Giữa trưa nắng, làn gió mang theo mùi xú uế nồng nặc hắt về phía căn nhà của ông Nguyễn Văn Đương (ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau). Khói axít phủ đầy trên mái của hàng trăm căn nhà nơi đây. Chỉ tay về những ngọn khói phun ra từ nhà máy trong Khu Công nghiệp (KCN) Hòa Trung, ông Đương than thở: "Hơn 20 năm rồi, nhiều người dân ở đây phải chung sống với mùi hôi thối, nước bẩn, khí độc của nhà máy chế biến đầu vỏ tôm, nước mắm… trong KCN này".
Không dám xuống sông rạch tắm
KCN Hòa Trung cách TP Cà Mau khoảng 5 km, là điểm nóng về tình trạng ô nhiễm môi trường. Nơi đây tập trung nhiều nhà máy chế biến thủy sản, nước mắm, đầu vỏ tôm…; được ngành chức năng xác định và nhiều lần bắt quả tang là thủ phạm "đầu độc" hàng loạt kênh rạch trong vùng. "Dù tất cả nhà máy trong KCN đều có hệ thống xử lý nước thải nhưng không hiểu sao dòng kênh cạnh KCN này vẫn không hết ô nhiễm, dường như nó đã "chết" rồi" - ông Đương thắc mắc.
Ở ấp Sở Tại, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, người dân cho biết hơn 10 năm nay, họ hầu như không bắt được cá tôm dưới kênh xáng Lương Thế Trân và kênh Rạch Rập vì đã chết sạch. "Trước khi có mấy nhà máy thủy sản, nước ở kênh trong lắm, bọn nhỏ xuống tắm hoài, tôi đặt lú mỗi ngày cũng kiếm được ít tôm cá để ăn. Giờ không ai dám xuống tắm, nhiều người phải cất lú vào nhà vì không còn con cá, con tôm nào để bắt cả" - ông Trần Cáo, người dân ấp Sở Tại, thở dài.
Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Cáo lấy xuồng máy chở chúng tôi đi dọc một đoạn kênh Lương Thế Trân khi thủy triều đang xuống. Mùi tanh dưới kênh bốc lên không chịu nổi dù chúng tôi đã mang khẩu trang. Nước dưới kênh có khúc đen kịt, có khúc ửng màu đỏ kỳ lạ.
"Nhiều đêm đang ngủ, mùi hôi dưới kênh xộc vào mũi phải giật mình thức giấc. Sáng ra, thấy cá chết nổi lềnh bềnh, chúng tôi vớt lên cho chó mèo ăn chứ không dám dùng vì sợ ngộ độc" - ông Cáo kể.
Hơn 7 năm trước, bà Nguyễn Thị Mai (ngụ khu vực 6, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) hay dùng nước tại rạch Ngã Bát để sinh hoạt nhưng nhiều năm nay không sử dụng nữa do con rạch này ô nhiễm nặng. "Lúc trước, xuống rạch tắm còn được, múc nước lên dùng bình thường. Còn bây giờ, nước trong rạch đen ngòm, có ngày nước ròng bốc mùi hôi thối không chịu được. Nước ở con rạch này bị ô nhiễm một phần do người dân thiếu ý thức quăng rác xuống, mặt khác ngay đây cũng có cống xả nước thải của TP" - bà Mai giải thích.
Người dân phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ không dám sử dụng nước ở rạch Ngã Bát từ nhiều năm nay. Ảnh: CA LINH
Đối diện khu vực quán bà Mai, một cống đang xả nước thải đen kịt ra con rạch. Ngoài ra, nhiều hộ dân cất nhà lấn chiếm, lòng rạch bị bồi lắng, dòng chảy bị hạn chế, cỏ mọc um tùm… cũng là nguyên nhân khiến rạch này trở thành "con rạch đen".
Tại rạch Đầu Sấu, tuy tiếp giáp với sông Cần Thơ nhưng con rạch này vẫn bị ô nhiễm. Rạch Đầu Sấu nằm giữa 2 phường Hưng Lợi và An Bình, kéo dài đến phường An Khánh, quận Ninh Kiều. Theo một số hộ dân sống ven rạch, khoảng 20 năm trước, nước ở con rạch này trong xanh, người dân chỉ việc lấy lên lóng phèn sử dụng.
"Nhiều năm nay, tôi không dám sử dụng nước dưới rạch Đầu Sấu nữa. Nước lớn, rác theo con nước chảy vô; khi nước ròng, nó đen ngòm, bốc mùi hôi không chịu nổi. Thậm chí, giẻ lau tôi còn không dám đem xuống đó giặt, vì đụng tới nước dưới con rạch là tay chân ngứa ngáy khó chịu lắm" - bà P. (ngụ khu vực 3, phường Hưng Lợi) lo ngại. Bà còn cho biết dưới chân cầu Đầu Sấu là nơi tập kết rác, nhiều khi rác đổ tràn ra con rạch. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến rạch Đầu Sấu bị ô nhiễm nặng.
Nhìn xuống dòng kênh của quê mình ngày càng cạn kiệt và ô nhiễm, ông Nguyễn Minh Kha (ngụ ấp Trung Bình Nhì, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) không khỏi bùi ngùi khi nhớ về một thời nước kênh trong xanh. "Tôi sinh ra và lớn lên bên bờ kênh Ông Cò này đã gần 60 năm rồi. Cách nay chỉ hơn 10 năm, bà con sống dọc theo tuyến kênh này có thể lấy nước sử dụng bất cứ lúc nào vì nước sạch lắm. Còn bây giờ, nước kênh đang bị ô nhiễm nặng nên không ai còn dám đặt chân xuống đó nữa vì gây ngứa ngáy" - ông Kha tiếc nuối.
