Ngày 16-4, ông Hoàng Đình Phi, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, cho biết ngành đóng tàu công nghiệp nặng ở Khánh Hòa vẫn hoạt động ổn định, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động.
Sẽ thu 468 triệu USD
Theo ông Phi, ngọn cờ đầu ngành đóng tàu hiện nay thuộc về Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai - Vinashin (gọi tắt là HVS) ở xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa.
Năm 2019, công ty này đóng mới 16 tàu, doanh thu 457 triệu USD, đóng góp ngân sách 119 tỉ đồng. Hiện nay, công ty có 3.015 kỹ sư và công nhân, trong đó có 79 chuyên gia Hàn Quốc. Ngoài ra, còn có 2.390 kỹ sư và công nhân của nhà thầu phụ. Lương trung bình của người lao động là 9,3 triệu đồng/tháng.
Thông tin với Báo Người Lao Động, đại diện Công ty HVS cho hay đối mặt với đại dịch Covid-19, công ty vừa xây dựng nơi làm việc an toàn vừa bảo đảm cạnh tranh về chất lượng, quản lý tăng trưởng bền vững và xây dựng văn hóa công ty hòa hợp và chia sẻ. "Công ty đang cố gắng trong năm 2020 sẽ bàn giao thêm 16 tàu biển, đem về doanh thu 468 triệu USD" - ông Go Jin Young, Tổng Giám đốc HVS, nhấn mạnh.
Nhà máy Tàu biển Hyundai - Vinashin phát triển ổn định, là điểm sáng giữa đại dịch Covid-19.Ảnh: NGỌC TUẤN
Hoạt động cùng với công ty đóng tàu này còn có 38 doanh nghiệp (DN) thầu phụ chuyên sản xuất gia công trang thiết bị, phụ kiện phục vụ cho hoạt động đóng tàu. Trong đó, có 9 DN Hàn Quốc lớn đầu tư gần khu vực nhà máy.
Phục vụ đóng tàu nội địa, ông Lê Quang Lâm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang, khẳng định nhà máy đang hoạt động ổn định với những đơn hàng sửa chữa tàu bè thường niên cho ngư dân, DN vận tải. "Công ty chưa để trường hợp nào thất nghiệp trong mùa dịch Covid-19. Các công nhân vẫn hoạt động bình thường vì lượng tàu các nơi đang đưa về nhà máy để bảo trì, sửa chữa ổn định" - ông Lâm nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Cam Ranh, bên cạnh sản phẩm tàu cá vỏ thép, công ty cũng đã đóng mới tàu hai thân phục vụ du lịch và các sản phẩm khác như tàu kéo. Công ty đang tập trung đầu tư đóng các loại tàu nhỏ và làm dịch vụ bảo dưỡng; đàm phán với đối tác từ Na Uy về các đơn hàng mới.
Bảo đảm an sinh cho hàng ngàn lao động
Theo Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa, phát triển thế mạnh đóng tàu biển, toàn tỉnh có 13 dự án hỗ trợ công nghiệp đóng tàu với số vốn đầu tư nước ngoài hàng chục triệu USD. Hàng loạt DN như Công ty TNHH Hưng Bảo, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại HTH, Công ty CP Công nghiệp Hiệp Thành, Công ty Seyoung Hòa Hiệp và Công ty TNHH Jet Vina... được đánh giá là những đơn vị có năng lực, đáp ứng được tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).
Các DN cơ khí phụ trợ đóng tàu của tỉnh đã trở thành sự lựa chọn đầu tiên của các nhà máy đóng tàu. Các hạng mục phụ trợ mà các DN cơ khí thường xuyên thi công gồm: lan can, cầu thang, thông gió, ống khói, sàn thao tác... của tàu thủy. Đặc biệt, tất cả những sản phẩm này đều lắp ráp cho tàu thủy xuất khẩu đi các nước châu Âu và những thị trường khó tính. Ở các DN này, hơn 70% người lao động có trình độ từ trung cấp hoặc tương đương trung cấp trở lên. Đội ngũ kỹ sư đa phần kinh qua môi trường làm việc tại các nhà máy đóng tàu lớn.
Ông Hoàng Đình Phi cho rằng việc các công ty đóng tàu vẫn phát triển ổn định trước đại dịch là điều đáng ghi nhận. Sở dĩ có được điều này do chiến lược phát triển cũng như có được nguồn đơn hàng ổn định. Các công ty không chỉ đóng góp ngân sách cho địa phương mà còn tạo công ăn việc làm cho các DN phụ trợ đóng tàu, qua đó giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.
"Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp tại một số tỉnh, thành trên cả nước, Ban Quản lý đã yêu cầu tất cả công ty, nhà máy trong Khu Kinh tế phải thực hiện nghiêm công tác an ninh, phòng chống dịch bệnh" - ông Phi nói.
Dù không còn hạn ngạch đóng mới, vẫn "sống" tốt
Ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Phú Yên, cho biết tỉnh này chỉ cấp phép mỗi Xí nghiệp đóng tàu cá Hùng Thi (huyện Đông Hòa) vì đủ tiêu chuẩn.
"Không riêng gì Phú Yên mà cả nước hiện không còn hạn ngạch đóng mới tàu cá do Bộ NN-PTNT cấp. Tuy nhiên, Xí nghiệp đóng tàu cá Hùng Thi vẫn sống tốt nhờ nguồn tàu cá sửa chữa đều đặn, đặc biệt là nhu cầu cải hoán tàu cá từ dưới 15 m chiều dài lên trên 15 m để đủ điều kiện khai thác xa bờ tăng cao" - ông Minh nói.
Bộ NN-PTNT đã cho phép tỉnh này được cải hoán hơn 250 tàu cá. Số tàu cá này đang làm thủ tục hợp đồng với Xí nghiệp Đóng tàu cá Hùng Thi để sớm được cải hoán. Ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu cá Hùng Thi, cho biết xí nghiệp đang cải hoán 2 tàu cá thì đến chiều 16-4 có thêm 3 tàu cá khác đưa vào sửa chữa. "Xí nghiệp có hơn 50 công nhân, kỹ sư và công việc vẫn đều đặn. Để cải hoán hết 250 tàu cá chỉ riêng Phú Yên thì công việc cũng bát ngát rồi" - ông Hùng cho biết.
H.Ánh
Bình luận (0)