:
Nơi kết nối địa phương với DN
Tọa đàm "Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và TP HCM" do Báo Người Lao Động phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức rất hay, kết nối một cách sinh động giữa chính quyền các tỉnh, thành và DN.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ
Sau buổi tọa đàm, UBND TP Cần Thơ đã giao Sở Công Thương làm đầu mối kết nối các siêu thị, công ty phân phối để tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Đồng thời, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương thu mua; hướng dẫn nông dân từ khâu sản xuất, thu hoạch với chất lượng đạt chuẩn GAP để có thể bán vào siêu thị được. Đồng thời, chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải giải quyết vướng mắc nếu có tình trạng giao thông bị ách tắc.
. Bà VÕ PHƯƠNG THỦY, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp:
Tỉnh kết nối được 2 DN
Tọa đàm "Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và TP HCM" do Báo Người Lao Động phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức đã mang lại hiệu quả rất lớn, góp phần giúp các tỉnh ĐBSCL, trong đó có Đồng Tháp, hiểu rõ hơn về thị trường TP HCM. Nhiều kênh phân phối lớn ở TP HCM đã có mặt tại tọa đàm và nêu lên nhu cầu của họ hiện nay, qua đó, địa phương biết được thị trường cần gì, mình cung cấp được gì...
Bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp
Sau tọa đàm, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp đã kết nối được 2 DN là Công ty MM Mega Market Việt Nam và Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Gigamall Việt Nam để đàm phán đưa ếch, cá điêu hồng, tôm vào kênh phân phối của 2 DN này.
. Đại diện sàn thương mại điện tử LAZADA:
Ý nghĩa lớn về hỗ trợ đầu ra nông - thủy sản
Chúng tôi đánh giá tọa đàm có ý nghĩa rất lớn về việc hỗ trợ đầu ra nông - thủy sản cho các nhà bán hàng địa phương cũng như góp phần đưa thực phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng.
Trong thời gian vừa qua, chúng tôi cũng đã tích cực phối hợp cùng Sở Công Thương TP HCM, các DN bán lẻ và nhà cung cấp để mở rộng nguồn hàng, đưa các mặt hàng thực phẩm, rau củ quả đến tận tay người dân tại khu vực có dịch của thành phố thông qua chương trình "Thực phẩm lưu động bình ổn giá".
Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương... để đưa nông sản địa phương lên sàn nhằm hỗ trợ các nhà bán hàng địa phương phát triển kinh tế, giảm thiểu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
C.Linh - T.Minh - P.Nhung ghi
Bình luận (0)