Ông Phạm Văn Lực (ở ấp Tân Bình, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), cũng nói nước dưới kênh ấp này hôi thối lắm, khi các nhà máy chế biến thủy sản ở đây cứ xả thải ra mỗi ngày. Theo lão nông này, nhờ có dòng kênh Xáng dẫn nước ngọt từ huyện Cờ Đỏ của TP Cần Thơ về nên người dân ở đây được hưởng lợi rất lớn trong việc nuôi trồng thủy sản, đánh bắt cá hay sản xuất lúa, rau màu. Thế nhưng, cách nay khoảng 3 năm, một số người từ nơi khác đến xây dựng các nhà máy chế biến hải sản và thường xuyên xả thải xuống dòng kênh này nên mặt nước luôn đổi màu, từ ngầu đục phù sa sang xanh đậm, kèm mùi hôi rất khó chịu.
Hàng trăm hộ dân ở khu vực kênh Nổi, ấp 1, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cũng đang rất lo lắng về tình trạng nước kênh bị ô nhiễm, không thể phục vụ sản xuất nông nghiệp. Kênh Nổi dài hơn 1,7 km, trước đây nước trong xanh phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm hộ dân trồng rau màu. Gần đây, do có nhiều doanh nghiệp kinh doanh và xả thải ra khiến dòng kênh đã bị ô nhiễm.
Đứng trên tuyến kênh Nổi, ông Trần Hàng Tình bức xúc: "Tình trạng này kéo dài hơn 4 năm nay, khi trời nắng thì bốc mùi hôi thối nồng nặc và theo từng đợt. Người dân khu vực này mong muốn chính quyền địa phương và các doanh nghiệp sớm có biện pháp khắc phục...".
Ông Phạm Văn Lực cho biết dòng kênh Xáng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do các nhà máy chế biến hải sản xả chất thải ra môi trường. Ảnh: THỐT NỐT
Nước sinh hoạt chảy thẳng ra sông
Ngoài nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt đô thị cũng là một trong những nguyên nhân làm ô nhiễm thêm hệ thống sông rạch của ĐBSCL. Thải trực tiếp nước sinh hoạt ra sông là thực trạng tồn tại bao lâu nay của các đô thị vùng sông nước này.
Theo ông Tô Hoàng Môn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, ở ĐBSCL, hiếm hoi đô thị có nhà máy xử lý nước thải như TP Long Xuyên và TP Châu Đốc. Nhờ đó, tình trạng ô nhiễm chất lượng nguồn nước mặt sông rạch ở 2 TP này đã phần nào được hạn chế.
Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết TP chỉ có một nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đặt tại quận Cái Răng nhưng xử lý nước thải cho... quận Ninh Kiều. Những quận, huyện còn lại chưa có nhà máy xử lý nước thải.
Sở Xây dựng TP Cần Thơ cho hay đã đề nghị TP đưa vào kế hoạch đầu tư cũng như kêu gọi đầu tư nguồn vốn tư nhân, vốn vay ODA, trong đó có việc nâng công suất nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt hiện tại lên gấp đôi. Ngoài ra, TP Cần Thơ đã phê duyệt đồ án quy hoạch thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng kinh phí 20.280 tỉ đồng. Theo đồ án, đến năm 2030, tỉ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt 75%-90%; riêng nước thải công nghiệp, y tế và nước thải từ các làng nghề được thu gom xử lý đạt quy chuẩn quy định trước khi xả ra môi trường.
Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh đang triển khai dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị tại TP Cà Mau với kinh phí 1.000 tỉ đồng. Nguồn kinh phí này được Ý tài trợ. Tuy nhiên, dự án vẫn đang trong giai đoạn thiết kế.
"Đảo ngọc" Phú Quốc chưa có nhà máy xử lý nước thải
Theo ghi nhận của chúng tôi, từ Dinh Cậu (phường Dương Đông) đến khu vực Bãi Trường (xã Dương Tơ, TP Phú Quốc) có hàng trăm ống nước thải lớn nhỏ từ các khách sạn, resort ngang nhiên xả xuống biển. Không chỉ dọc bờ biển Phú Quốc, sông Dương Đông cũng là một trong những điểm hứng chịu nặng nề nguồn nước thải từ các nhà thùng sản xuất nước mắm, hàng chục nhà hàng sát bờ sông. Bên cạnh đó, hàng chục hộ kinh doanh, sản xuất đồ khô cũng trực tiếp xả chất thải ra môi trường, khiến tình trạng ô nhiễm sông Dương Đông, vào đầu mùa khô càng trở nên trầm trọng.
Một lãnh đạo UBND TP Phú Quốc cho biết đến nay, trên địa bàn TP chưa có dự án xử lý nước thải nào. UBND TP Phú Quốc đã trình UBND tỉnh Kiên Giang và các sở, ngành đề án thu gom xử lý nước thải cục bộ cho khu vực phường Dương Đông cùng các xã lân cận; đồng thời tìm giải pháp "cứu" sông Dương Đông và các sông, suối khác ở Phú Quốc. Về lâu dài, cần phải quy hoạch và di dời hàng chục nhà thùng nước mắm vào khu tập trung, có hệ thống thu gom xử lý nước thải.
Bình luận (0)